Chưa phải là một đỉnh cao võ thuật nhưng trong làng võ mấy ai là không biết đến cái tên Thắng “cua” với đôi phần nể nang, quý trọng. Chưa hẳn là một diễn viên gạo cội nhưng Thắng “cua” đã có một chỗ đứng vững vàng trong làng điện ảnh với những vai hành động điên đảo phim trường.
Lão võ sư Trần Tiến – cây đại thụ làng võ Việt Nam
Võ sư môn phái Nam Huỳnh Đạo biểu diễn tuyệt kỹ nội công
Thấy chuyện bất bình chẳng tha
Đó là lời quả quyết của Thắng “cua” khi nói về một trong những điều quan trọng nhất của người học võ. Bởi vì với anh, học võ để làm gì nếu không phải là mang ra giúp đời, giúp người. Kẻ học võ mà ra đường thấy chuyện bất bình không dám “ho he”, chỉ lo thiệt thân, tránh sự phiền hà, co ro rúm ró không dám thò mặt ra thì học làm gì cho thiên hạ chê cười, người đời trách móc. Ra đường “thấy chuyện bất bình chẳng tha” là một trong những tư chất quý báu của con nhà võ mà cậu bé Nguyễn Văn Thắng sớm đã được thừa hưởng từ một gia đình có truyền thống nhiều đời làm võ tướng. Niềm đam mê võ thuật cứ thế ngấm vào người Thắng “cua” một cách tự nhiên như bản thân cuộc sống.
Suốt thời trai trẻ, Nguyễn Văn Thắng lúc nào cũng khát khao được lên đường “tầm sư học đạo”, tìm cho mình một thầy võ giỏi để thụ giáo. Nhưng theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng trai sinh năm 1961 này đã viết tâm thư bằng máu xung phong lên đường nhập ngũ, tham gia chiến dịch Biên giới 1979 khi anh vừa tròn 18 tuổi.
Sau khi chiến tranh kết thúc, năm 1983, Nguyễn Văn Thắng hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, tiếp tục theo đuổi đam mê võ thuật. Kẻ lãng tử này thường lang thang khắp nơi vừa du ngoạn cảnh sắc tươi đẹp của non sông gấm vóc, kết bằng hữu bốn phương vừa tìm đến những lò võ tiếng tăm để giao lưu mở rộng tầm mắt. Anh không đề cao hẳn một môn phái nào mà quan niệm rằng, mỗi môn phái đều có cái hay riêng và muốn được học hỏi tất cả những cái hay đó. Chàng võ sư này đã quá may mắn khi nhận được sự chỉ dạy tận tình của ba vị võ sư nổi tiếng thời bấy giờ là võ sư Phan Dương Bình (một trong bảy ngôi sao võ thuật Hà Nội), võ sư Nguyễn Tỵ (Trưởng môn phái Nam Hồng Sơn) và võ sư Trịnh Quốc Định (người được mệnh danh là “Bàn tay vàng” trong làng võ Hà Nội).
“Giỏi một thứ nhưng phải biết nhiều thứ” là một tiêu chí của anh trong võ thuật. Có lẽ chính vì được học nhiều thầy, hiểu biết nhiều phái võ khác nhau cho nên sau này, khi bước chân vào thế giới điện ảnh, anh đã rất thành công trong việc cố vấn võ thuật và đóng các vai hành động trong nhiều thể loại phim khác nhau, từ cổ trang đến hiện đại.
Hiện tại, võ sư Nguyễn Văn Thắng đang là chủ nhiệm và cũng là người sáng lập ra võ đường Bắc Long Biên khá nổi tiếng trong số các võ đường đang hoạt động ở Hà Nội. Hiếm thấy ở võ đường nào, võ sư chủ nhiệm lại trực tiếp tham gia huấn luyện nhiệt tình và thường xuyên như ở nơi này. Mặc dù đang là nhân viên chính thức của sở Công thương Hà Nội, lại tham gia hoạt động điện ảnh, bị công việc “xoay như chong chóng” nhưng dường như vị huấn luyện viên này chẳng bỏ buổi tập nào ở võ đường của mình. Mặc dù chủ nhiệm võ đường hoàn toàn có thể giao lại việc huấn luyện cho các trợ lý nhưng anh đã không làm như vậy.
