Các lưu phái Thông bối quyền
Thông Bối quyền có rất nhiều lưu phái lưu truyền khắp vùng Hà Bắc Trung Hoa. Sau đây là một số lưu phái đang thịnh hành nhất.
Bạch Viên Thông bối quyền
Tương truyền rằng Bạch Viên Thông bối quyền là do Bạch Viên Công truyền dạy từ thời Chiến Quốc cách đây hơn 2000 năm trước.
Các truyền nhân sau này đều suy tôn Bạch Viên Công là thủy tổ của môn quyền này. Bạch Viên Công họ Bạch, tên là Sĩ Khấu, tự là Y Tam, đạo hiệu là Đông Linh Tử.
Bạch Viên Công đã mô phỏng các động tác duỗi tay duỗi chân của loài vượn núi rồi căn cứ theo đó sáng lập nên môn quyền này. Sau khi luyện thành, Bạch Viên Công truyền lại cho ba môn đồ là Lý Nghĩa, Vương Đạo, và Hàn Thành. Từ đó Bạch Viên Thông bối quyền được lưu truyền rộng rãi từ thời nhà Tùy. Sau này có người họ Nhâm ở huyện Hoàng thuộc tỉnh Sơn Đông truyền thụ môn quyền pháp này cho một thương khách tên là Thạch Hồng Thắng ở gần Tăng Thọ, Quảng An Môn, Bắc Kinh.
Thạch Hồng Thắng đã chuyên tâm khổ luyện Bạch Viên Thông bối quyền. Sau khi thành công ông mở trường dạy võ và có nhiều môn sinh theo học rất đông. Trong số những người học trò thành danh có Lưu Tử Anh, Hạng Trọng Sơn, Trương Văn Thành, Hàn Động Nhất, Mã Tiểu Hợp.
Ở Bắc Kinh, Ngưu Nhai, môn quyền này rất được người Hồi ưa chuộng và thịnh hành, họ dung hợp môn này với môn vật của họ thành môn vừa đánh quyền cước vừa pha vật lộn.
Bạch Viên Thông bối quyền xuất thủ chiêu thức trường kình mạnh mẽ và linh lợi như vượn, chú trọng giao đấu thực chiến.
Kỳ Thị Thông bối quyền
Kỳ Thị Thông bối quyền bắt đầu truyền từ thời Đạo Quang nhà Thanh do Kỳ Tín truyền dạy.
Kỳ Tín là người tỉnh Chiết Giang, có thuyết cho rằng ông là người Sơn Tây hay Hà Nam, sáng lập ra Kỳ Gia môn. Kỳ Tín mở trường dạy võ ở Cố An, Hà Bắc.
Kỳ gia Thông bối quyền chủ về cương kình, đánh dài và xa rộng, phong cách mạnh mẽ dữ dội. Về sau con của Kỳ Tín là Kỳ Thái Xương cũng luyện Kỳ gia Thông bối quyền nhưng lại chủ về nhu kình, động tác mềm mại, biến hóa đa dạng. Do đó Kỳ gia Thông bối quyền sau này chia làm hai lưu phái: Kỳ gia Lão phái và Kỳ gia Thiếu phái. Môn đồ của Kỳ gia môn rất đông. Thông bối quyền Kỳ gia hiện đại có Trương Sách, Lưu Trí, Tu Kiếm Si đều là những truyền nhân rất thành công và nổi tiếng.
Ngũ Hành Thông bối quyền
Ngũ Hành Thông bối quyền dựa trên cơ sở của Kỳ Thị Thông bối quyền.
Ngũ Hành Thông bối quyền đặt nền tảng trên loại chưởng pháp là suất, phách, xuyên, niêm làm thủ pháp cơ bản, lấy Lão Chiết quyền Minh Đường công, Ngũ Chưởng Đơn Tháo làm khung đỡ.
Danh gia phát triển Ngũ Hành Thông bối quyền là Tu Kiếm Si, truyền nhân của Kỳ Thị Thông bối quyền, đã cùng các môn đồ của mình cải tiến không ngừng và dần dần đã hoàn thiện Ngũ Hành Thông bối quyền thành môn quyền có nội dung kỹ thuật phong phú và một nền tảng lý luận rõ ràng.
Ngũ Hành Thông bối quyền phát triển mạnh ở Đại Liên vùng Đông Bắc là quê hương của Tu Kiếm Si.
Lưỡng Dực Thông bối quyền
Lưỡng Dực Thông bối quyền do Lưu Nghĩa, người tỉnh Sơn Đông truyền bá. Lưu Nghĩa từng tham gia cuộc khởi nghĩa nông dân của Tống Cảnh Thi, sau khi khởi nghĩa thất bại, ông đã lưu lạc đến vùng huyện Dực, tỉnh Hà Bắc.
Lưu Nghĩa truyền Lưỡng Dực Thông bối quyền cho Trương Lão Tùy và Trương Chí Lễ, hai người lại truyền ra thành hai nhánh, nhánh của Trương Lão Tùy phát triển mạnh ở vùng Nhâm Khâu, nhánh của Trương Chí Lễ lưu truyền rộng ở vùng Đại Hưng.
Lưỡng Dực Thông bối quyền sau này còn có tên gọi khác là Lưỡng Hy Viên quyền.
Về kỹ thuật môn này chú trọng tấn công trước (Tiên hạ thủ vi cường) làm chiến đấu pháp. Thủ pháp thường vận động sang hai phía bên hông thành vòng tròn giống như hai cánh chim đang bay, cho nên gọi là Lưỡng Dực (hai cánh).
