Võ sư mù Nguyễn Kim Hoàng – Chế ngự khổ đau bằng Pencak Silat

Căn bệnh Lupus ban đỏ đã cướp đi cầu thận và đôi mắt của võ sư Nguyễn Kim Hoàng. Nhưng nó không thể quật ngã thầy ra khỏi “thảm đấu” của cuộc sống. Bằng nghị lực quật cường và tình yêu mạnh mẽ với Pencak Silat, thầy vẫn rắn rỏi chiến đấu với bệnh tật, vượt qua cơ cực số phận để tiếp tục truyền dạy tinh hoa võ học cho lớp lớp học trò.

Phiến quân Philippines âm mưu bắt cóc Manny Pacquiao.
Sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng “máu lửa” với Võ tự do

“Khai quốc công thần” của Pencak Silat Việt Nam

Nguyễn Kim Hoàng đến với Pencak Silat từ khi môn võ này vẫn còn rất mới mẻ đối với các võ sư tại Việt Nam. Vốn yêu thích võ thuật từ nhỏ, thầy quyết định theo học môn võ cổ truyền Nam Hồng Sơn. Đến năm 1992, Pencak Silat bắt đầu du nhập vào Việt Nam.

Nhận ra ưu thế về thể hình và thể lực của học trò, võ sư Nguyễn Thanh Lê đã quyết định đưa anh vào lớp đầu tiên của Silat. Đến năm 1994, thầy  dự giải vô địch quốc gia Pencak Silat đầu tiên và được chọn vào thành phần đội dự tuyển tập luyện thường xuyên.

vo-su-mu-kim-hoang

“Lúc bấy giờ đội tuyển Pencak Silat chưa thành lập. Có rất nhiều VĐV từ nhiều môn võ khác nhau tập trung lại thành một lớp nhưng chủ yếu là dân võ cổ truyền. Chúng tôi tập luyện tại Trung tâm VĐV cấp cao, nhưng khi đó chưa phải là đội tuyển mà chỉ là đội dự tuyển tham dự SEA Games 18”, thầy Kim Hoàng bồi hồi nhớ lại.

Một năm sau đó, đội Pencak Silat Việt Nam mang về cho đoàn thể thao nước nhà 3 Huy chương Bạc và 4 Huy chương đồng tại SEA Games ở Chiang Mai (Thái Lan). Nhưng đáng tiếc rằng Kim Hoàng không thể chung vui với các đồng đội một thời ăn tập tại Trịnh Hoài Đức. Thầy bận đi thi đại học.

“Lịch thi đấu trùng với đợt thi tốt nghiệp lớp 12 và thi đại học. Vậy là tôi quyết định tập trung cho việc thi cử. Bản thân tôi đến giờ vẫn không cảm thấy tiếc vì quyết định khi ấy. Bởi đó là bước ngoặt đưa tôi sang một hướng khác. Con đường mới cho tôi tri thức và sự hiểu biết. Và khi mình ra trường thì tri thức ấy có thể phục vụ để kiếm kế sinh nhai. Còn thể thao cho tôi niềm đam mê. 

Vì vậy, ngay cả khi đang học đại học hay cho tới lúc lấy bằng kỹ sư ngành Công nghệ thông tin của Đại học Mở, tôi vẫn tập Silat, vẫn tham gia một số giải nhỏ nhưng với tư cách là một huấn luyện viên. Với tôi, học võ là để khám phá cơ thể nên dù thi đấu hay huấn luyện thì vẫn vui”, Kim Hoàng vừa cười vừa thổ lộ.

Biến cố đôi mắt và gia cảnh khó khăn

Số phận cũng thật trớ trêu. Cuối năm 2010, một biến cố đã xảy đến với cuộc đời của võ sư Kim Hoàng. Căn bệnh Lupus ban đỏ rơi vào giai đoạn biến chứng làm hỏng cầu thận của thầy rồi tăng nhãn áp làm bong luôn đáy mắt. Năm 2011, mắt của thầy không còn nhìn được nữa. Một năm sau đó, vị giác của võ sư cũng dần yếu đi, ăn uống không còn thấy ngon. Trên da thầy sần sùi những cục nốt mần đỏ. Có thời điểm, lớp học của thầy gần như không thể hoạt động.

