Hầu quyền là thế võ không thường được sử dụng để chiến đấu bang phái mà chỉ có các đại sư, thủ lĩnh mới sử dụng “bàn tay” này để quyết định sự tồn tại và uy dương sức mạnh của môn phái. Chỉ luyện được hầu quyền khi võ sinh đã thực sự giỏi cương công, kinh công, khí công và có linh giác…
BỘ PHÁP HIỆU QUẢ VÀ NGUY HIỂM NHẤT TRONG HAI BỘ HÌNH
Võ sư Nguyễn Văn Thắng, Chưởng môn phái Thăng Long võ đạo cho biết,võ hầu nằm trong hệ thống các kỹ thuật “thập nhị hình” – 12 thế võ con người học theo hình tướng của động vật có sức mạnh trong trời đất, mượn theo nó, sử dụng nó để có thể đối trọi, chống lại hay hợp nhất với thiên nhiên để tồn tại. Vì vậy, các kỹ thuật này còn được gọi là tượng hình quyền (hay “hình ý quyền linh thú”). Theo đó, con người khổ luyện thân xác, phần con của mình theo hình tướng các con thú để có các thế đánh độc đáo của các con thú đó như: Long (rồng), Xà (rắn), Hổ (hổ), Báo (báo), Hạc (chim hạc), Sư (sư tử), Tượng (voi), Mã (ngựa), Hầu (khỉ), Miêu (mèo), Gấu, Đường lang (Bọ ngựa). Đây là những con vật có ưu thế trong trời đất, trong tự nhiên để tự tồn tại mà con người là tối linh nên sử dụng những sức mạnh này trong thiên nhiên để tạo sức mạnh cho chính mình. Hơn nữa, ngoài luyện động tác theo động vật, con người còn dùng sinh lực – các chiết xuất tinh lực trong mỗi loại động đó để tẩm bổ, nâng cao sức mạnh trong mình.
Theo Võ sư Nguyễn Văn Thắng, hầu quyền là một môn võ dựa theo thần thái, động tác, kỹ thuật chiến đấu của loài khỉ. Vì các thế tấn công của khỉ rất mềm mại (lúc tĩnh lúc động, tĩnh tàng động) không biết đâu mà lần. Đặc biệt, các động tác rất tốc độ, nhanh nhạy, chính xác mà không dùng đến lực, thường gây chấn thương nặng cho đối phương một cách bất ngờ bởi những đòn hiểm ác vào những điểm nguy hiểm. Vì vậy, hầu được coi là một trong những bộ pháp hiệu quả và hiểm ác nhất. Thâm ngôn nói: Uyển chuyển và uy linh như rồng; chắc chắn và dũng mãnh như hổ; nhanh và ác hiểm như xà; chính xác mà kín đáo, hiệu quả mà tàng ảnh như hầu.
ĐỘNG TÁC SINH HOẠT TẠO RA CÁC THẾ VÕ HIỂM
Võ sư Nguyễn Văn Thắng phân tích, hầu là loại động vật sống trên núi thuộc dương, thân pháp rất nhẹ có thể bay trên không, đu trên cây, tung mình giữa khoảng không, chạy, nhảy… Đặc biệt, nó thường ẩn nấp khó thấy kể cả khi di động. Các võ sư hàng đầu sống ở trên núi đã quan sát những đặc tính, thói quen sinh hoạt của khỉ để bắt chước luyện tập và tổng kết đưa ra bộ pháp hầu quyền. Bộ pháp này gồm 5 thế cơ bản và trên cơ sở đó biến hóa ra hàng ngàn các đón thế khác nhau. 5 thế võ này làm nên nét đặc thù nguy hiểm của võ khỉ và cũng chính nhờ nó mà khỉ đã đấu tranh và bảo vệ sự sinh tồn của mình trước cả những con vật hung mãnh nhất. Điều đặc biệt là các thế võ độc đáo này lại bắt nguồn từ những động tác sinh hoạt hàng ngày của khỉ như: Khỉ rửa mặt (hầu tẩy nguyệt), khỉ ngãi ngứa (hầu tẩy thân), hầu tản vân (khỉ vén mây xem trần thế), hầu ăn quả (hầu hoa sơn) và hầu di thân (hầu di chuyển, di hầu thân).
Theo Võ sư Nguyễn Văn Thắng, chính những động tác tưởng chừng đơn giản này lại có những tính năng vượt trội và vô cùng hiểm ác trong võ thuật. Chẳng hạn, thế hầu tẩy nguyệt được mô phỏng theo thói quen sinh hoạt các buổi sáng, chiều tà, khỉ dùng hai tay rửa mặt. Để rửa phải vớt nước từ thấp đưa lên cao và chính động tác này sẽ phá được các đường cường quyết mà đối phương tấn công đánh thấp và cũng chính sử dụng đòn đó để tấn công đối phương ở tầng thấp (hạ đẳng). Hầu tẩy thân là vừa phá (bảo vệ) vừa tấn công những đòn nguy hiểm bị nhiều kẻ thù tấn công cùng một lúc từ nhiều phía gồm: Trên, dưới, cao, thấp, phải, trái. Hầu hoa sơn: Vừa ăn vừa phòng ngự và tấn công đối phương ở trạng thái bị động không lùi, không tiến – chính là những cái tát liên tục và đỡ… Di hầu thân là vừa di chuyển vừa tấn công và thoát hiểm với đủ các hình thái như lăn lộn, chạy nhảy, đu trên không… với tốc độ nhanh chóng mặt đối phương rất khó theo kịp…
DÙNG CHIẾN ĐẤU ĐỐI KHÁNG GIỮA CÁC THỦ LĨNH
Truyền thuyết nói đến hầu quyền nhiều nhưng lai lịch, xuất xứ của môn võ này thì dường như bao quanh bởi một lớp sương mù. Có nhà nghiên cứu cho rằng, chính Ngô Thừa Ân đã cảm tác nhân vật Tôn Ngộ Không từ hầu quyền và người xưa lại dùng tích Tôn Ngộ Không để đặt tên cho một số chiêu thức của hầu quyền. Nếu đúng như vậy, hầu quyền ra đời trước Tây Du Ký. Tuy nhiên, những ý kiến ngược lại cũng dựa trên tên gọi một số chiêu thức để lập luận rằng Hầu quyền còn “trẻ hơn” Tôn Hành Giả rất nhiều.
