Thầy tôi nay đã 90

Có những người thầy, người cô không đứng trên bục giảng, không bụi phấn, giảng đường nhưng  họ lại hằng ngày đổ mồ hôi trên sàn tập. Đó là những võ sư, những huấn luyện viên, những người thầy, người cô đã và đang tâm huyết truyền dạy những kỹ thuật, lối đánh võ thuật cho các môn sinh của mình, với điều mong mỏi muốn những học trò của mình sẽ trưởng thành, khỏe mạnh, lấy những gì học được để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những quý võ sư, huấn luyện viên không chỉ dạy cho học trò của mình về võ thuật, họ còn rèn luyện, chỉ dạy cho môn sinh của mình học đạo làm người, cách đối nhân xử thế  trong cuộc sống.  Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 tòa soạn VoThuat.vn xin chia sẻ một bài viết của Nhà báo Thiện Tâm viết trên blog cá nhân gửi gắm những tình cảm, tâm sự về người thầy dạy võ của mình – Chưởng môn Lê Sáng. (Bài viết được thực hiện 5 năm trước nhân ngày 20/11/2009 – lúc này Võ sư Chưởng môn còn sống). VoThuat.vn xin giới thiệu bài viết đến với quý bạn đọc !

Tôi bước chân vào lớp tập Vovinam lúc 14 tuổi tại võ đường số 61 đường Vĩnh Viễn (Sài Gòn) khi môn võ này bắt đầu khôi phục năm 1964. Cùng lớp với tôi có các anh Ngô Kim Tuyền, Trần Tấn Vũ (Trần Vui)… Sau 4-5 tháng tập luyện cùng võ sư Trần Huy Phong, lớp tôi được Chưởng môn Lê Sáng trực tiếp giảng dạy…

Thời gian trôi nhanh quá! Mới đó mà đã 45 năm được gần Thầy Chưởng môn, được trực tiếp nghe những lời giảng huấn, luyện tập những đường quyền, ngọn cước… với Thầy, tuy cũng có lúc phải gián đoạn vì mưu sinh. Những năm gần đây, vào dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, tôi cũng như nhiều môn sinh Vovinam khác đều đến ngôi nhà số 31 đường Sư Vạn Hạnh – nơi Thầy đã dành trọn đời mình cho môn phái Vovinam-Việt Võ Đạo – để chúc thọ Thầy.

1. Chưởng môn Lê Sáng chào đời vào tháng 8 năm 1920 trong một ngôi nhà bên bờ hồ Trúc Bạch (Hà Nội). Theo cách tính tuổi truyền thống của người Việt, năm nay Thầy đã thượng thọ (90 tuổi). Năm 1940, Thầy theo tập Vovinam cùng Sáng tổ Nguyễn Lộc tại Trường Sư phạm Hà Nội. Từ duyên may đó, gần 70 năm qua, Thầy đã gắn chặt cuộc đời mình với biết bao thăng trầm của môn phái. Và trong quãng thời gian ấy, những cống hiến to lớn của Thầy cho môn phái khó lòng kể xiết. Tất nhiên, sự phát triển của môn phái Vovinam là quá trình đóng góp công sức của biết bao thế hệ võ sư, HLV, môn sinh và đông đảo người hâm mộ. Công lao là của tập thể, của nhiều thế hệ, nhưng tài năng của cá nhân cũng tác động rất mạnh mẽ và đôi lúc mang tính quyết định. Khoảng giữa thập niên 1960, dù cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, nhưng song song với chỉ đạo phong trào, mỗi ngày trực tiếp huấn luyện hàng chục giờ cho nhiều đối tượng khác nhau; vậy mà biết bao đêm Thầy vẫn chong đèn viết sách để hệ thống lại những tư tưởng võ đạo của cố võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc. Đó là hệ thống tư tưởng hướng người môn sinh Vovinam đến một triết lý sống tốt đẹp: “Sống, giúp cho người khác sống và sống cho mọi người”. Theo triết lý sống này, người môn sinh Vovinam không chỉ rèn luyện, tổ chức cho bản thân mình một cuộc sống tốt đẹp mà còn có trách nhiệm giúp người khác sống tốt đẹp và sẵn sàng hy sinh những quyền lợi tinh thần hay vật chất để phục vụ lợi ích chung của môn phái, của xã hội… Bên cạnh đó, nếu không có Thầy dày công vun đắp thì làm sao hệ thống kỹ thuật của Vovinam tương đối hoàn chỉnh như ngày nay. Rồi trong thời gian từ cuối thập niên 1980 đến khoảng giữa thập niên 1990, dù đã ngoài tuổi “thất thập cổ lai hy”, Thầy vẫn tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh hệ thống kỹ thuật cho phù hợp với giai đoạn mới – giai đoạn Vovinam bắt đầu phát triển mạnh mẽ ở nước ngoài sau cột mốc đặt nền tảng ban đầu trên đất Pháp năm 1973.

