Là cung của tướng quân Lý Văn Bưu. Cung có một cấu trúc đặc biệt, giữa nơi cánh cung, chỗ tay cầm có tháp gỗ quý Kỳ Nam. Bởi vậy cho nên khi treo cung nơi phòng thì hương trầm thơm ngát khắp nhà.
Thần khí nước Nam: Ngân Côn của Vũ Đình Tú
Thần khí nước Nam: Thiết Thai Cung của Nguyễn Quang Huy
Lý Văn Bưu là một võ tướng của nhà Tây Sơn. Ông là một trong bảy vị tướng được tôn gọi là Tây Sơn thất hổ tướng. Xuất thân trong một gia đình giàu có chuyên nghề buôn ngựa ở Đại Khoang, Phù Cát, Bình Định. Nổi tiếng ngay từ tuổi niên thiếu về tài đức, võ nghệ, một phần vì ngựa tốt mà ông bán nên ông có rất nhiều hào kiệt làm bằng hữu. Trong số những khách mua ngựa của ông có cả đại tướng của Tây Sơn là Võ Văn Dũng và nữ tướng Bùi Thị Xuân. Về sau, ông tham gia vào phong trào Tây Sơn với vai trò huấn luyện chiến mã, ngoài ra ông còn chỉ dạy cho Bùi Thị Xuân cách huấn luyện chiến mã để sau này bà áp dụng nó vào huấn luyện voi chiến.
Tương truyền lúc còn đang xây dựng cơ sở cho nhà Tây Sơn tại dãy núi Ninh Thuận thuộc huyện Tây Sơn bây giờ, có một con cọp to lớn như con trâu mộng, rất hung dữ mà còn tinh khôn, thường hay xuống bắt bò heo và luôn cả người nữa. Ban đầu thì hổ đi săn bắt ban đêm, sau lại phá phách luôn cả ban ngày. Chẳng những có sức mạnh mà da hổ lại quá dày, cứng đến độ giáo mác dâm không lủng. Dân làng thuê thợ săn cọp và các võ sĩ có danh để trừ hổ, song tất cả đều thất bại, người thì chết kẻ thì trọng thương.
Văn Bưu được tin, mang cung Kỳ Nam tìm vào rừng sâu để diệt trừ hổ dữ. Gặp được hổ, ông liền giương Kỳ Nam cung bắn một phát vào đầu cọp. Mũi tên xuyên từ mắt phải ra đến sau ót, cọp còn hăng sức xông đến, Lý Văn Bưu tiếp liền hai phát. Tuy da hổ cứng rắn song tên vẫn xuyên ngang cuống họng và yết hầu. Cọp giãy giụa một hồi lâu mới chết. Trong các trận Nam chiến, đánh nhau với quân Xiêm và Bắc chiến với quân Mãn Thanh, cây Kỳ Nam cung cũng đã giúp vị tướng này lập được nhiều chiến công.
Sau khi vua Quang Trung băng hà, niềm tin vào triều Tây Sơn của ông bị suy sụp. Đồng thời, khi Quang Toản nối ngôi lại cai trị không khéo léo khiến nội bộ Tây Sơn xảy ra lục đục, quan văn lộng quyền, các tướng tranh hại lẫn nhau mà không kể đến việc Nguyễn Ánh tấn công tới tận Quy Nhơn. Ông lấy đó làm chán nản cáo bệnh về lại quê cũ tiếp tục sống bằng nghề nuôi ngựa.
VoThuat.vn