Đặc điểm của môn quyền này là bộ hình thay đổi theo thân hình, hai cánh tay vận động không ngừng niêm, chuyển, vặn, trở, lật, xung triển tung hoành, chiêu nối chiêu, thức nối thức, thế quyền liên tiếp châu sa. Quyền thuật có bài Thập Nhị Liên quyền là bài quyền mang tính tiêu biểu nhất.
Hồng Động Thông bối quyền
Hồng Động Thông bối quyền còn có tên gọi là Thái Cực Thông bối quyền.
Môn quyền thuật này tương truyền vào thời nhà Thanh do Quách Vĩnh Phước người tỉnh Hà Nam truyền dạy. Quách Vĩnh Phước vốn làm nghề Tiêu sư (Bảo tiêu) đi khắp vùng nam bắc. Sau này phạm tội ngộ sát bị quan phủ tầm nã phải trốn từ Hà Nam đến Hồng Động tỉnh Sơn Tây. Tại trấn Tô Bảo, quan phủ là Lưu Bỉnh Điềm thấy ông thân thủ bất phàm nên yêu mến tài năng dùng ngân lượng (vàng) đích thân mời ông đến Thiên Quan Phủ dạy võ.
Quách Vĩnh Phước đã đào tạo được những cao đồ như Giá Hoài Bích, Trương Tú Đồ.
Hồng Động Thông bối quyền có 108 thức, đặc điểm kỹ pháp là: tay bám đối phương, tùy cơ ứng biến mà trói buộc, lách người luồn sâu nhập nội mau lẹ khéo léo.
Hồng Động Thông bối quyền phổ và Trần Thức Thái Cực quyền phổ có nhiều chỗ giống nhau đáng kinh ngạc nên có thuyết cho rằng Hồng Động Thông bối quyền chính là Trần Thức Thái Cực quyền phổ đã sớm thất truyền nên cần khảo chứng lại.
Ngũ Hầu Thông bối quyền
Ngũ Hầu Thông bối quyền do danh thủ Trương Sách truyền lại.
Ngũ Hầu Thông bối quyền mô phỏng theo động thái của 5 loại khỉ (hầu hình quyền) hợp thành gồm: thạch hầu, mã hầu, di hầu, viên hầu, trường tý hầu, mỗi loại hầu đều phân ra các thủ pháp như niêm, xuyên, phách, suất, về kình lực lấy lãnh đạn kình làm chủ phóng xa bật nhanh. Có thập tự quyết ca như sau:
Lãnh đạn tụy khoái ngạnh,
Triêm liên miên niêm tùy
Tạm dịch nghĩa:
Dùng kình phát nhanh dứt khoát để tốc độ đạt sức mạnh cương cường,
Khéo léo và mềm mại liên tục thế quyền không dứt khóa đối phương
Ngũ Hầu Thông bối quyền chuyên chú luyện nghệ bất luyện hình (luyện quyền pháp tinh diệu biến ảo chứ không luyện chiêu thức), khi diễn luyện thân pháp tựa gió tạt lá sen, chân như đạp lên bùn non, động tác phiêu diêu mà trầm ổn, có lực, hung mãnh cương kình tiềm ẩn bên trong chứng tỏ quyền pháp hùng hậu công phu mới có thể gọi là luyện đạt thành.
Vào thời Trung Hoa Dân Quốc có Hằng Thọ nổi danh là Đại lực Hằng ở Bắc Kinh chuyên gia cự phách về Ngũ Hầu Thông bối quyền, học trò của ông là Trương Khánh Hòa đến nay đã bách niên giai lão và thuộc hàng thế kỷ lão nhân vào những năm 1980 vẫn còn luyện môn quyền này. Ở Lang Phường tỉnh Hà Bắc có lão tiên sinh Trần Mậu Phương cũng nổi danh là truyền nhân của Thông bối quyền từ Trương Sách.
Thông Tý quyền Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam
Thông tý quyền Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam là bài quyền cơ bản trong hệ thống quyền pháp của Thiếu Lâm sau bài La Hán Thập Bát Thủ (18 phép đánh tay của Phật A La Hán), bài Tâm ý bả, và Tâm Ý quyền. Sau bài Thông tý quyền là bài Triều Dương quyền (Chao Yang quan).
Bài Thông tý quyền Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam có hai bài quyền lộ: Tiểu Thông tý quyền và Đại Thông tý quyền được sáng tạo vào thời nhà Tùy là giai đoạn khai sơn phá thạch của Thiếu Lâm quyền. Tuy ra đời rất sớm trong thời kỳ đang trưởng thành của Thiếu Lâm nhưng hai bài Tiểu Thông tý quyền và Đại Thông tý quyền tỏ ra là những bài quyền tinh túy xuất sắc mà những động tác của nó chính là nền tảng của các bài quyền của Thiếu Lâm quyền sau này.
Đặc điểm kỹ pháp là thế quyền tinh gọn, dũng mãnh, phát lực hùng hậu, động tác trông rất dứt khoát không hoa mỹ hoa dạng, thế quyền oai phong, mã bộ rắn chắc, các động tác thủ pháp như gọt đá đẽo núi đòi hỏi người luyện phải kỳ công biến các bộ phận tay chân thành vũ khí mạnh mẽ mới phát huy tối đa hiệu quả đòn đánh, bằng không chỉ là những động tác múa của vũ đạo.
Để luyện đạt thành Thông tý quyền Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam, người luyện phải có đủ công phu nội khí trong người dồi dào, các môn ngoại ngạnh công phải đạt tới một trình độ nhất định thì mới phát huy hiệu quả khi xuất thủ vì các chiêu thức của Thông tý quyền Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam rất đơn giản trông như các môn võ Karatedo hiện đại của Nhật Bản nhưng tầm hữu hiệu thì đòi hỏi cao.
Còn tiếp…
Tô Thiện (sưu tầm)