Mừng thọ Chưởng môn Lê Sáng (18-11-2009)
Mừng thọ Chưởng môn Lê Sáng (18-11-2009)

Thế nên, trong 2 bài viết về Vovinam trên báo Thanh Niên vào cuối tháng 7-2009 nhân Giải vô địch Vovinam thế giới lần 1 và vào đầu tháng 11-2009 nhân Asian Indoor Games lần thứ 3, tác giả Thanh Thảo đã nhận định rằng Vovinam là “môn võ học dạy về lòng xả kỷ”, “môn võ học có triết lý mở, nó không cố chấp nhưng luôn tự tin và biết tự giữ mình trong một thế giới đầy bất trắc và cám dỗ”, đó là “môn võ học hiện đại, biết thu hút và lan tỏa, hào sảng và nhân hậu đúng như tinh thần Việt, tính cách Việt” và “với Vovinam, người theo học nó, nhất là người Việt, còn biết tự sửa mình, vượt qua những cố chấp, nhỏ nhen, đố kỵ để sống tốt đẹp cho mình và cho đời”. Không chỉ thế, trong lòng tác giả Thanh Thảo còn “dấy lên những cảm xúc khó tả” khi nhìn môn sinh Vovinam thi triển kỹ thuật bởi nó “vừa mạnh mẽ, tinh tế lại vừa rất bay bướm”, “cái đẹp đi liền với sức mạnh”, bởi trong kỹ thuật Vovinam “còn có sự kết hợp rất kỳ lạ giữa vẻ đẹp dũng mãnh và vẻ đẹp giữa sự quyết liệt và đức khoan dung”. Năm trước, nhân đến dự Lễ kỷ niệm 70 thành lập môn phái Vovinam-Việt Võ Đạo (1938-2008) tại CLB Văn hóa-TDTT Nguyễn Du (TPHCM), Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cũng đã phát biểu: “Truyền thống 70 năm của Vovinam đến nay tuy chưa lâu nhưng đã chứa đựng trong đó những giá trị văn hóa Việt Nam, ý chí Việt Nam, tài đức của con người Việt Nam. Đó là yêu hòa bình nhưng không chịu khuất phục trước bất công; đó là sáng tạo thiết thực, biết vượt lên những khó khăn trong hoàn cảnh của mình; đó là lấy yếu thắng mạnh, lấy nhỏ thắng lớn, lấy tĩnh thắng động và như vậy góp phần tạo nên truyền thống con người Việt Nam”.

chc6b0e1bb9fng-mc3b4n-lc3aa-sc3a1ng-ce1baaft-bc3a1nh-me1bbabng-thc6b0e1bba3ng-the1bb8d-18-11-2009

2. 90 tuổi, tuy sức khỏe đã giảm sút nhất định theo quy luật thời gian nhưng Thầy vẫn sáng suốt, minh mẫn, lạc quan và sống an nhiên tự tại, khiêm nhường, giản dị. Không vợ con, chẳng có tài sản riêng tư, nhiều năm rồi Thầy vẫn ngủ trên chiếc ghế mây. Những năm gần đây, mỗi lần đến thăm Thầy, trò chuyện cùng Thầy, tôi lại học thêm đôi điều sâu sắc về quan niệm, cách hành xử… trong cuộc sống đời thường. Ngồi nghe Thầy say sưa bình luận về những nhân vật trong Tam Quốc, tôi mới ngộ ra vì sao Quan Công lại có ảnh hưởng sâu rộng và được dân gian Trung Quốc, Việt Nam thờ cúng, trong lúc Khổng Minh Gia Cát Lượng chỉ được người dân nơi quê mình thờ phụng. Đôi lúc tâm tình cùng Thầy một vài việc còn băn khoăn; bằng trí tuệ và những trải nghiệm trong cuộc sống, Thầy luôn sẵn lòng gợi mở cho tôi một vài giải pháp “thấu tình đạt lý”…

