Năm chẹt giữa hai vùng đất khổng lồ là Ấn Độ và Trung Hoa, trong suốt một ngàn năm đầu sau công nguyên, về võ thuật Miến Điện chịu ảnh hưởng nặng nề của Ấn Độ. Từ năm 1000 đến nay, Miến Điện lại không ngừng phát triển sự giao tiếp với Trung Hoa. 85% dân chúng Miến Điện theo đạo Phật, từ Ấn Độ truyền sang. Cũng như trường hợp Trung Hoa, người ta cho rằng chính chư tăng là những người đầu tiên truyền bá võ nghệ- Võ Ấn Độ, võ Trung Hoa được truyền dạy tại Miến Điện, đặt căn bản trên phép luyện khí công, thiền định và một số chiêu thức, làm phát sinh ra ngành võ thuật Miến Điện.
Vào thế kỷ 13, Miến Điện bị quân Mông Cổ xâm chiếm, rồi suốt nhiều thế kỷ, đất nước này phải trải qua, những cuộc chiến tranh bộ tộc và xung đột với Xiêm (sau nay đổi thành Thái Lan).
Năm 1885, đế quốc Anh đô hộ Miến Điện, biến nước này thành một tỉnh của Ấn Độ. Từ năm 1942 đến năm 1945, Miến Điến lại bị Nhật Bản chiếm đóng. Năm 1948, Miến Điện giành lại được độc lập.
Từ Thaing đến Bando
Võ thuật Miến Điện chia làm hai chi: Các môn tay không (Bando, quyền Miến Điện, đô vật) và các môn binh khí (Banshay).
Danh từ Thiang(có nghĩa là võ thuật), bao gồm toàn bộ các ngành trên. Thiang được dân Miến Điện tập luyện qua bao thế kỷ, trước khi đất nước bị người Anh đô hộ. Ít nhất có 9 chi phái khác nhau, tùy theo từng nhóm sắc dân: Miến Điện, Trung Hoa, Ấn Độ, Chin, Kachin, Karen, Mon, Shan, và Talaing. Để giản dị hóa, vài chi phái dùng từ Bando để chỉ toàn bộ môn võ của họ (tay không hoặc dùng binh khí).
Khi người Anh đến đô hộ, môn Thaing phải rút vào truyền dạy trong vòng bí mật. Mãi đến thập niên 30 của thế kỷ XX, môn võ mới phát triển trở lại, nhờ việc thành lập Câu lạc bộ thể thao quân đội Maymyo, tại miền bắc Miến Điện.
Năm 1942, dưới thời Nhật thuộc, môn Thaing được tổ chức trên bình diện quốc gia. Môn võ được truyền bá trong cả nước nhờ Liên đoàn thanh niên, có đến 20.000 hội viên. Người Nhật góp phần tổ chức những cuộc tranh giải giữa các cao thủ Nhật Bản và các võ sĩ Bando Miến Điện, như võ sĩ danh tiếng U Pye Thein.
Nhờ cách này mà môn Bando du nhập thêm những đòn võ Nhật như các đòn Nhu Đạo, Hiệp Khí Đạo và Nhu Thuật.
Năm 1948 là năm tổ chức giải vô địch Miến Điện lần thứ nhất.
Trong thập niên 50, Liên đoàn Thaing Miến Điện chào đời, đứng đầu là võ sư U Chit Than, một học trò của U Pye Thein.
Một Tổng cuộc khác là Liên Đoàn Bando Quốc Tế do U Ba Gyi sáng lập. Con trai của ông, Maung Gyi, đem môn Bando sang dạy ở Mỹ.
Lão Sư U Pye Thein
Ngày nay, môn Bando không mấy ăn khách. Lớp trẻ Miến Điện mê phim Lý Tiểu Long nên thích các môn công phu (Kung Fu) và Karate hơn.
Nhưng có rất nhiều võ sư cố gắng duy trì môn võ cổ truyền này của Miến Điện. Trong số đó có võ sư lão thành U Pye Thein, một nhân vật đã trở thành huyền thoại ngay khi còn sống (năm 1989, ông 77 tuổi). Ông nổi tiếng vì đã trăm trận trăm thắng trong suốt thời gian dài đăng đẳng theo đuổi nghiệp võ. Hiện nay, ông không còn dạy nữa, mà sống với người học trò, U Chit Than, trong võ đường, ngay giữa lòng thủ đô Rangoon.
Dù đã xấp xỉ bát tuần, lão sư U Pye Thein vẫn linh hoạt, vui vẻ như một thanh niên. Và nếu thể xác ông, qua bao năm tháng đã yếu đi, nhưng tinh thần vẫn luôn tráng kiện và minh mẫn. Hóm hỉnh, nhớ dai, vị lão sư hay đùa này thú thật ông thích rượu Whisky !.
Học trò của ông, võ sư U Chit Thannăm 1989 cũng đã 64 tuổi. Hai mươi bảy năm về trước, chính U Chit Than đã đứng biểu diễn các đòn thế để chụp hình làm sách, một cuốn sách rất nổi tiếng của Rober Smith và Donn Draeger, “Asian Fighting Arts” (võ thuật Á Châu), trong chương nói về võ Miến Điện, hai nhà nghiên cứu võ học này đã bỏ cả cuộc đời mình sưu tầm các môn võ Đông phương, và tác phẩm trên đây là thành quả của 50 năm lặn lội tìm kiếm!
