Á quân Olympic Trần Hiếu Ngân: “Cơ hội là điều may mắn tôi có được”

Sau gần 15 năm giành chiếc HCB Olympic Sydney năm 2000 ở môn Taekwondo hạng cân dưới 57 kg, nữ VĐV Trần Hiếu Ngân giờ là một nhân viên văn phòng nghiệp vụ đồng thời là HLV cho đội tuyển trẻ TP HCM tại Trung tâm đào tạo huấn luyện Thể dục Thể thao Thành phố.

Vừa gặp phóng viên, á quân Olympic ngày nào đã thân thiện cười bảo: “Giờ viết gì đây, giờ Ngân cũ quá rồi, còn gì đâu nữa mà viết.” Chị nói vậy không phải là một lời từ chối khéo, có lẽ ai từng tiếp xúc với chị đều biết chị là một người khiêm tốn và dung dị. Nhớ khoảnh khắc mùa hè năm 2000, ngành thể thao nước nhà đã phải “rầm rộ” bởi tấm HCB Taekwondo của Trần Hiếu Ngân tại Olympic năm đó. Hồi đó báo chí phỏng vấn chị khi chị còn là một VĐV, còn khoác trên mình bộ võ phục Taekwondo, giờ gặp lại sau hơn chục năm với thành tích huy hoàng là một Trần Hiếu Ngân điềm tĩnh, chững chạc hơn với bộ đồng phục của một nhân viên văn phòng.

Dù ở cương vị nào, tôi vẫn một niềm đam mê

Hiện tại Hiếu Ngân vừa làm việc văn phòng, vừa phải thực hiện công tác huấn luyện Taekwondo cho các học trò vừa là một người mẹ, người vợ cho gia đình, được hỏi làm sao chị có thể thu xếp được công việc. Chị Hiếu Ngân bảo: “Chị cảm thấy mình may mắn khi gia đình luôn ủng hộ và hỗ trợ chị trong công việc rất nhiều. Ông bà nội và bố của hai chau lo hết mọi việc học hành cho con cái, riêng Ngân thì đảm đương phần nội trợ và công việc ở cơ quan. Nên Ngân không có khó khăn gì trong việc thu xếp công việc cả, ngược lại công việc và gia đình luôn hỗ trợ qua lại cho nhau”.

IMG_5072
Sau thành tích HCB tại Olympic 2000, nữ VĐV Taewondo ngày nào giờ vừa là một nhân viên văn phòng vừa là HLV huấn luyện đội tuyển trẻ thành phố. (Ảnh: Danh Trung)

Từng là một vận động viên Taekwondo đối kháng, liên tục đấm đá trên sàn đấu ở các giải đấu lớn, và giờ hằng ngày phải đối mặt với văn bản, sổ sách và chiều tối lại phải huấn luyện cho các VĐV, khi được hỏi chị chị thích công việc nào hơn chị bảo: “Công việc nào khi mình đã nhận làm thì phải làm cho tốt, cho tròn trách nhiệm và nghĩa vụ chứ, không phải là không thích là không làm tốt được, riêng Ngân dù ở cương vị nào, là VĐV, là HLV, là nhân viên văn phòng thì Ngân vẫn một niềm đam mê. Có lẽ cũng vì thế mà nó trở thành động lực cho Ngân hoàn thành tốt mọi công việc hiện tại.”

Chị chia sẻ rằng là VĐV khó khăn là khi tập luyện, phải nỗ lực tìm tòi, tìm hiểu sau về môn mình thi đấu, còn là một HLV cũng không kém phần vất vả, đã là một HLV muốn các học trò của mình có niềm đam mê và thi đấu tốt trước tiên mình phải truyền cảm hứng được cho các em, làm như thế nào để các em lắng nghe, còn gì quan trọng hơn là trang bị cho các em một tâm lí vững vàng trong thi đấu. Với Trần Hiếu Ngân, vì từng là một VĐV nên chị hiểu tâm lí các em, những lỗi và khó khăn mà các em thường gặp vì vậy chị không ngừng cố gắng tập trung vào chuyên môn, để có thể bồi dưỡng, truyền dạy những kinh nghiệm mình có được cho học trò.

Thành công cần nhiều yếu tố

Được tôi nhắc đến chiến thắng lịch sử tại Olympic 2000 và bảo chia sẻ cảm xúc, chị cười bảo: “Lâu qua rồi, cảm xúc ở đâu nữa nhưng mỗi khi nhớ lại Ngân nhận ra mình thật may mắn. Là một VĐV khi đại diện cho thể thao nước nhà đi thi đấu thì bản thân ai cũng muốn chinh phục vinh quang trở về, nhưng theo cá nhân Ngân nghĩ để thành công thì tập luyện, kinh nghiêm tích lũy và định hướng của HLV rất quan trọng, nhưng một phần cũng nhờ vào may mắn. Bởi hồi Ngân đi thi, trong đội ai cũng giỏi, và với Ngân, may mắn chính là cơ hội. Cơ hội được thi, được thể hiện năng lực mình có được.”

