Thiếu Lâm ngũ hình quyền (Kì 2)

Đối với người Trung Hoa, võ thuật cổ truyền đã trở thành Quốc kỹ và được nâng lên hàng Quốc học. Trong nền võ thuật cổ truyền đó, như mọi người đều biết, võ công Thiếu Lâm giữ vai trò rất lớn. Ngũ Hình Quyền là một bộ phận trọng yếu trong toàn bộ kỹ thuật chính truyền của Thiếu Lâm. Ngũ Hình Quyền bao gồm những gì, hình thành ra sao, đặc điểm thế nào…? 

hac quyen
Hạc quyền

Tới đời Minh thì võ thuật cổ truyền Trung Hoa gần như đạt mức toàn thịnh. Vào thời khoảng này, đạo sĩ Trương Tam Phong nhận thấy rằng trong võ thuật cổ truyền để phát ra các đòn đánh, người ta thường phải tận dụng sức mạnh cương mãnh. Người luyện võ hao phí quá nhiều sức lực, tự làm suy kiệt mình đến mức có thể đứt hơi ngay cả trong một cử tập đơn giản.

Trước mắt Trương Tam Phong, cách thế này ngược hẳn với tinh thần Đạo Giáo và các nguyên tắc tăng cường sức khỏe. Vì vậy ông điều phối các bài tập thể dục và võ thuật thành một lối tập thông chuyển nhu nhuyễn nhằm giúp triển nở các nội quan, cơ bắp và xương cốt. Nguyên tắc chủ đạo trong hệ thống tập luyện của Trương Tam Phong là sự thư giãn tự nhiên. Trương Tam Phong còn tin rằng có thể kết hợp hữu hiệu hai cách rèn luyện nội lực và ngoại lực để đạt tới môn võ công hoàn hảo. Ông đặc biệt hướng về sự mềm dẻo trong mục tiêu tự vệ và hướng về những nắm đấm cương mãnh trong trường hợp tấn công. Lý thuyết này hình thành môn Thái Cực Quyền và đưa tới sự phát triển Nhu phái trong võ thuật cổ truyền Trung Hoa. Một trong số những nguyên tắc quan trọng nhất thuộc giáo trình của Trương Tam Phong là tấn công đúng vào lúc nguyên lực của đối thủ đã suy kiệt và tiếp lực chưa kịp phát sinh. Trong hệ thống Nhu phái Đạo gia, lý thuyết này đã chiếm được ưu thế và thúc đẩy võ thuật cổ truyền Trung Hoa chuyển hóa quyết liệt.

xa quyen
Xà quyền

Không lâu sau đó, võ lâm phân thành hai phái Cương, Nhu. Võ công Thiếu Lâm được coi là Ngoại gia Cương phái hầu như chìm hẳn xuống ngay khi các kỹ thuật thuộc Nội gia Nhu phái trở nên phổ cập.

Cuối đời Minh (1368-1644), một nhà sư Thiếu Lâm là Giác Viễn đưa võ công Thiếu Lâm vào một cuộc chuyển hướng. Trước khi xuất gia, Giác Viễn là một cao thủ cả về Quyền lẫn Kiếm. Khi tới Thiếu Lâm tự, ông nhận thấy võ công Thiếu Lâm thiên về Ngoại lực phải sử dụng quá nhiều sức để chống với sức. Ông liền trù hoạch sắp đặt lại cho thích hợp với một cấu trúc cân bằng giữa nội và ngoại lực. Ông du hành khắp xứ, thâu thập nhiều loại võ công còn khả dụng gạn lọc đưa vào hệ thống võ công Thiếu Lâm mới của mình.

ho quyen
Hổ quyền

Khi Giác Viễn tới Lan Châu, ông gặp một nhân vật võ lâm là Lý Tẩu. Lý Tẩu giới thiệu Giác Viễn với một nhân vật võ lâm nổi tiếng đương thời là Bạch Ngọc Phong.

Cuối cùng, cả ba trở về Thiếu Lâm Tự và lập ra Ngũ Hình Quyền.

Võ công nguyên thủy Thiếu Lâm chỉ gồm 18 thế theo La Hán thập bát Thủ. Bạch Ngọc Phong dựa vào các thế này sáng tạo thành 128 thế, chia ra làm 5 loại mô phỏng đặc tính của 5 con vật khác nhau là Hổ, Báo, Hạc, Xà (rắn) và Long (rồng). Tất nhiên ai cũng có thể thấy, 5 con vật này đều có những nét đặc sắc phi thường nổi bật và hoàn toàn khác biệt nhau.

Theo Bạch Ngọc Phong mọi người đều phải phát triển theo 5 phương diện sức mạnh theo cách thế phát triển toàn thân để hoàn thiện toàn thân. Năm phương diện đó là Lực, Cốt, Tinh, Khí và Thần (physical strength, bone, libido, “chi”, internal spirit).

Thiếu Lâm Ngũ Hình Quyền được sáng tạo để giúp phát triển cả 5 phương diện sức mạnh kể trên.

Vothuat.info (sưu tầm)