Chiều nào cũng vậy, sau giờ tan tầm, gác lại bộn bề công việc sau một ngày bận rộn, gác lại tất cả những cuộc hẹn hò dù gần hay xa, Thắng “cua” lại trở về là một vị võ sư đáng kính cùng những học trò thỏa sức với niềm đam mê võ thuật. Cho nên, nếu ai đó có ý định tìm Thắng “cua” mỗi khi chiều đến thì cứ đến võ đường Bắc Long Biên thể nào cũng gặp nhưng đừng hi vọng điều gì có thể làm gián đoạn công việc tập luyện của thầy trò họ vào cái giờ chỉ dành cho sự đam mê ấy. Có lẽ chính vì có một người thầy nhiệt huyết như thế cho nên kể từ khi thành lập đến nay, tuy chưa một lần treo biển tuyển sinh hay quảng cáo rầm rộ nhưng võ đường vẫn rất đông người đến học. Hiệp hội UNESSCO Việt Nam cũng đã nhiều lần đến thăm, tặng thưởng bằng khen cho võ đường vì sự nghiệp duy trì và phát triển tinh hoa võ thuật Việt Nam.
Người đưa võ thuật vào nghệ thuật
Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như không có cái ngày mà Thắng “cua” chính thức bước chân vào làng điện ảnh nước nhà. Hình ảnh của vị võ sư trong những thước phim điện ảnh không quá ấn tượng nhưng cũng rất đỗi khó quên trong lòng khán giả. Đó là năm 2002, trong một lần tình cờ được chứng kiến võ sư Nguyễn Văn Thắng biểu diễn các thế đánh đối kháng và chiêu thức dùng lực đánh bục đít chai tại học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, đạo diễn Nguyễn Thế Vĩnh đã ngay lập tức reo lên: “Kiểm “dê” đây rồi!”. Đó là vai diễn một trùm xã hội đen vô cùng nguy hiểm trong bộ phim “Thức tỉnh” mà đạo diễn Nguyễn Thế Vĩnh chuẩn bị hành khởi quay. Mọi khâu trong bộ phim đều đã sẵn sàng. Duy chỉ còn vai Kiểm “dê” vẫn đang bị để trống vì chưa tìm được người thích hợp và Thắng “cua” chính là một sự lựa chọn thích hợp nhất.
Đạo diễn Nguyễn Thế Vĩnh cũng như hầu hết các đạo diễn phim ở Việt Nam đều có chung một nhận định rằng thực hiện những cảnh quay hành động là điều vô cùng khó khăn. Lý do là ở Việt Nam hiếm có diễn viên được đào tạo võ thuật một cách quy mô, bài bản và dàn diễn viên đóng thế cũng chỉ lèo tèo mang tính nghiệp dư. Các vai diễn dù là vai diễn hành động vẫn luôn đòi hỏi những màn diễn xuất tâm lý phức tạp. Trong khi đó các diễn viên Việt Nam hoặc chỉ thể hiện được phần diễn xuất tâm lý hoặc chỉ thể hiện được phần võ thuật. Nhưng thật bất ngờ, một kẻ mới “chân ướt chân ráo” bước chân vào làng phim, chưa từng qua một lớp diễn xuất nào, Thắng “cua” đã thể hiện tốt cả những cảnh quay hành động lẫn diễn xuất tâm lý. Anh đã chứng minh một điều rằng mình sinh ra là để đưa võ thuật vào nghệ thuật. Và người đàn ông đa tài này sẽ không chỉ dừng lại ở đó khi anh tuyên bố: “Ai bảo phim hành động Việt Nam chán? Chúng tôi sẽ chứng minh điều ngược lại”.
