Bộ môn văn hóa này, theo dân thoại Bình Ðịnh gọi là “Nhạc Võ Tây Sơn” và theo nhạc pháp gọi là “Song Thủ Ðả Thập Nhị Cổ”. Ai cũng biết, sắc thái đặc biệt trong nền văn hóa cổ xưa của người Việt nổi bật hơn cả là việc dùng trống. Những cuộc khai quật đã đem đến cho các nhà khảo cổ cái trống đồng mà đặc trưng hơn cả là “trống đồng Ngọc Lũ” là chứng cớ đặc biệt của nền văn minh Việt.
Nín thở với màn biểu diễn của Chưởng môn Võ Ta – Tây Sơn Bình Định
Võ sĩ Tây Sơn Bình Định đam mê nhạc rock
“Tiếng trống từ xưa đến nay đối với dân tộc Việt Nam vẫn là hiệu lệnh để thi hành công việc tập đoàn, để báo hiệu một công việc có quan hệ chung, trống ra quân, trống ngũ liên, trống thu không, trống cầm canh… thường ở đình làng nào cũng có cái trống lớn để báo hiệu, trước khi là một công việc nghệ thuật từ trống chầu đến cầm chầu cho con hát. Vậy dụng ý của trống đồng là đại biểu uy lực của thủ lãnh quần chúng, ban hành mệnh lệnh để rồi trở nên huy hiệu của mệnh lệnh và trở nên thiêng liêng, cho đến thời quốc gia độc lập mới có đền thờ “Ðồng Cổ” như là quốc giáo. Vì vậy, ta có thể nói rằng việc chế tạo và sử dụng trống là sở trường của văn hóa Việt Nam, và không có chi là lạ khi ta biết rằng trong thời Tây Sơn (1788-1802) sắc thái đặc biệt nọ của văn hóa dân tộc được anh em Nguyễn Nhạc khai thác đến triệt để, thì nghệ thuật chơi trống cũng đưa đến tuyệt đỉnh.
Nhạc khí căn bản của nhạc võ Tây Sơn là một dàn trống do quân Tây Sơn dùng khi thao diễn quân sĩ tại võ trường, khi xuất quân cho khí thế thêm mạnh mẽ, khi thúc quân lướt tới trận mạc cho mau lẹ, khi cần hành quân tiến thối nhịp nhàng, khi hãm thành cho uy thế thêm mãnh liệt, hoặc là khi khải hoàn mà reo mừng thắng trận.Bộ trống đúng theo kinh điển gồm 12 cái, mỗi cái mang tên một con giáp của thập nhị chi: tí, sửu, dần, mẹo, thìn… và khi học nhạc thì tên các con giáp này cũng là tên các cung bậc do tiếng trống phát ra. Ðường kính mỗi trống lớn, nhỏ khác nhau, da bịt trống thì căng chùng, thẳng cũng khác nhau nên tiếng trống cao thấp khác nhau.
Khi đánh trống thì nghệ sĩ dùng roi trống (dùi trống), có khi bỏ cả roi trống mà chỉ dùng những ngón tay, dùng bàn tay, dùng nắm tay, dùng cùi chỏ… nghĩa là dùng đủ cả bộ phận của hai tay. Trường hợp dùng roi trống thì cứ mỗi nhịp điệu cử động của ta là ta có thể nghe được bốn âm thanh phát ra: nơi đầu roi trống, kéo sang đuôi roi trống, hạ cùi chỏ xuống, và bật ngửa nắm tay vào mặt trống. Cứ như thế mà hai tay của nghệ sĩ nhảy múa trên 12 cái trống khi lơi lả nhẹ nhàng, khi dồn dập gấp rút, khi phấn khởi khoan thai. Chỉ có hai cái tay mà đánh cả một dàn trống 12 cái nên nhạc pháp gọi là “Song Thủ Ðả Thập Nhị Cổ”.
Tuy nhiên, trong trường hợp mà nghệ sĩ vượt khỏi tầm kinh điển đến bậc siêu thặng thì ngoài 12 cái trống đặt ngay trước mặt để cho hai tay sử dụng theo đúng nhạc pháp Song Thủ Ðả Thập Nhị Cổ, hãy còn đặt thêm 5 cái trống khác ở phía sau: một cái đặt ngang nơi đầu để đầu ngả ngửa húc vào, hai cái đặt ngay hai bên hông cho hai cùi chỏ thúc vào và còn hai cái nữa thì đặt cho vừa tầm hai gót chân để đá hậu vào, vị chi là 17 cái trống. Nghệ sĩ “chơi” nổi 17 cái trống (ông Tám Ngang) thì không còn nữa, mà trước đây chỉ còn có nghệ sĩ chơi được 12 trống mà thôi. Tuy nhiên, khi nghe xem thì vẫn thấy là siêu việt.
Trước khi chơi, nghệ sĩ đi một đường quyền, bái tổ rồi mới bắt đầu đánh trống và các bản nhạc lần lượt nổi lên. Nghệ sĩ, điệu bộ hùng dũng, công lực dồn lên nét mặt, trổ ra hai tay dồn dập bên 12 cái trống xem như một nghệ sĩ đang múa đường quyền bên 12 cái trống kiểu lăng ba vi bộ nên mới gọi là nhạc võ. Nghệ sĩ chơi bộ môn này cần phải biết võ thuật và khiếu thẩm âm để sự biệu diễn tăng thêm phần ngoạn mục.
