Lê Văn Hưng (? – 1798) người thôn Kiên Dõng, huyện Bình Khê (Tây Sơn), là một võ sỹ có sức mạnh và sở trường về môn đánh côn (roi trường).
Thuật đánh roi trường của ông rất giỏi, khi đánh ra một đòn, hàng trăm người không đỡ nổi. Đương thời, ông được tôn xưng là một trong “Tây Sơn thất hổ tướng”.
Vốn là một thanh niên có sức mạnh, giỏi võ nhưng thiếu học, tính khí lại ngang tàng nên Hưng sớm trở thành một người sống ngoài vòng pháp luật. Tuy sống bằng nghề cướp bóc nhưng Hưng vẫn được nhân dân địa phương quý mến, bởi ông và thuộc hạ không bao giờ quấy phá đồng bào trong vùng. Thuộc hạ có đến vài mươi người, song chưa ai than vãn về hành tung của ông. Vì Hưng và thuộc hạ chỉ đi “làm ăn” ở khác huyện hoặc khác tỉnh.
Một hôm, Hưng tổ chức một vụ cướp lớn ở Phú Yên, khổ chủ là người giàu có nhất trong vùng, trong nhà gia nhân, lực điền đều rèn luyện võ nghệ. Việc cướp diễn ra như ý muốn. Sau khi toán cướp bỏ đi, chủ nhân cùng gia nhân và trai tráng đuổi theo. Hưng bị 30 người bao vây. Trời gần sáng mà trận chiến vẫn chưa giải quyết xong, Lê Văn Hưng đành phải dùng tận lực đánh dữ dội để rút theo đồng bọn. Cuối cùng, khổ chủ trúng một roi, hộc máu chết tươi.
Vụ việc đến tai quan nha. Biết thủ phạm là Hưng, tuần phủ Phú Yên hợp lực cùng Tuần phủ Quy Nhơn cho truy nã gắt gao nhưng không bắt được Hưng. Sau thời gian lẩn trốn trong rừng, về sau Hưng gia nhập nghĩa quân Tây Sơn và trở thành danh tướng, được phong tước Đề đốc.
Luật nay: Lập nhiều công trạng nhưng vẫn khó thoát tội cướp của, giết người
Dù được tôn sùng là một trong “Tây Sơn thất hổ tướng”, lập được nhiều công trạng nhưng nếu bị xử lý Lê Văn Hưng vẫn không thể thoát được sự trừng phạt của pháp luật. Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, Hưng đã phạm tội cướp tài sản và giết người.
Cướp tài sản là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể tự vệ được nhằm chiếm đoạt tài sản. Điều 133 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm”. Tùy vào mức độ và hành vi sẽ có các mức hình phạt khác nhau nếu cơ quan có thẩm quyền xác định có đủ yếu tố cấu hành tội phạm.
Trong vụ việc này, Lê Văn Hưng đã phạm tội cướp tài sản được lên kế hoạch và tổ chức chặt chẽ. Nhiều người đã cùng bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện việc cướp tài sản, dưới sự điều khiển thống nhất của Hưng. Hưng là người chủ mưu, trực tiếp cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Khi gia chủ đuổi theo truy bắt, Hưng cùng những người trong nhóm của mình dùng vũ lực chống lại. Kết cục, khổ chủ đã bị thiệt mạng dưới cây gậy của Hưng. Sau khi gây án, Hưng đã bỏ trốn khỏi sự truy bắt của quan phủ.
Như vậy, căn cứ vào những tình tiết trong sự việc, chiếu theo quy định của pháp luật hiện hành, Lê Văn Hưng đã phạm đồng thời tội cướp tài sản và giết người. Cơ quan điều tra sẽ tiến hành truy nã Hưng, sau khi bắt được sẽ tiến hành các thủ tục tố tụng cần thiết để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo Đời sống & Pháp luật