Giới võ lâm Đông Dương đồng trang lứa, cùng hạng cân một thời khiếp sợ cú đấm của người có biệt danh là “đao phủ Phan Văn Mười”. Bởi mỗi lần lên sàn đấu, anh thường tung cú đấm sấm sét knockout đối thủ chỉ trong vài hiệp đấu.
Vì một sự cố đáng tiếc khi chuẩn bị cho một giải đấu lớn, anh đã phải giải nghệ. Ít ai biết rằng võ sỹ lừng danh ấy đã từng phải rửa bát thuê để mưu sinh.
Danh xưng “đao phủ Phan Văn Mười”
Có lẽ người đời ít ai còn nhớ đến Phan Văn Mười (SN 1969, ngụ quận 8, TP.HCM) với những lần thượng đài mãn nhãn. Tuy vậy, những đấu sỹ từng giáp mặt với võ sỹ Mười, còn nhớ như in những cú đấm sấm sét của anh. Sinh thời, Phan Văn Mười là con trong một gia đình dòng dõi võ học nổi tiếng TP.HCM từ trước năm 1975. Cha của anh là cố võ sư Minh Thành một thời lừng lẫy. Nhắc đến cha mình, anh luôn bày tỏ sự tôn kính, nể phục: “Cha tôi đồng thời cũng là sư phụ của tôi. ông là người yêu nghề, cống hiến cho nghề, mới đào tạo được nhiều võ sỹ giỏi đương thời. Hiếm có người nào như cha tôi, nhà dù nghèo nhưng ông vẫn một mực theo đuổi nghiệp võ. Hồi tôi còn bé, ông thường ra sân Phan Đình Phùng tập luyện và dạy miễn phí cho những môn sinh yêu môn boxing”.
Năm Phan Văn Mười 14 tuổi, lúc này anh mới được cha truyền đạt võ thuật. Một năm sau, cha cho anh cọ xát với những bậc đàn anh dày dạn kinh nghiệm. Sau mỗi trận thua, anh lại luyện tập hăng say hơn, và chỉ một thời gian ngắn, anh bắt đầu chiến thắng. Sau khi đã vượt qua những đấu thủ đáng gờm là những bậc sư huynh dày dạn kinh nghiệm, lúc này võ sỹ Mười không còn cảm giác sợ hãi với bất kỳ đối thủ nào.
Bắt đầu khoảng thời gian thi đấu, võ sỹ Phan Văn Mười đã được võ sư các môn phái mượn đi thi đấu khắp các tỉnh thành trong nước. Trong đó có những trận võ sỹ quyền Anh cũng tham gia đấu tự do cùng các môn phái khác. Có dịp võ sỹ Mười được võ sư Minh Cảnh, đại võ sư Huỳnh Tiền, võ sư Lý Huỳnh… dắt đi thi đấu ở khắp các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Đồng Nai, Tây Ninh… và thậm chí qua cả Thái Lan. Những lần ấy võ sỹ Mười lấy danh Lý Mười để thượng đài và đều giành thắng lợi với những trận knockout kinh điển. Cũng chính vì thượng đài với nhiều trận knockout đối thủ, nên võ sỹ Mười được giới võ lâm truyền tai biệt danh “đao phủ Phan Văn Mười”.
Bắt đầu từ năm 1986, võ sỹ Mười thượng đài với những cao thủ trong làng võ quyền Anh lúc bấy giờ. Thời điểm còn thi đấu và được xưng danh, võ sỹ Mười từng giành huy chương Vàng quyền Anh của ba nước Đông Dương là Việt Nam, Lào và Campuchia tổ chức tại Campuchia năm 1988. Lúc này võ sỹ Mười đại diện cho Việt Nam, tham gia thi đấu với các cao thủ lừng danh của hai nước bạn ở hạng cân 51kg. Vì giải đấu mang tính quyết định, nên mỗi nước lúc bấy giờ chỉ được chọn ra một người đi thi đấu. Nước Lào có đăng ký một người ở hạng cân 51kg, nhưng đến khi thi đấu, người này bỏ cuộc, còn lại đấu sỹ Mười của Việt Nam và một đấu sỹ lừng danh Campuchia. Trong trận đánh này, vào đầu hiệp hai, võ sỹ Mười đã hạ knockout đối thủ trong sự tán thưởng nhiệt tình của khán giả nước bạn.
Sau khi võ sỹ Campuchia thua trận thì nước này đào tạo được một cao thủ nức tiếng tên là Nong-ric. Không lâu sau, Nong-ric qua Việt Nam thi đấu giao hữu với võ sỹ Mười. Đây cũng chính là trận đấu cam go nhất trong cuộc đời của võ sỹ Mười. Anh kể: “Hiệp thứ nhất diễn ra trong thế cân bằng, đến hiệp hai thì đối thủ tấn công liên tục, đòn thế tung ra mạnh như vũ bão nên tôi bị dính đòn, thất thủ. Đối thủ dùng thế tấn gọi là “kèo nghịch” (chân phải đứng lên trước) và ra đòn tay phải rất nhanh. Hết hiệp hai, ưu thế điểm số đang nghiêng về võ sỹ Nong-ric của Campuchia”. Bước vào hiệp thứ ba, chớp được sơ hở của đối thủ tôi tung một đòn đấm thẳng hạ knockout Nong-ric trong sự ngỡ ngàng của cả khán đài sân Phan Đình Phùng”.