Theo Võ sư Nguyễn Văn Thắng, võ hầu Việt Nam xuất phát từ Trung Quốc. Võ hầu ít hệ thống quyền thuật (ít có biểu diễn) nhưng là đỉnh cao của võ thuật, ít khi được tiết lộ, thường chủ yếu dành trong chiến đấu đối kháng. Các bài quyền đơn riêng biệt rất dũng mãnh chỉ có các cao thủ mới sử dụng bàn tay này để ra các đòn quyết định sự thành bại của môn phái và uy dương sức mạnh. Tuy nhiên, trong các kỳ thi đấu biểu diễn tay không và binh khí đối kháng, các môn phái nói chung và Thăng long võ đạo nói riêng thường lấy các bộ tay nhu công của xà, hạc, hầu để đưa vào thi đấu vì vừa đẹp mắt, uyển chuyển mà mềm mại, chính xác mà tàng ảnh, hiệu quả mà không mất sức…
NHU MỀM NHƯ LUYỆN BẰNG ĐINH SẮT
Là một hệ thống quyền thuật mô phỏng các vận động trong sinh hoạt, các động tác chiến đấu cũng như chiến thuật của loài khỉ đối phó với đồng loại hay các loài thú khác, hầu quyền chú trọng các kỹ thuật nhảy, nhào lộn, chụp bắt làm sở trường. Hầu quyền áp dụng nguyên lý dĩ nhu thắng cương, thường kết hợp né tránh linh hoạt và tấn công hiểm hóc. Chiêu thức trong hầu quyền thường nhắm vào các yếu huyệt của đối phương như Mi Tâm, Thái Dương, Đan Điền, Tâm Hoa… khiến hầu quyền trở thành một trong những bộ môn quyền thuật ác hiểm nhất. Hình thái, động tác của Hầu quyền có thể khái quát là: Cương, nhu, nhẹ, linh hoạt, mềm mại, khéo, nấp, né, vươn, co. Thủ pháp thì có tóm, duỗi, chọn, cắt, giảo (hoạt), bắt, khép, đẩy… Cước pháp có quấn, dậm, tạt, bật, về khí giới có các bài múa hầu côn, hầu kiếm… Tất cả đảm bảo được “ngũ yếu” (năm điều cần) tức là hình cần giống, ý cần thật, bước cần nhẹ, phép đánh cần kín, thân cần linh hoạt. Nói hầu quyền là chú trọng mềm dẻo, linh hoạt nhưng thực tế chỉ là dùng mềm bên ngoài nhưng nội lực bên trong phải cực kỳ thâm hậu. Do đó, người giỏi về hầu quyền rất hiếm. Đó phải là người có căn cơ chắc chắn, giỏi về thân pháp, thủ pháp (bộ tay), cước pháp (bộ chân), linh giác (tính linh hoạt, nhạy cảm của đôi mắt, đấu pháp (người định lối đánh), tâm pháp (trạng thái tâm lý vững vàng)… Đặc biệt, muốn luyện hầu quyền thì phải giỏi về cương công thì mới học được nhu công tay mềm. Tập cương công là giai đoạn đầu để mở cân cơ (chuẩn bị nội lực rắn chắc bên ngoài đủ sức chịu đựng va chạm những thế võ mạnh của báo, hổ, sư tử…) và rèn bản lĩnh võ sinh sau đó mới học bộ pháp lên cao như hầu. Bởi dùng các thế võ mềm là đánh vào các nơi hiểm yếu: đỉnh đầu, thái dương, mang tai, yết hầu, chấn thủy (trung tâm thở), hạ bộ, gáy… nhẹ gẫy khớp đối phương nặng là mất mạng nên phải đủ đạo lý, trí tuệ (hiểu biết sâu sắc về võ) mới được học.
Trước đây, Chưởng môn phái Hầu quyền của Hà Nội là võ sư có thân hình cứng như sắt, không sợ đón tần công, thường cho 10 võ sinh giỏi nhất đấu với thầy (thầy dùng tay không). Để luyện võ hầu thì phải luyện bằng những bao bọc đinh sắc nhọn… Hơn nữa, người luyện hầu quyền thường phải hút môi lại khi thi triển công phu, thở bằng mũi, do đó việc luyện tập thở được nhấn mạnh trong bộ môn công phu này. Ngoài ra, để uyển chuyển và linh hoạt bay nhảy, người học hầu quyền phải học cả khinh công và khí công…