Không phải người hâm mộ nào đến vòng chung kết World Cup với tinh thần cởi mở, thân thiện, rất nhiều trong số đó chỉ chờ một cơ hội để ‘nói chuyện’ với CĐV nước khác.
- Tiết lộ lý do hàng triệu phụ nữ Nhật Bản đều mơ làm vợ võ sĩ Sumo
- Võ sư trong phim “Người phán xử” bị tố lừa đảo qua lời kể của phái Bình Định Gia
Đánh nhau cũng phải có luật
Trước khi World Cup 2018 khởi tranh, một vấn đề được chức trách Nga quan ngại là làm thế nào để điều hòa quan hệ căng thẳng giữa CĐV chủ nhà và các hooligan Anh.
Cả hai nhóm đã mâu thuẫn với nhau ở Euro 2016, và nhiều lần lên trang nhất mặt báo của các hãng thông tấn lớn thế giới. Mối quan hệ ngoại giao căng thẳng giữa hai nước càng làm cho những kẻ quá khích có thêm cái cớ để tụ tập, sinh sự. Đó chính là lý do khiến đại bản doanh của đội tuyển Anh phải xây hàng rào kiên cố, khác hẳn vẻ yên bình của những đội tuyển khác.
Nhưng như thế không có nghĩa là bạo lực có thể được ngăn chặn. Vladimir Nosov, cựu vô địch quyền Anh của Nga và châu Âu, và hiện là điều phối viên của phong trào Sorod Sorokov – khuyến khích thanh niên Nga sống lành mạnh, nêu ra ý tưởng cực độc. Đó là nếu không thể ngăn các vụ xô xát, tốt nhất là nên tổ chức chúng sao cho đúng luật. Nosov nêu ý tưởng: “Tôi tin giải đấu quyền Anh giữa các nhóm CĐV sẽ là cách tốt nhất để xóa bỏ bạo lực đường phố, và đưa sự quá khích vào trong sàn đấu chuyên nghiệp”.
Theo ý tưởng của Nosov, những võ đài sẽ được mọc lên quanh các điểm nóng về bạo lực và chủ yếu nằm ở 2 thành phố Volgograd, Kaliningrad, nơi tuyển Anh thi đấu. Mỗi nhóm CĐV sẽ cử một số lượng người nhất định, lao vào tấn công đối thủ bằng tất cả mọi đòn thế, từ đấm, đá, húc đầu, cho đến vật, và khóa tay, miễn sao không sử dụng vũ khí. Đội chiến thắng là đội còn người đứng lại trên sàn đấu đến phút cuối cùng. Phần thưởng cho đội chiến thắng có thể là một chầu bia, hoặc thậm chí là một cái hẹn hôm sau… chiến đấu tiếp.
Igor Lebedev, cựu Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga, đại diện Đảng Dân chủ tự do, ủng hộ ý tưởng này. Ông còn gợi ý một môn thể thao mới cho các CĐV có máu liều mang tên “Draka” (tiếng Nga, nghĩa là chiến đấu). Đây là môn võ gần giống với MMA, nhưng ở mức độ nghiệp dư hơn. Các võ sĩ khi thượng đài sẽ có hàng trăm trọng tài mỗi trận, chính là các CĐV. Lebedev chủ trương: “Thế muốn loại bỏ hooligan khỏi đường phố, hãy mang họ đến sàn đấu”. Ông cũng kêu gọi: “Thay vì phá hủy quán rượu, nhà hàng, và làm người khác hoảng sợ, hãy bước lên sàn đấu và chứng minh bạn có thể làm được gì với nắm đấm”.
Khỏe để đủ sức tự vệ
Sau gần một tuần World Cup 2018 khởi tranh, chưa có võ đài nào hoành tráng gây được sự chú ý của truyền thông thế giới. Nhưng rất nhiều thanh niên Nga đã nghe theo lời hiệu triệu của Nosov và Lebedev – tập võ để chiến đấu với bất cứ nhóm hooligan nào.
Thay vì chìm đắm trong men rượu, cờ bạc và gây gổ ngoài đường, những thanh niên có sức vóc ở Nga ghi danh vào những lớp tập võ thuật, thể hình, thậm chí rèn luyện ý thức chiến đấu như trong các trường quân sự. Quyền Anh, vật, Jiu-jitsu là những môn được người trẻ Nga ưa thích bởi tính chiến đấu và sự mạnh mẽ ở đòn thế.
Mischa, một hooligan có thâm niên chia sẻ: “Chúng tôi phải tập luyện và chiến đấu, làm sao để không ai bị thương và thắng đối thủ nhanh nhất có thể”. Anh cũng thổ lộ kinh nghiệm thi đấu: “Khôn ngoan nhất là dồn đôi phương vào trong ngõ cụt hoặc phố ngắn. Cũng cần phải dè chừng đối thủ có mai phục và úp sọt bất cứ lúc nào”.
Theo một điều tra của ESPN, những phe phái hooligan ở Nga thường tổ chức rèn luyện trong rừng, hoặc ở các bãi đất trống để không ảnh hưởng đến dân thường. Mỗi cuộc đấu có thể thu hút sự tham gia của hàng trăm người. “Chừng nào người khác không kêu dừng lại, thì cứ tiếp tục đánh đến lúc nào hết sức thì thôi”, Alex – một hooligan cho biết.
Mục tiêu của nhóm thanh niên tự xưng “Ultra Nga chính hiệu” là để đối phó với hooligan Anh, nỗi kinh hoàng của bất kỳ giải bóng đá nào. “Người Anh từng là hình mẫu của chúng tôi, nhưng giờ khác rồi. Chúng tôi phát triển hơn họ nhiều. Cũng chẳng mấy ai rỗi hơi vào tu bia rượu rồi gây lộn cả”, một nam thanh niên có tên Yevgeny Malinkin bộc bạch. Cũng theo Malinkin, thanh niên Nga bây giờ chỉ thích đánh lộn chỗ không có người. Họ tránh xa các tụ điểm như sân vận động, Fan Fest, và muốn sống trong thế giới riêng.
Cùng với CĐV Anh, CĐV Nga được xem là hiếu chiến bậc nhất. Trong một tuyên ngôn được đưa ra trên kênh ITV (Anh), đại diện các nhóm Ultra Nga đe đọa tới người hâm mộ xứ sương mù rằng nên biết điều khi quá cảnh tới nước Nga hè này. Người này cũng thổ lộ, các hội hooligan của Ba Lan, Croatia và Argentina nơi coi chừng, vì tất cả đã được để trong tầm ngắm.
Anh Thư (T.H) – Theo Uyển San