Trong lần tranh giải vô địch toàn quốc bộ môn quyền Anh, tổ chức tại Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) vào năm 1989, võ sỹ Mười đã được mời tham gia đại diện cho TP.HCM và xuất sắc giành các phần thắng. Chỉ trong bốn đêm thi đấu, võ sỹ Mười đã hạ knockout cả bốn đối thủ và giành giải vô địch.
Sau lần được đại võ sư Huỳnh Tiền mượn đi đánh võ đài, về đến TP.HCM, võ sỹ Phan Văn Mười bị phát hiện đi đánh “chui” và bị cấm thi đấu. Sau này giới võ lâm không thấy tên “đao phủ Phan Văn Mười” thi đấu “chui” nữa. Thấy đây là một tài năng xuất chúng, tuyển quyền Anh TP.HCM chính thức nhận võ sỹ Phan Văn Mười vào đội và hưởng các chế độ như mọi vận động viên khác.
Võ sỹ lừng danh đi… rửa bát thuê
Năm 1990, võ sỹ Phan Văn Mười được chọn vào đội tuyển quốc gia tham gia Seagame 16. Lúc này áp lực đè nặng lên vai, khiến võ sỹ Mười ngày đêm khổ luyện. Những bao cát thường ngày tập luyện được huấn luyện viên của Phan Văn Mười tăng thêm trọng lượng. Trước khi diễn ra Seagame 16, chỉ tiêu đặt ra cho võ sỹ Mười là chiếc huy chương Bạc. ước muốn được một lần đứng trên bục vinh quang nhận giải chưa kịp thực hiện, thì một sự cố hi hữu đã xảy ra với võ sỹ Mười. Khi võ sỹ Mười đang hăng say tập luyện với bao cát, thì bỗng dưng một tiếng “rắc” kêu lên khiến những người xung quanh khựng lại. Toàn thân võ sỹ Mười rung lên, tay đau nhói và trong phút giây ấy, cánh tay trái của anh tưởng như rụng rời.
Một lúc sau chấn động mạnh, võ sỹ Mười cố tập trở lại. Lúc này chỉ khi nào võ sỹ Mười đánh thật mạnh vào bao cát thì mới có cảm giác nhói. Thấy bất an, võ sỹ Mười đi khám, bác sỹ chẩn đoán đau cơ. Được vài ngày sau khi khám, trong một lần đấu tập dượt, cánh tay trái của võ sỹ Mười chính thức bị gãy. Sự cố đáng tiếc xảy ra chỉ ngay trước ngày diễn ra Seagame không lâu, khiến những người trong ban tổ chức đội tuyển vô cùng lo lắng. Sau sự cố đáng tiếc, võ sỹ Mười đã không được tham gia Seagame ấy nữa. Không còn tâm trí luyện tập với cánh tay bị gãy, anh từ giã võ đường quyền Anh, nơi từng lưu dấu ấn một “đao phủ Phan Văn Mười”.
Những tháng ngày từ giã làng võ quyền Anh, võ sỹ Mười thui thủi ở nhà với nỗi niềm riêng chẳng ai thấu. Khi ấy, người bạn của anh đang làm tại khách sạn New World thấy thế, bèn rủ anh vào làm chung để khuây khỏa. Lúc này võ sỹ Mười lừng danh được đưa vào vị trí rửa chén, bát tại khách sạn New World trong bộ dạng lầm lũi. Phận làm thuê để mưu sinh, võ sỹ Mười phải bỏ qua tất cả bàn tán để chấp nhận cuộc sống hiện tại. Với quyết tâm cao, trong đầu luôn hiện lên một chân lý “sống và làm việc hết mình”, nên anh luôn hoàn thành tốt công việc lúc bấy giờ. Nhờ sự nỗ lực cố gắng, một năm sau chàng rửa bát thuê Phan Văn Mười được cất nhắc lên vị trí nhân viên tổ quay trong khách sạn. Ba năm sau, anh được bầu làm tổ trưởng tổ quay và làm việc ở khách sạn đó suốt hơn 20 năm.
Mặc dù không tham gia các câu lạc bộ quyền Anh, nhưng ngày nào võ sỹ Mười cũng tự luyện tập những đòn thế một cách chăm chỉ.
Cách đây bốn năm, làng võ quyền Anh TP.HCM thiếu huấn luyện viên trầm trọng. Nghĩ đến những thành tích oanh liệt một thời, lãnh đạo đội tuyển đã đề nghị anh tham gia công tác huấn luyện. Mới đầu, võ sỹ Mười từ chối lời đề nghị vì sợ rằng mình không đảm đương được, nhưng trước những lời động viên tích cực từ phía ban lãnh đạo cùng sự ủng hộ của gia đình, anh mới chịu nhận vai trò huấn luyện dẫn dắt đội tuyển với câu nói “nếu tôi làm được thì mới trả lương”.
Danh sư xuất cao đồ
Qua bốn năm giảng dạy, huấn luyện viên Phan Văn Mười đã cùng đồng nghiệp đưa đội tuyển quyền Anh TP.HCM tham gia bốn giải vô địch toàn quốc, và đều gặt hái những thành công rạng rỡ. Hiện tại trong đội tuyển Việt Nam, môn sinh của anh có hai người, còn trong đội tuyển trẻ thì có bốn thành viên.