Tarung Derajat là một môn võ thuật đã có từ lâu của Indonesia, nhưng ngày nay môn võ này được xem là không còn “hợp thời” nữa.
Trong tiếng Indonesia “tarung” có nghĩa là “chiến đấu”, “derajat” có nghĩa là “nhân phẩm con người”, vì thế có thể hiểu đây là môn võ có ý nghĩa “chiến đấu vì nhân phẩm con người”.
Tarung Derajat có tên tiếng Anh là AA BoxeR, là sự hòa trộn của những môn võ trứ danh như Pencak Silat, Muay Thái, Kick-boxing, Karatedo, Taekwondo… Tuy nhiên điều đáng nói là Tarung Derajat lại tích lũy những đòn hiểm nhất, tàn bạo nhất và đôi khi là bị cấm sử dụng của những môn võ trên.
Điều này cũng dễ hiểu bởi vì tổ sư của môn võ này là Achmad Daradjat. Thực chất ông là một võ sĩ đường phố, ông kết hợp những kiến thức võ thuật được học với những kinh nghiệm giao đấu trên đường phố để sinh tồn mà ông thấy hằng ngày tạo thành một môn võ mới và lấy tên là Tarung Derajat.
Đồng thời xuất phát từ đặc tính lịch sử của Indonesia, sau khi Tarung Derajat được hình thành thì người Indonesia thường sử dụng nó để giết giặc hơn là thi đấu với tinh thần thể thao cao thượng. Và nay khi đất nước Indonesia đã dần dần bước ra khỏi chiến tranh thì những chiêu thức được xem là hiểm nhất, độc nhất của môn võ này đã ăn sâu vào máu những võ sĩ thì cũng khó có thể thay đổi được.
Môn võ này được đánh giá là một môn võ khá quyết liệt bởi các võ sĩ đều tập trung vào các cú đấm giữa sườn, những cú chỏ vào cổ. Vì vậy tỷ lệ bị chấn thương sau khi giao đấu là rất cao. Để nâng cao sức chịu đòn và đồng thời để giảm thiểu chấn thương khi giao đấu từ các đối thủ của mình, các võ sĩ Tarung Derajat đều phải học các kỹ thuật thở đặc biệt để nâng cao độ săn cứng của cơ bắp.
Tuy cũng là niềm tự hào của võ đạo Indonesia nhưng xét về tính phổ cập thì Tarung Derajat lại kém xa Pencak Silat. Hiện nay tại thủ đô Jakarta, Pencak Silat đã được đưa vào trường học, thu hút hàng triệu người tập luyện thì Tarung Derajat dường như đã bị người đời cho vào quên lãng vì họ cho rằng môn võ này thích hợp với những anh đầu đường xó chợ hơn.
Chúng ta hãy xem clip để chiêm ngưỡng những pha ra đòn không mấy phù hợp với ý nghĩa “vì nhân phẩm con người” của môn võ này:
Tuy vậy nhưng tại SEA Game 26 nước chủ nhà Indonesia đã đưa Tarung Derajat vào biểu diễn (không tranh huy chương). Có lẽ đây là cơ hội để họ quảng bá rộng hơn nữa nền võ thuật nước nhà. Nhưng có điều, sau các màn biểu diễn người lành lặn thì ít mà rời sàn trên cáng thi nhiều. Với những ngón đòn mạnh bằng chân, tay, đến thế vật theo kiểu bẻ xương cứ tung ra tới tấp thì kể rất dễ dẫn đến chấn thương. Minh chứng rõ ràng nhất là trong ngày đầu tiên, đã có 2 VĐV phải nhờ đến các bác sĩ chăm sóc khi bị chấn thương ở đầu và chân.
Tarung Derajat với ý nghĩa của nó là “chiến đấu vì nhân phẩm con người” nhưng trên thực tế có lẽ là ngược lại. Môn võ Tarung Derajat nếu không muốn đi vào huyền thoại thì điều cấp thiết nhất là phải chỉnh lý lại một số chiêu thức có tính chất quá tàn bạo và để đúng với ý nghĩa “vì nhân phẩm con người”của nó và tạo cho nó một con đường rộng mở trên những sàn đấu quốc tế.
Ngọc Hiếu