Không ít lần Thầy khuyên các môn sinh Vovinam phải đoàn kết, nhất là trong hàng ngũ các võ sư cao cấp hiện nay. Thầy nói: “Các con có thể tranh luận hết lời nhưng sau đó thì nên làm việc hết lòng. Ngày trước, thầy Trần Huy Phong, Nguyễn Văn Thư, Mạnh Hoàng, Phan Quỳnh, Ngô Hữu Liễn… vẫn thường tranh luận nhau rất sôi nổi, thậm chí gay gắt. Có lần mấy thầy ấy còn mời thầy về nhà nghỉ để khỏi bận tâm. Nhưng điều đáng quý là sau những cuộc tranh luận và đi đến thống nhất đó thì tất cả đều dốc lòng, dốc sức chăm lo công việc chung, chứ không hiềm khích cá nhân… Nhờ truyền thống này mà Vovinam mới vượt qua những thách thức trong giai đoạn khôi phục năm 1964”. Khoảng đầu thập niên 1990, Thầy còn nêu chủ trương “Thuận thiên, hòa nhân”. Thầy giảng giải rất sâu sắc về chủ trương này và tôi chỉ còn nhớ một vài ý chính. Thuận thiên là sống và hành xử hợp với các quy luật thiên nhiên và quy luật xã hội. Trời rét là một hiện tượng tự nhiên, chúng ta không thể nào né tránh mà phải thuận theo bằng cách mặc áo bông, hoặc đốt lò sưỡi. Đối với xã hội cũng thế. Mỗi quốc gia đều có pháp luật riêng; sống nơi nào chúng ta phải tuân thủ pháp luật nơi đó. Hệ tư tưởng, triết lý sống phương Đông và phương Tây cũng có nhiều dị biệt, không thể áp đặt buộc người phương Đông phải hiểu, phải sống như người phương Tây và ngược lại mà cần tìm cách dung hòa. Có thể nói, thuận thiên là hiểu thời thế, sống và hành xử hợp với thời thế. Ngay cả việc phát triển Vovinam cũng phải tuân thủ theo xu thế thời đại, pháp luật từng nước và thông tục quốc tế mới có thể đạt kết quả tốt đẹp. “Hòa nhân” là biết sống, sống cho người khác, hành xử khéo léo, hợp với lòng người, từ đó mới hòa thuận với mọi người. Hòa thuận với mọi người sẽ tạo được bầu không khí vui vẻ, cảm thông và giúp đỡ lẫn nhau. Điều này có lợi cho cuộc sống cá nhân, gia đình và cả sự phát triển của môn phái. Mặt khác, nếu không hòa hợp, thuận thảo với mọi người thì khó tạo được sức mạnh tổng hợp để làm việc lớn. Muốn sống hòa thuận với mọi người, cần biết tự kiềm chế tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, tôn trọng người khác và đặt mình vào hoàn cảnh người khác mà hành xử sao cho đảm bảo lợi ích chung của xã hội và của môn phái.

3. 16 giờ 30 ngày 18-11-2009, buổi họp mặt chúc mừng Thầy thượng thọ đã diễn ra trong không khí ấm cúng tại Tổ đường Vovinam-Việt Võ Đạo với sự hiện diện của hơn 100 võ sư, HLV đến từ phong trào các tỉnh, thành, ngành (TPHCM, Cần Thơ, An Giang, Quân đội…) và một số nước. Sau khi võ sư Võ Văn Tuấn (Văn phòng Môn phái) đọc lời chúc thọ, võ sư Nguyễn Văn Chiếu (đại diện Liên đoàn Vovinam thế giới) và võ sư Võ Danh Hải (đại diện Liên đoàn Vovinam Việt Nam) cùng nhiều võ sư, HLV khác đã trân trọng tặng Thầy những bó hoa tươi thắm… Những ngày trước, Văn phòng Môn phái, Tổ đường cũng đã nhận được rất nhiều thư, điện hoa mừng thọ Thầy từ phong trào Vovinam khắp nơi trên thế giới gửi về… Hôm đó, Thầy rất vui. Nhìn Thầy cười, nói rung rinh chòm râu bạc, chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động. Và để đền đáp sự hy sinh to lớn, “dấn thân hiến ích” của Thầy cho sự nghiệp phát triển Vovinam-Việt Võ Đạo, tôi lại tự hỏi: “Chúng con đã thực hiện những lời dạy dỗ của Thầy đến đâu? Chúng con đã làm được gì để xiển dương môn phái hay vẫn loay hoay trong cái vòng lẩn quẩn “bon chen, tị hiềm vì tiền tài, danh lợi, quyền lực cá nhân”? Cùng nhau nhấp chút rượu vang, ăn miếng bánh kem…, dù không ai bảo ai nhưng những môn đồ Vovinam có mặt ngày hôm đó đều mong muốn sẽ còn được nhiều lần dự lễ mừng thọ Thầy… Tôi không có ý định viết tiểu sử Thầy và cũng không đủ năng lực thực hiện điều đó. Năm nay, 2009, khi Thầy bước sang tuổi 90, tôi chỉ xin ghi lại đôi điều về Thầy, như là một đóa hoa giản dị dâng lên Thầy thay lời mừng thọ.

Thiện Tâm