Thời đỉnh nhất của môn phái Thiếu Lâm Bạch Hổ là vào giai đoạn những năm 60 – 75 thế kỷ trước. Đấy là thời kỳ mà Hổ Bạch Ân gây dựng lò võ và đào tạo ra nhiều thế hệ môn đệ vang danh một thời. Võ sư Thái Sơn (biệt danh Hổ Bạch Sơn) là một trong những đệ tử “ruột” của võ sư Hổ Bạch Ân, hiện là Phó Ban chuyên môn của võ phái, trưởng Bộ môn Võ cổ truyền quận Tân Phú (TP.HCM) đã chiêm nghiệm lại như thế về võ phái của mình.
Màn đánh nhau kịch tính, hay nhất của sao hành động Jason Statham
Thành Long đánh nhau với “trai tây” thể hiện “bản lĩnh đàn ông”
Cơ duyên võ học và con đường thànhmột truyền nhân kế tục
Võ sư Hổ Bạch Sơn kể về cố sư phụ mình rằng, võ sư Hổ Bạch Ân tên thật là Trịnh Văn Ân (SN 1929, ở huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi). Tuổi thơ của sư phụ nghe kể lại cũng lắm gian truân. Khi mới lên hai tuổi, sư phụ đã phải theo mẹ chạy giặc vào tận Sóc Trăng. Thời ấy, di chuyển khoảng cách như thế là rất xa xôi. Tuy nhiên, vì thời loạn nên bà đành phải đưa con đi để đảm bảo an toàn tính mạng. Trong cảnh loạn ly ấy, gia cảnh lại nghèo nên cha mẹ quyết định đưa cậu bé Ân vào chùa gửi. Đó là năm Ân lên bảy tuổi. Tại chùa, Ân không chỉ được học giáo lý nhà Phật để biết lẽ phải, điều hay mà còn được tu luyện thêm về võ thuật. Thời ấy, may mắn là Trịnh Văn Ân được gửi vào ngôi chùa có một cao thủ ẩn danh tại đây, đó chính là trụ trì Thích Thiện Duyên. Trụ trì vốn là một cao thủ giang hồ từng hành tẩu giang hồ nhiều năm nhưng đã mai danh ẩn tích và mở chùa để tu thân tích đức.
Thấy Ân là một cậu bé siêng năng, chăm chỉ học giáo lý nhà Phật lại có tính tình thật thà, gan dạ và có những tố chất khác người nên sư trụ trì hết sức quý mến. Sau một thời gian, thấy cậu bé lớn lên, tiến bộ về mọi mặt và nhận thấy Ân có thể là người “thừa kế” những tinh hoa võ thuật, ông đã quyết định truyền bá võ công thâm hậu của mình cho Trịnh Văn Ân. Ngoài những tinh hoa võ thuật thì trụ trì Thích Thiện Duyên còn truyền cho đệ tử nhiều bí kíp về y học chân truyền. Sau một thời gian tu học võ công, Trịnh Văn Ân đã gần như học hết các bí kíp của sư phụ. Với khoảng thời gian gần 10 năm, Trịnh Văn Ân đã lĩnh hội được những tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm Bạch Hổ từng nổi tiếng trong giai thoại người Trung Hoa.
Theo đó, vào đời nhà Nguyên ở Trung Hoa, tương truyền có một vị cao tăng đã sáng tạo nên võ phái Thiếu Lâm Bạch Hổ nổi danh cho tới ngày nay. Vị cao tăng ấy có tên Lâm Đạo Thai ẩn tu hành tại chùa Thiếu Lâm (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày nay). Chuyện kể lại rằng, trong một lần Lâm Đạo Thai lên núi hái thuốc thì bất chợt gặp cảnh một con khỉ đột khổng lồ và một con cọp trắng đang giao đấu với nhau. Không thể bỏ qua cảnh tượng hi hữu ấy, Lâm Đạo Thai quan sát tỷ mỉ từng miếng, thế đánh của hai con.
Trong thời gian giao chiến, con cọp trắng có vẻ lép vế trước sức mạnh khủng khiếp của con khỉ đột khổng lồ. Tưởng chừng con cọp sẽ chết thảm dưới tay con khỉ đột khi bị nó xách ngược, định xé làm đôi. Trong tình cảnh ấy, bất ngờ, con cọp lật ngửa, uốn người vòng xuống tung một chưởng trúng ngay hạ bộ, làm khỉ đột chỉ biết hét lên một tiếng rồi nằm gục ngay tại chỗ. Không bỏ qua chi tiết nào nên Lâm Đạo Thai đã sáng tạo ra Hổ Bạch quyền nổi danh khắp Trung Hoa và theo chân các cao thủ truyền bá khắp nơi.
Trụ trì Thích Thiện Duyên là một người may mắn đã học được các bí kíp của võ phái này. Vào những năm 30 – 40 của thế kỷ trước, người Hoa sang Việt Nam rất nhiều. Họ sang làm ăn, buôn bán, định cư, cũng có những người vốn là cao thủ võ lâm nhưng không hợp thời thế hoặc bị vu oan nên sang Việt Nam để lánh trốn. Từ đó, nhiều võ sỹ của Việt Nam đã có dịp gặp gỡ và lãnh hội được những bí kíp này và trụ trì Thích Thiện Duyên là một điển hình. Ông đã tu luyện được Thiếu Lâm Bạch Hổ đạt tới đỉnh cao kung phu.