Ở một cương vị hay công việc nào, Trần Hiếu Ngân vẫn một niềm đam mê với Taekwondo và luôn cố gắng hoàn thành tốt mọi công việc mà mình đang làm
Ở một cương vị hay công việc nào, Trần Hiếu Ngân vẫn một niềm đam mê với Taekwondo và luôn cố gắng hoàn thành tốt mọi công việc mà mình đang làm. (Ảnh: Danh Trung)

Chị có chia sẻ thêm, nói đi thì phải nói lại, để có một

thành công bền vững cần thiết hơn hết là sự tương tác hỗ trợ của nhiều yếu tố, từ ngành, HLV cho đến VĐV và ngay cả phụ huynh của các VĐV. Chị phân tích: “Trẻ con bây giờ học hành căng thẳng quá, để các em chuyên tâm vào tập luyện thì rất khó, có nhiều em tập luyện đều đặn, có năng khiếu nhưng khi được đề cập đến chuyện vào đội tuyển thì phụ huynh các em lại từ chối. Cũng dễ thông cảm là bởi lẽ người làm cha, làm mẹ lúc nào cũng sợ việc tập luyện thể thao ảnh hưởng đến việc học văn hóa của con cái. Vì thế mà phong trào taekwondo ở TP.HCM rất mạnh nhưng chỉ dừng ở mức… phong trào. Trong 10 em có năng khiếu, Hiếu Ngân chỉ chọn được chừng 1-2 em có kỹ thuật, thể lực tốt và quan trọng là được gia đình hoàn toàn ủng hộ để hướng về thể thao đỉnh cao.”

Đừng ngại va chạm

Nhắc đến thành tích của Taekwondo Việt Nam vừa qua tại ASIAD 17 ở Hàn Quốc, từng là một VĐV, và giờ là HLV cho một thế hệ trẻ theo đuổi Taekwondo, Hiếu Ngân không giấu được những trăn trở. Chị chia sẻ: “ Taekwondo Việt Nam không đạt thành tích cao, không phải là vì không tiến bộ, thực ra là có tiến nhưng với những môn thi đấu khi đã đưa vào Olympic thì các nước đều có sự đầu tư phát triển, có nghĩa là mình đang tiến nhưng tiến chưa bằng người ta. Một phần tâm lý của các VĐV là chưa xem thể thao là một cái nghề, trong suy nghĩ của mỗi VĐV còn lo lắng chuyện tương lai sau này, sau khi thi đấu trở về sẽ ra sao?”

Hình ảnh hạnh phúc của chị khi giành được HCB tại Olympic 2000 đem vinh quang về cho Thể thao Việt Nam.
Hình ảnh hạnh phúc của chị khi giành được HCB tại Olympic 2000 đem vinh quang về cho Thể thao Việt Nam.

Trần Hiếu Ngân vui vẻ chia sẻ thêm về những kinh nghiệm thi đấu trong Taekwondo khi được tôi đề cập đến: “Theo góc độ của một cá nhân, bằng những gì có được của một VĐV đi trước, Ngân nghĩ đã là một VĐV thì phải tập luyện cần cù, cụ thể hơn là đã thi đối kháng phải cố gắng thi đấu và va chạm. Chỉ có thi đấu nhiều, cọ xát nhiều mới đem lại kinh nghiệm cho mình, chỉ tập luyện thôi không đủ, cần phải tìm tòi, tranh đấu để nghiên cứu đối thủ. Đó là với VĐV, với bên ngành thì việc cải cách, phát triển nên rõ ràng và đồng bộ hơn. Ngân lấy ví dụ việc đưa giáp điện tử vào thi đấu nên áp dụng đồng loạt các giải đấu, tạo điều kiện cho các VĐV làm quen, khi thi đấu ở các giải đấu lớn các em sẽ tự tin hơn.”

Bằng những kinh nghiệm có được trong Taekwondo, nữ võ sĩ Taekwondo người Phú Yên – Trần Hiếu Ngân đã trải lòng tất cả với mong muốn rằng các VĐV trẻ Taekwondo sẽ thi đấu thật tốt ở các giải đấu, đem vinh quang về cho thể thao nước nhà. Chị cảm thấy vui vì những gì mình đang có, và sẽ cảm thấy vui và hạnh phúc hơn khi các đồng nghiệp, các VĐV trẻ, và học trò của chị có thể thành công với niềm đam mê Taekwondo của mình.

Danh Trung (thực hiện)