Những năm trước đây, không nghe ai nhắc đến “Nhạc Võ Tây Sơn” là vì một lẽ dễ hiểu. Thói đời thắng được thì là vua mà thua là giặc. Khi nhà Tây Sơn thất bại, nhà Nguyễn Gia Long chiến thắng, nhà Tây Sơn bị nhà Nguyễn tru di đến nỗi mộ phần của các Ngài cũng bị quật lên, nghiền xương tán nhỏ làm thuốc súng bắn xuống biển, các tôi trung nhà Tây Sơn đều phải mai danh ẩn tích. Thậm chí đến những cái hay của nhà Tây Sơn cũng phải dấu đi kẻo để lộ cho người khác biết được đi báo thì sẽ bị tù đày. Do đó mà di tích nhà Tây Sơn đều bị phá bỏ hết. Ðồng bào Bình Khê thương nhớ ba Ngài lén lập đền thờ mà bề ngoài cũng phải ngụy trang là miếu thờ thần. Ai có thương nhớ giữ được cái gì hay của Ba Ngài thì để bụng chẳng dám phô trương vì sợ chính quyền nhà Nguyễn mà hay được thì không tránh khỏi hậu quả khốc hại. Nhạc võ Tây Sơn cũng cùng chung cái số phận này.
Thi sĩ Quách Tấn cho biết: Ngày xưa, môn võ thuật Bình Ðịnh chia làm 4 bộ môn: côn, quyền, kiếm, cổ (trống) chứ không phải kích.Về môn Cổ thì võ sinh thường treo lủng lẳng ngay hàng, hàng năm, muời cái trống (loại trống chầu hát bội) để tập võ. Võ sinh sẽ đánh, đá vào cá cái trống ấy. Trống bị sức mạnh đánh, đá sẽ văng ra xa và nhờ dây treo thối ngược lại. Lối tập võ bằng trống này, một là để tạo những cú đánh (đấm), đá mạnh, nặng cân hơn; hai là để tập sự nhanh nhẹn chống đỡ, tránh né. Nếu ai không tinh mắt lẹ tay thì chắc chắn sẽ bị trống thối ngược lại đập cho vỡ mặt, gãy xương.Lần về sau, dường như con người mỗi ngày một yếu dần nên không còn ai dám tập võ bằng trống nữa mà tập bằng những bao đựng cát hoặc bằng bưởi, bòng… Từ đó, danh từ tập võ bằng trống không còn ai dám nhắc tới vì nhắc tới cũng thêm hổ thẹn với người xưa, dần dà rồi mai một.
Có người bảo Nhạc Võ Tây Sơn là biến thể của lối tập võ bằng trống này. Ðiều đó không lấy gì làm chắc. Nhưng nếu quả vậy thì nhà Tây Sơn thật là kỳ tài đã khéo khai thác từ bộ môn võ thuật chuyển sang bộ môn âm nhạc, rồi lại dùng âm nhạc mà giáo dục võ thuật, gây không khí hào hứng trong quần chúng, kích động lòng hăng say chiến đấu của các chiến sĩ bằng tiếng trống. Cần nói thêm rằng nhiều môn võ ở các nền văn hóa khác nhau như Muay (Thái Lan), Taekkyeon (Hàn Quốc), Capoeira (Brazil)… cũng có sự gắn kết mật thiết với âm nhạc.
Nhưng may thay, vận nước đổi dời, khi thực dân bị lật đổ, nhà Nguyễn cũng nhào theo thì chỉ có hai người, một ở Bình Khê (nay là Tây Sơn) và một ở Tuy Phước, tỉnh Bình Ðịnh, còn giữ được cái chân truyền ấy và xem như quốc bảo. Người ở Bình Khê là ông Tám Ngang, ông là người sử dụng được 17 cái trống, ông đem dạy lại cho ba người: hai đứa con trai ông và một người học trò. Ðứa con trai đầu chết, đứa thứ hai thì năm 1954 ở trong đoàn văn công của tập kết ra Bắc, còn lại người học trò kia là nghệ sĩ Tân Phong (tức Nguyễn Phong). Người ở Tuy Phước tên là ông Bầu Thơm (tức Võ Ðôn) là một ông bầu hát bội và cũng là một nhạc sư về loại nhạc hát bội, ông dạy lại một người học trò đó là nghệ sĩ Mười Thông (tức Hoàng Thông) là một nghệ sĩ hát bội và một roi trống hát bội có hạng.Hai ông thầy vì tuổi già đã qui tiên còn lại hai người học trò trên kia, tuy không phải bậc siêu đẳng đánh nổi 17 trống, song cũng học được đúng truyền thống của nhạc pháp “Song Thủ Ðả Thập Nhị Cổ”. Trước năm 1975, ở Phù cát có anh Nguyễn Việt cũng tập đánh được 12 trống và ở Bình Khê có hai em bé gái (một em 7 tuồi, và một em 12 tuổi) do đoàn Ca Võ Nhạc Tây Sơn đào tạo cũng tập đánh được 5 trống (ngũ âm) xem rất ngộ.Riêng Tân Phong, anh là một nghệ sĩ chơi thạo các môn như vẽ vời, ca hát, đờn địch, đắp tượng, chạm trổ, điêu khắc, viết tuồng, đóng kịch…
(Tổng hợp)