Thông bối quyền là một bộ môn quyền thuật của võ thuật Trung Hoa. Ra đời tại Trung Quốc khá sớm, tương truyền từ thời nhà Tống dưới triều của Tống Thái tổ Triệu Khuông Dẫn đã có vị danh tướng là Hàn Thông Hựu rất giỏi kỹ kích của Thông Bối quyền và tiếng tăm khắp dải Hà Bắc.
Sau này các môn đồ Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam đã tích hợp và cải biến theo phong cách Thiếu Lâm quyền và gọi tên là Thông tý quyền gồm hai quyền lộ: Tiểu Thông Tý quyền và Đại Thông Tý quyền có nội dung kỹ pháp hoàn toàn khác biệt với Thông bối quyền lưu truyền trong dân gian.
Về mặt ý nghĩa của quyền “Thông bối” trong Thông bối quyền thì bối là lưng và tý là tay đều bao hàm cùng nghĩa, lấy sự thông suốt giữa tay và lưng làm chủ tựa như không có nguyên tắc khác nhau. Thông bối quyền phần lớn nhấn mạnh và lấy lưng vượn (viên bối) hay tay vượn (viên tý) để thủ thế nên xưa còn gọi là “Thông bối viên hầu” (suốt lưng khỉ vượn), “Bạch viên Thông tý” (Vượn trắng suốt tay).
Theo Viện Nghiên cứu Võ thuật Trung Quốc thống nhất tên gọi là Thông bối quyền bao gồm sự kết hợp Thông bối quyền trong dân gian và Thông tý quyền của Thiếu Lâm quyền. Do đó Thông tý quyền của chùa Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam (với hai bài Tiểu Thông tý quyền và Đại Thông tý quyền) có nội dung không giống hoàn toàn Thông bối quyền của viện và Thông bối quyền đang lưu truyền trong dân gian.
Thông bối quyền lưu truyền khá rộng, lưu phái cũng lắm. Từ Bạch Viên Thông bối ra, còn Ngũ Hành Thông bối, Lục hợp Thông bối, Phách quải Thông bối, Lưỡng Dực (hai cánh) Thông bối, Thông bối 24 thức v.v… Lưu truyền tương đối sớm nhất ở Sơn Tây là Hồng Động Thông bối cũng là một lưu phái thuộc hệ thống Thông bối quyền.
Về tên gọi thì có 3 cách gọi tên:
Thông tý quyền: tý là tay. Gọi là tý vì ám chỉ việc sử dụng cánh tay là chính, các động tác thủ pháp (đòn tay) thường chuyển động theo vòng tròn theo hai bên hông trông như tay vượn vươn ra ngoài.
Thông bối quyền: bối là bối tích tức chỉ vùng lưng. Gọi là bối bao hàm ý nghĩa là tay quyền phải liên thông và phát kình lực từ lưng, tay và lưng thông nhau một dải khi xuất thủ tấn công để có thể vươn dài ra đến cự ly xa.
Thông bị quyền: bị tức là chuẩn bị. Gọi là bị vì hình ý thông thần đạt hóa, giữa thể (phần bài tập) và dụng (phần thực hành) kiêm bị đầy đủ.
Đặc điểm kỹ pháp
Ba cách gọi này tam hành cùng tồn tại cho đến năm 1983 trong phiên bản mới nhất của tài liệu Trung Quốc Đại Bách khoa Toàn thư đã thống nhất tên gọi Thông Bối quyền vì tên gọi này thể hiện hết nội dung phong cách, đặc điểm của nó là kình lực liên thông một dải eo lưng và tay. Trong dân gian có nhiều tên gọi khác nhau cùng tồn tại tùy theo đặc điểm phong cách từng vùng.
Thông Bối quyền thuộc loại quyền pháp trường kích (đánh trường trận, tầm xa) điển hình nhất trong tất cả các loại quyền pháp thuộc miền Bắc Trung Hoa, chú trọng tầm xa đánh rộng, chủ về tấn công cự ly xa dựa trên nguyên tắc nhất thốn trường, nhất thốn cường nghĩa là dài thêm một tấc, mạnh thêm một tấc trong các môn phái võ Trung Hoa lên đến đỉnh cao nhất.
Trong vấn đề khống chế khoảng cách và không gian chiến đấu, đấu pháp sở trường của Thông Bối quyền là viễn tắc trường kích, cận tắc lãnh trừu nghĩa là xa thì đánh dài, gần thì rút ngắn, có thể phóng có thể thâu, có thể dài có thể ngắn.
Thông Bối quyền lưu hành đến nay đã hình thành nên rất nhiều lưu phái phong cách đa dạng, nội dung kỹ pháp phong phú, quyền thuật và khí giới đều hoàn chỉnh trên nguyên tắc phóng trường kích viễn nghĩa là di chuyển dài và đánh tầm xa.
Đặc điểm kỹ pháp của thông bối quyền là: thế thức động tác mở rộng khép lớn, liên hoàn dày đặc, vươn hông hất lưng (yêu bạt bối), phóng dài đánh xa, lắc bả vai rung cổ tay, phát kình lãnh đạm, đánh đòn nhanh nhẹn âm thanh vang lừng, né tránh linh hoạt, bộ pháp khép chân, mắt ưng thần vượn, khí thế hoàn chỉnh.
Các lưu phái chủ yếu là: Bạch Viên Thông bối quyền, Kỳ Thị Thông bối quyền, Ngũ Hành Thông bối quyền, Lưỡng Dực Thông bối quyền, Hồng Động Thông bối quyền, Ngũ Hầu (5 khỉ) Thông bối quyền, ngoài ra còn có Hoạt Diệp Thông bối quyền, Phách quải Thông bối quyền, Thái Cực Thông bối quyền,v.v…
Ở Trung Quốc ba vùng Đại Liên, Thương Châu và Bắc Kinh thịnh hành Ngũ Hành Thông Bối quyền và Bạch Viên Thông Bối quyền.
Một bài biểu diễn của Thông Bối quyền:
Còn tiếp…
Tô Thiện (sưu tầm)