Tại cố đô Huế, một bảo tàng binh khí võ thuật Đàng Trong và một thư viện võ thuật đang được chuẩn bị để đón đầu việc phục hồi Võ Thánh miếu.
Ngày hội trẻ em Nhật Bản “khóc thét” bởi các võ sĩ Sumo
Bấn loạn với lớp học võ sĩ Taekwondo nhí “cực dễ thương”.
Không chỉ có thế, những người con của võ giới xứ Huế đang mong muốn võ Việt đi xa hơn nữa…
Bảo tàng và thư viện võ học
Căn nhà của võ sư Nguyễn Văn Anh nằm trên đường Bến Nghé, hiện là trụ sở Hội Võ thuật cổ truyền Thừa Thiên – Huế, bên trong rộng rãi đến bất ngờ.
Dẫn chúng tôi vào sâu bên trong, ông Anh giới thiệu võ đường Vân Hải, nơi tổ chức các hoạt động của hội võ thuật.
Điều bất ngờ hơn khi được dẫn lên tầng hai của võ đường với một không gian hoàn toàn khác: một căn nhà gỗ sạch sẽ, thoáng rộng, nơi có bộ trường kỷ cổ và một bộ phản gỗ để ngồi thưởng trà, đàm đạo. Rất nhiều tủ kệ bày biện những món đồ cổ và những tủ đồ binh khí cổ.
Trên tấm phản là chiếc giá đỡ năm thanh long đao vỏ gỗ dài chừng hơn 1m và bốn cây kiếm cùng một khẩu súng trường bằng gỗ thời Nguyễn. Cạnh bộ trường kỷ là hai tủ kính lớn cũng toàn binh khí.
Ngăn dưới của tủ kính hướng mặt ra trước bày năm thanh đao nhiều chỗ gỉ sét, phần chuôi không còn nguyên vẹn, được ông Anh giới thiệu là đồ vớt được từ lòng sông Hương. Nhiều khả năng nó thuộc thời các chúa Nguyễn.
Ở trên là năm thanh kiếm thời các vua Nguyễn, có vỏ và cán bằng gỗ khảm bạc, nguyên vẹn, sưu tập được từ những con cháu dòng dõi, những người đang sinh sống tại các phủ đệ ở đất cố đô.
Trên bức tường gỗ là nhiều loại đao, kiếm thời Tây Sơn lưỡi bằng thép, cán gỗ bọc đồng trông rất đặc biệt. Rồi những thanh siêu đao to bản, những giáo mác nhiều hình dạng khác nhau…
Quý nhất trong sưu tập này chính là tủ kính phía bên phải của căn nhà, chứa nhiều loại binh khí các thời từ chúa Nguyễn xứ Đàng Trong cho đến thời Tây Sơn và các vua Nguyễn. Có cái vỏ gỗ khảm ốc, khảm bạc hay ngà voi…
Đặc biệt nhất vẫn những binh khí trong bộ bát bửu với thanh xà mâu lưỡi ngoằn ngoèo như con rắn và cặp chùy đồng chạm trổ rất bắt mắt. Hiện vật này được ông Anh tậu về từ một phủ đệ rất nổi tiếng của Huế…
Song hành với binh khí cổ, ông Anh cho biết thời gian qua đã cất công kiếm tìm những bài bản liên quan đến võ thuật cổ truyền, từ những bài quyền cho đến các bài binh khí cổ.
Ông khoe đã may mắn tìm được những bài quyền cổ như: Ngọc trản, Đồng nhi, Lão mai… Kế đến là bài binh khí như: Huỳnh long độc kiếm, Phi sơn hải kiếm, Mai hoa kiếm, Tứ môn côn, Ngũ môn côn, Siêu xung thiên (đao)…
Nhiều phương pháp sử dụng binh khí và những tài liệu võ thuật cổ khác cũng được ông Anh sưu tập từ đất võ Bình Định.
Đặc biệt, các phái võ có truyền thống lâu đời ở Huế đều được ông Anh gõ cửa để truy tầm tư liệu, như phái Bạch hổ sơn quân của họ Nguyễn Hữu ở huyện Phú Vang cho đến phái Nga My gần đàn Nam Giao, hay dòng võ họ Trương ở phường An Cựu…
Ngoài ra, võ sư Anh còn chú tâm sưu tập sách về võ thuật Việt Nam, đến nay đã lên đến gần 3.000 cuốn, liên quan đến ba chủ đề: y – võ – đạo, cũng là ba mục đích của nhà võ là cứu người, giúp con người ta khỏe và đạo làm người, cách xử thế.
Cả sưu tập binh khí cổ lẫn tủ sách võ thuật, ông Anh cho biết sẽ đón đầu việc hình thành một “thánh địa” võ cổ truyền VN tại Võ Thánh miếu.