Lão sư U Pye Thien vui vẻ kể chuyện: “Tôi nghĩ rằng trong gia đình tôi, ai cũng thích đấm đá. Cha nào con nấy mà! Cha tôi học võ với một ông thầy người Shan (người Shan nổi tiếng là những chiến sĩ giỏi). Còn tôi, có chuyện rất buồn cười. Bữa kia, tôi vớ được một cuốn sách dạy Nhu Thuật do 2 võ sư Nhật viết. Tôi tập một mình, cho đến khi thành thục các đòn dạy trong sách. Mà hồi đó ở Miến Điện đâu có ai biết môn này, với các thế ném té địch thủ! Vào thập niên 30, chưa có ai biết đến Nhu Đạo: đó thật là một cái gì quá mới lạ. Viên cảnh sát trưởng ở địa phương đang tìm một võ sư để dạy võ cho nhân viên cảnh sát. Ông ta bảo tôi đấu với một võ sư người Shan. Mà ông nầy, binh khí thì môn nào cũng giỏi, nhưng lại không biết các đòn ném té… Tôi ném ông ta té mấy cái, ông cảnh sát trưởng khoái chí, bèn mướn tôi dạy. Sau đó, ông cảnh sát trưởng lại cho tôi một cuốn sách dạy đánh côn, từ đấy, tôi lại dạy côn cho cảnh sát.
Năm 1937, tôi đoạt chức vô địch quyền thuật Miến Điện. Bởi tôi biết cả Quyền Anh lẫn Nhu Đạo Nhật Bản, nên tôi có ưu thế hơn một số võ sư Miến Điện. Nhiều ông tìm đến tôi và nhờ tôi dạy cho. Mãi đến lúc ấy, tôi mới bắt đầu học võ Miến Điện, do mấy ông võ sư đó dạy trả công cho tôi. Thời Nhật thuộc, tôi rời sở cảnh sát. Tôi làm việc cho Liên đoàn Thanh niên, và chúng tôi tổ chức những trận giao đấu với các cao thủ Nhật Bản. Tôi trở thành một võ sư Bando nổi tiếng! Nhưng tôi đã đã đưa vào môn võ của tôi những thế khóa và những đòn ném té, chứ không giới hạn trong các đòn đấm đá mà thôi. Người Miến Điện rất giỏi các môn binh khí, múa cả song kiếm và đánh lao. Nhưng các môn tay không thì chẳng thích tập mấy.
Phá đòn Binh Khí
Nhập môn, người ta dạy tuần tự như thế này: trước tiên, võ sinh học các thế di chuyển, các thế tấn. Sau đó, học các đòn đỡ, né tránh, tất cả có 9 đòn. Cuối cùng học các đòn công.
Thường thường, trong môn Bando, người ta đánh nhau với một địch thủ dùng binh khí. Dân ở đây thích làm đổ máu! Ít khi người ta đánh nhau tay không. Gần như lúc nào ta cũng phải đối đầu với một món binh khí. Bởi vậy, môn Bando dạy cho người ta biết cách tự vệ chống một hay nhiều địch thủ cầm binh khí. Căn bản là ta bước một bước sang bên cạnh (không bao giờ bước lùi) để tránh đòn, xong gạt tay cầm binh khí của địch, khóa tay đó của địch để tước binh khí, và dùng binh khí này đánh lại địch.
Trong môn Bando có đủ các đòn: quả đấm, chân, cùi chỏ, đầu gối, đầu (là 9 người bạn của ta)… Kỹ thuật này rất thích ứng trong các trận xáp lá cà, đánh cận chiến.
Một đòn liên hoàn tiêu biểu mà tôi rất ưa là đấm trái, đấm phải rồi nhập nội khóa tay hoặc ném té địch thủ. Vả lại, tôi nghĩ rằng khóa cùi chỏ địch là hiệu quả nhất! Chủ ý là loại địch thủ ra ngoài vòng chiến càng sớm càng tốt. Đá thì nên đá vào hạ bộ, tôi thích dùng cú đá thẳng đằng trước.
Các môn binh khí
Một trong những sắc thái đặc biệt của môn Bando là lối đấu với 3 hay 4 địch thủ. Ta bước qua bên cạnh một bước để tránh tay cầm binh khí của địch, nhưng không bước lùi, để có thể tức thời chế ngự địch.
Người Miến Điện tin tưởng vào binh khí hơn là tin tay chân của họ. Các môn binh khí, gọi là Banshay, du nhập từ Ấn Độ và Trung Hoa vào đây. Các môn binh khí chính yếu là kiếm, côn, lao và Kwant hawk cup (một nữa là roi: một nữa là lưỡng tiết côn). Kiếm thì hay dùng cả cặp. Bình thường, võ sinh không được rút kiếm ra khỏi vỏ khi chưa cần thiết. Trước hết, nên để nguyên cây kiếm trong vỏ như thế mà đánh. Một khi đã rút kiếm, anh ta phải cố gắng tước binh khí của địch. Làm cho địch bị thương hay giết chết hắn chứng tỏ võ nghệ của mình quá dở… Cây lao và song kiếm được tập thành bài, như bài quyền trong võ Nhật. Ngày xưa, môn tay không chưa có bài quyền. Nhưng bây giờ, của Karate và Công phu, người ta đã sáng chế ra nhiều bài. Tập vậy thì dễ hơn…”.
Trong số học trò của lão sư U Pye Thein có võ sư Saya Minn Yekkha, sư trưởng của viện võ thuật Miến Điện. Võ sư Minn Yekkha làm luật sư, đã dịch nhiều sách võ ra tiếng Miến Điện.
Lão sư U Pye Thein cũng đang viết một cuốn tự truyện về cuộc đời võ nghệ của ông, và võ sư Saya Minn Yekkha sẽ dịch cuốn này ra tiếng Anh. Ngoài ra, võ sư cũng đang dịch cuốn “Asian Fighting Arts” ra tiếng Miến Điện.
Theo Báo nghiên cứu võ thuật