Sau thành công ở bộ phim “Thức tỉnh”, Thắng “cua” liên tục được mời tham gia nhiều phim khác trong vai trò diễn viên, đồng thời là cố vấn võ thuật như “Chuyện tình đảo cát”, “Miền đất hứa”, “Chiến hạm nổ tung”, “Đột kích”… Trong số đó, phải kể đến hai bộ phim “Đinh Tiên Hoàng Đế” và “Những đứa con biệt động Sài Gòn” do anh chính thức làm cố vấn võ thuật từ đầu đến cuối. Cái mà Thắng “cua” muốn và đã cho người xem thấy được trong các pha hành động do mình thủ vai cũng như cố vấn võ thuật không chỉ có sự mạnh mẽ, thô ráp mà còn khéo léo, tinh tế, biến hóa kỳ diệu. Sức mạnh của võ không chỉ nằm ở sự dũng mãnh của đòn đánh, thế đánh mà chính ở sự mềm dẻo, linh hoạt và hiểm hóc. Cũng chính vì lẽ đó mà người ta bắt đầu nhận ra ẩn sau vẻ “võ biền” tưởng như vụng về, khô khan của một vị võ sư suốt ngày đánh đấm là một tâm hồn nghệ sĩ hơn cả nghệ sĩ. Thật khó để không nhận ra tình yêu và sự hi sinh của anh đối với nghệ thuật.
Hiền lành và dễ tính nhưng Thắng “cua” lại nghiêm khắc đến mức “khó chịu” trong công việc. Nhiều người tham gia đoàn làm phim đã xót xa đến rơi nước mắt khi chứng kiến anh lăn lộn trên núi đá lởm chởm, toàn thân rớm máu để hoàn thành một cảnh quay đẹp và đúng như yêu cầu anh đặt ra và bắt mình phải hoàn thành. Còn nhớ năm 2006, nghe tin cậu con trai bị tai nạn vỡ xương hàm đang cấp cứu, anh vẫn cố gắng hoàn thành những cảnh quay cuối cùng trong phim Đột Kích ở Mai Châu (Hòa Bình) rồi lặng lẽ chạy về với con trong khi mọi người đang liên hoan và chẳng hay biết gì.
Nhiều người không hiểu tại sao một kẻ tướng mạo dữ dằn chuyên là hình mẫu “dọa trẻ con” như Thắng “cua” lại có thể đào hoa đến thế. Chính vì lẽ này mà từ ngày đi đóng phim, vợ anh vốn đã ghen nay lại càng ghen khi thấy chồng suốt ngày bị vây quanh bởi những cô gái đẹp.
Thắng “cua” thì thầm kể lại: “Một lần đang cùng bà xã ngồi xem phim “Chuyện tình đảo cát” trên ti vi. Đến đoạn có cảnh nóng trong đó mình đang ôm hôn một cô gái khác, vợ mình bất ngờ vung tay một cái, chiếc cốc pha lê bay thẳng vào màn hình TV vỡ tan tành. Sau đó, mình phải dỗ dành, làm lành suốt một tuần nàng mới nguôi ngoai chút ít”.
Theo anh, là một người học võ chân chính thì không bao giờ nên dùng vũ lực hoặc nặng lời với phụ nữ nhất là những người phụ nữ yêu thương mình. Dù có đào hoa đến mấy thì với anh vợ vẫn là số một, không người phụ nữnào có thể thay thế được vị trí đó trong anh. Cho nên mỗi khi vợ giận, dù đúng hay sai, anh vẫn luôn là người nhường nhịn và thể hiện sự quan tâm với vợ bằng những hành động thiết thực nhất. Đó là lý do khiến cho anh luôn dung hòa được giữa đam mê và gia đình, điều mà hiếm người đàn ông nào có thể làm được.
Theo Dương Dung/Người đưa tin