Theo đó, dự kiến hình thành một bảo tàng võ học và một thư viện y võ đạo, biến Võ Thánh miếu trở thành một điểm du lịch hấp dẫn của Huế. Ở đó sẽ có các hoạt động như giỗ tổ, tôn vinh nghề võ, dạy võ; là nơi chữa bệnh, tham quan hay trao truyền những bí kíp, ngón nghề võ cho du khách…
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, chánh văn phòng Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, kế hoạch phục hồi Võ Thánh miếu sẽ hoàn thành khoảng năm 2020.
Võ sư Lê Văn Thạnh, trưởng tràng hệ phái Suzucho Karatedo, cho biết rất tán dương việc làm nói trên, đồng thời sẽ bàn bạc trong hệ phái và các môn phái khác để cùng góp công, góp sức thực hiện.
Muốn đưa võ Việt đi xa hơn
Nhiều nhà nghiên cứu nhận định võ thuật cổ truyền VN, đặc biệt là Huế có rất nhiều điểm hạn chế. Một trong những điểm hạn chế nhất, theo nhà nghiên cứu Phạm Đức Thành Dũng, phó chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền Thừa Thiên – Huế:
“Võ Việt thường một cây một trái, cha truyền cho con, học trò dạy vài miếng… Vì vậy rất nhiều phái võ bị thất truyền. Võ truyền thống hiện đang là những mảnh rời, chắp vá và không dễ phát triển”.
“Và điều đau đớn nhất của võ thuật cổ truyền ở Huế chính là võ không nuôi được võ, do đó không đứng độc lập được một nghề. Các lò võ gần như không thể sống được bằng võ mà được duy trì bằng rất nhiều nghề khác, vô hình trung võ trở thành “tay trái”.
Nhiều võ đường đang được duy trì bằng “cơm nhà” của người chủ sự, bằng đội múa lân, biểu diễn phục vụ du lịch hay hành nghề y nuôi võ…” – ông Dũng ưu tư.
Hiện tại, Liên đoàn Võ thuật VN cũng có tuyển chọn hơn mười bài quyền bắt buộc sử dụng trong những giải đấu quốc gia, song vẫn chưa có một nghiên cứu nào về võ cổ truyền tới nơi tới chốn.
Theo võ sư Nguyễn Văn Anh: “Càng đi sâu càng thấy võ Việt quá ghê gớm nhưng tình trạng hiện nay mỗi nơi (võ phái) đang giữ một tí như những mảnh rời rạc, không thể nâng tầm thành khoa học!”.
Do đó, một trong những mong ước của võ giới cổ truyền hiện nay là làm sao nâng tầm võ Việt. Muốn như vậy, theo võ sư Anh, phải “cởi trói” cho các hình thức võ cổ truyền sao cho “thoáng” hơn, phục vụ cả đồng bào VN và tỏa rộng ra khắp thế giới.
Theo nhà nghiên cứu Phạm Đức Thành Dũng, muốn làm được điều ấy phải có sự đầu tư không chỉ của võ giới mà còn từ phía Nhà nước.
“Chúng ta vẫn chưa có nghiên cứu bài bản, chắt lọc tất cả những quyền cước của võ cổ truyền, chắt lọc các tinh hoa võ thuật rồi hệ thống hóa, tạo ra những đòn thế, phương thuật riêng như cách người Nhật Bản hay Triều Tiên làm đối với karatedo và taekwondo. Tôi nghĩ đó là việc rất đáng làm!”.
Võ sư Nguyễn Văn Anh cho rằng đã đến lúc nghĩ đến việc chấn hưng nền võ học nước nhà. Đây chắc chắn không chỉ là công việc của riêng ngành võ mà là của toàn xã hội, và trước tiên cần phải có sự ra đời của một cơ quan nghiên cứu về võ thuật VN.
Cơ quan này có nhiệm vụ sưu tầm, nghiên cứu để chắt lọc những tinh túy của võ thuật cổ truyền, truy tầm và hệ thống hóa võ đạo, những gì lạc hậu, bất hợp lý thì lược bỏ, nâng tầm thành hệ thống lý luận…
Điều quan trọng hơn, theo võ sư Nguyễn Văn Dũng: “Võ Việt là vì nước, vì dân. Hồn cốt của tinh thần võ Việt là tinh thần nhân nghĩa. Võ VN hiện nay đã đạt đến như vậy chưa? Nếu chưa thì phải phục hồi!”…
“Tôi rất ngạc nhiên vì ở Huế vẫn còn có người lưu ý đến di sản thời kỳ tổ tiên mang gươm đi mở nước ở phương Nam. Hi vọng Võ miếu sẽ được phục dựng để phát huy tinh thần thượng võ của dân tộc Việt.
Chính tại nơi thiêng liêng đó sẽ giữ gìn tinh hoa võ thuật VN cho các thế hệ ngày sau. Cầu mong ước vọng của võ sư Nguyễn Văn Anh sớm thành tựu” – nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn nói.
Có thể bạn quan tâm: Tuyệt kỹ Vovinam & Võ Cổ truyền trên xứ Kim Chi
[jwplayer player=”1″ mediaid=”72211″]
Theo Thái Lộc – Đoàn Cường/Tuổi Trẻ