Đối với người Trung Hoa, võ thuật cổ truyền đã trở thành Quốc kỹ và được nâng lên hàng Quốc học. Trong nền võ thuật cổ truyền đó, như mọi người đều biết, võ công Thiếu Lâm giữ vai trò rất lớn. Ngũ Hình Quyền là một bộ phận trọng yếu trong toàn bộ kỹ thuật chính truyền của Thiếu Lâm. Ngũ Hình Quyền bao gồm những gì, hình thành ra sao, đặc điểm thế nào…?
Võ thuật cổ truyền Trung Hoa đặc biệt dựa trên sự nghiên cứu thói quen và cách thế chiến đấu của loài vật. Trải nhiều thế kỷ, đặc tính của các loài chim, rắn, thú rừng và ngay cả côn trùng đã được mô phỏng, rút tỉa tinh hoa, tái tạo thành kỹ thuật chiến đấu cho con người. Khi có cơ hội hoàn thiện hoặc chuyển hóa một hệ thống võ công các nhân vật võ lâm đã mau mắn thêm thắt các kỹ thuật và tinh thần của những con vật gợi hứng cho việc chuyển hóa. Nhiều cách thế còn mang chính ngay tên của những con vật được mô phỏng.
Cuộc nghiên cứu về loài vật tác động lớn vào nền võ thuật cổ truyền Trung Hoa là cuộc nghiên cứu dẫn đến môn Ngũ Hình Quyền, một bộ phận chính thống trong võ công Thiếu Lâm có ảnh hưởng đậm đà đối với sự phát triển của nhiều môn võ khác.
Vào giữa thế kỷ thứ sáu, trong thời Nam Bắc triều, Phật gia đã đứng vững ở Trung Hoa. Một nhà sư Ấn Độ là Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma), sau một cuộc du hành dài dừng chân ở chùa Thiếu Lâm trên núi Tung Sơn, tỉnh Hà Nam, trở thành vị tổ sư thứ nhất của Thiền Môn Trung Hoa. Qua chín năm liền tĩnh tọa trầm tư, ở độ tuổi 76, Bồ Đề Đạt Ma bắt đầu chỉ dẫn cách rèn luyện thân thể cho các nhà sư Thiếu lâm. Bồ Đề Đạt Ma không phải là người sáng lập Thiếu Lâm tự và võ công Thiếu lâm.Ông chỉ đơn giản là người sống tại đây và dạy cho các nhà sư cùng thời. Khi trụ trì chùa Thiếu Lâm, Đạt Ma nhận thấy các nhà sư sống trong những điều kiện thực tế rất khắc nghiệt. Hầu hết đều không đủ sức khỏe thể chất để hoàn thành những công việc lao động cần thiết cho việc bảo dưỡng tăng viện và trong trường hợp bị cướp bóc tấn công cũng không có ngay cả khả năng tự vệ. Ông bèn quyết định chỉ cho mọi người những bài tập nhắm hai mục tiêu rõ rệt là tăng cường thể lực và nắm vững kỹ thuật tự vệ căn bản.
Những bài tập này bao gồm trong ba pho sách còn được lưu truyền là La Hán Thập Bát Thủ, Dịch Cân Kinh và Tẩy Tủy Kinh. Do ảnh hưởng lớn lao của các pho sách này trong giới võ lâm, Bồ Đề Đạt Ma được coi là cha đẻ của võ công Trung Hoa. Thực ra, trước khi Bồ Đề Đạt Ma xuất hiện, võ thuật đã phổ biến trong giới binh gia. Các chiến binh đều được truyền dạy cách thế chiến đấu, đặc biệt là về kiếm và thương pháp. Kiếm và thương là những loại võ khí thiện dụng thuở đó. Tất nhiên đối với dân thường thì việc luyện võ vẫn còn hạn chế.
Nhà Đường (618-907) là một thời kỳ chiến loạn trong lịch sử Trung Hoa. Võ thuật, do đó, nở rộ cùng với sự triển khai thêm nhiều loại vũ khí. Các nhà sư Thiếu Lâm được yêu cầu truyền dạy võ thuật để giúp ngăn chống các mối đe dọa đối với triều đình, đồng thời che chở cho các tầng lớp thượng lưu. Việc rèn luyện tập võ tại chùa Thiếu lâm vừa có cơ hội bành trướng ra ngoài lại vừa có điều kiện gạn lọc để lộ rõ các nét đặc sắc.
Nối tiếp nhà Đường là một giai đoạn phát triển đầy tính sáng tạo của nền võ thuật Trung Hoa. Thái tổ Triệu Khuôn Dẫn, vị hoàng đế khai sáng nhà Tống, đã nổi tiếng trong võ lâm do việc khởi lập môn Thái Tổ Trường Quyền. Đối với nhiều người, Thái Tổ Trường quyền chính là hệ thống ti tổ của nhiều môn võ hiện nay. Vào thời Nam Tống, danh tướng Nhạc Phi góp thêm vào lịch sử võ thuật cổ truyền Trung Hoa các kỹ thuật mới về sử dụng thương và sử dụng tay không trong chiến đấu. Nhiều thế hệ nhân vật võ lâm đã ứng dụng và phát triển kỹ thuật đánh tay không của Nhạc Phi để hình thành môn võ mang tên là Hình Ý Quyền. Đây là sự khởi đầu cho Nhu phái và Nội gia phái trong võ thuật cổ truyền Trung Hoa.
Còn tiếp…
Vothuat.info (sưu tầm)