Sau khi truyền bá hết võ công và phật pháp cho cậu học trò cưng, trụ trì Thích Thiện Duyên đã tích cực tham gia vào việc chống lại bọn cường hào, ác bá bán nước và quân xâm lược. Chuyện kể lại rằng, lũ cướp nước bao vây nhà chùa và đòi thiêu rụi hết tất cả chốn thiền môn, vị sư già cùng các môn đệ đã đứng lên chống lại quyết liệt. Trong lúc giao chiến, vị sư già đã quật ngã nhiều tên nhưng với súng, ông đã không thể cự lại được và đã ra đi vĩnh viễn.
Tuyệt kỹ thiếu lâm Bạch Hổ
Không giống như nhiều cao thủ thời ấy, khi sư phụ qua đời, chùa bị thiêu rụi, Trịnh Văn Ân không đi vào bế tắc, trả thù một cách tự phát mà ông đã chọn cách đi theo “các anh”. Lúc này, Trịnh Văn Ân cũng chính là truyền nhân của môn phái Thiếu Lâm Bạch Hổ với biệt danh Hổ Bạch Ân. Thời ấy, phong trào du kích Long Phú khá nổi tiếng, lập được nhiều chiến công vang dội, Trịnh Văn Ân đã xin gia nhập. Được chấp nhận và biết ông là người giỏi võ công, cơ sở đã giao nhiệm vụ huấn luyện võ thuật cho đội đặc công huyện Long Phú. Từ đây, một đội quân tinh nhuệ dần hình thành. Với những tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm Bạch Hổ, nhiều người đã trở thành những anh du kích diệt địch giỏi.
Trong khi đó, những tên bán nước cầu vinh như các cường hào, lý trưởng ác ôn, các tên địa chủ chuyên ức hiếp dân lành… nhiều phen hú vía vì “ăn” phải chưởng của đội quân du kích do Hổ Bạch Ân huấn luyện. Sau một thời gian hoạt động bí mật, thấy tình hình phù hợp, cơ sở đã đưa Hổ Bạch Ân ra hoạt động công khai với cái tên cúng cơm Trịnh Văn Ân.
Sau một thời gian hoạt động Hổ Bạch Ân lên Sài Gòn sinh sống và chọn mảnh đất Cầu Muối (quận 1 ngày nay) làm địa bàn kiếm ăn. Võ sư Hổ Bạch Sơn cho biết, thời điểm này, sư phụ làm nghề bốc xếp kiếm sống qua ngày. Trong quá trình làm việc, ông nhận thấy mở lò võ là cách để tồn tại lâu bền. Vào lúc này có rất nhiều võ phái đang hoạt động rầm rộ như Long Hổ Hội, Tân Khánh Bà Trà, Hắc Hổ Thiết Quyền Đạo… xen lẫn là những tay giang hồ cộm cán hùng cứ một phương, như: Đại Cathay cát cứ khu vực quận 1, Sơn Đảo chiếm lĩnh khu vực ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình ngày nay), Tín Mã Nàm ở khu vực chợ Lớn (quận 5, quận 6 ngày nay)…
Hai thế lực này cùng với tình hình thời cuộc lúc bấy giờ làm cho Sài Gòn hết sức “nóng”. Thế nên, việc quyết định mở lò võ tại Sài Gòn đối với Hổ Bạch Ân vào thời điểm ấy được xem là một sự mạo hiểm. Bởi, trước đó võ sư Long Hổ Hội, rồi võ sư Từ Thiện… đã từng gặp phải cảnh các tay giang hồ tới gõ cửa hỏi: “Vì sao mở võ đường mà không xin phép đại ca”. Thế nhưng với tiếng tăm của mình, Hổ Bạch Ân đã mở võ đường tại chùa Định Thành, trên đường Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám, cạnh Công viên Lê Thị Riêng, quận 10 ngày nay) không hề hấn gì.
Võ sư Hổ Bạch Sơn kể, vào thời gian gây dựng lò võ Sài Gòn, sư phụ Hổ Bạch Ân đã “va chạm” rất nhiều, thường đó là những lời thách đấu của những võ sỹ, những tay giang hồ và cả những bang phái, võ đường khác. Thời ấy, đấu võ không như bây giờ, họ được đánh đấm tự do, theo dạng quyền anh. Việc đấu đài không ngăn cấm những đòn có tính sát thương, nguy hiểm như chỏ, gối… nên mỗi trận đấu diễn ra thu hút đông đảo người xem. Đặc biệt những trận nào có cao thủ thì người xem như đi trẩy hội. Thời ấy, sân Tinh Võ Môn (quận 5) lúc nào cũng tấp nập và sôi nổi với những trận đả lôi đài. Có những trận nổi danh thu hút khoảng 4 – 5 ngàn khán giả, vé vào cửa từ 2 – 5 trăm đồng. Những trận có cao thủ, vé chợ đen có khi tới cả ngàn đồng. Mặc dù thách đấu hoặc so tài cao thấp trên võ đài rất máu lửa để tranh hơn thua nhưng ít khi có các sự thù hận giữa các bang phái.
Theo võ sư Hổ Bạch Sơn, võ sư Hổ Bạch Ân cũng đã thượng đài nhiều trận tại Sân Tinh Võ Môn và thắng nhiều trận nổi tiếng như hạ Lê Thanh Tùng, Lê Thanh Tịnh… đặc biệt là trận đả lôi đài với võ sỹ Ô Hắc Lợi nổi danh.
Theo Trung Nghĩa/Người đưa tin