Lupus ban đỏ cướp đi của thầy Kim Hoàng cầu thận và đôi mắt. Nhưng nó không thể quật ngã nghị lực sống và tình yêu Silat của võ sư sinh năm 1978 này. Sau một thời gian, thầy Kim Hoàng gắng gượng trở lại võ đường.

Không thể tự mình lái xe máy như trước, thầy nhờ vợ đưa đi. Cô bận, thầy nhờ các bạn học sinh ở lớp thu xếp. Còn khi cả hai phương án trên đều không thể, thầy tự mình mò mẫn bắt xe bus đến lớp dậy. Mọi thứ cứ thế cho đến hiện tại, khi lớp của thầy tại trường Đại học Ngoại ngữ đã bước sang tuổi 14.

“Từ một người quan sát được bây giờ không thể ước lượng được, tính toán được thì thật sự là rất khó chịu. Nhưng cũng đã gắn bó với môn này lâu năm, có kinh nghiệm nên đành cố gắng khắc phục thôi. Tôi kèm riêng một số học sinh có thâm niên. Yêu cầu các em ấy tập và phát lực chính xác. Khi các bạn ấy cứng cáp thì sẽ lại hướng dẫn cho đàn em. Cứ thế cứ thế, lớp này truyền dậy cho lớp khác. Và nhờ vậy mà lớp cũng gắn bó hơn, thân thiết hơn như anh em một nhà”, thầy Kim Hoàng chia sẻ.

vo-su-kim-hoang-vo

Đôi mắt không còn sáng, thầy Kim Hoàng cũng phải chiến đấu với suy thận. Biến chứng của Lupus ban đỏ khiến thận của thầy bị hỏng. Đều đặn mỗi tuần ba ngày, sáng thứ 2, 4 và 6 thầy lại phải đến bệnh viện Đống Đa lọc máu rồi chiều về đi dậy. Cũng chính vì sức khỏe mà đến nay, thầy chỉ còn duy trì được 2 lớp võ. Một ở trường Đại học Ngoại ngữ và một ở trường cấp hai Tân Định.

“Cũng may là tiền đi lọc máu tôi được bảo hiểm từ Hội người khuyết tật hỗ trợ. Chứ không thì cũng chẳng biết lo thế nào nữa. Nhà cửa giờ phần nhiều từ tiền chạy chợ, tiền buôn bán từ vợ tôi. Nhưng tổng thu nhập của gia đình, tính cả tiền hỗ trợ từ Hội người khuyết tật của tôi là 525.000 đồng/tháng thì cũng chỉ ở mức 2 triệu đồng đổ lại. Tất cả dồn vào tiền sinh hoạt phí, tiền cho em (đứa con gái học lớp 4 – PV) đi học”. Ngồi kế bên chồng, cô Hà Tố Lan – vợ của thầy Kim Hoàng đùa trong nỗi ưu tư: “Cũng đủ sống ngắc ngoải anh phóng viên ạ”. 

Gia đình thầy Kim Hoàng ngụ tại số 29 phố Đội Cấn, Hà Nội. Tuy là nhà mặt đường nhưng một phần vì ông nội kỹ tính, lại từng trải qua biến cố trong quá khứ nên nhà thầy Hoàng không mở kinh doanh hàng quán nào cả. Nhà cửa xuống cấp, nhiều nơi dột nát nhưng tiền ăn còn căn cơ, lấy sao kinh phí để sửa sang, nâng cấp.

Dẫu khó khăn là vậy nhưng thầy Hoàng chẳng lấy tiền học phí của môn sinh. Ngay ở thời điểm số môn sinh một lớp lên tới trăm người trong quá khứ, thầy cũng chẳng mảy may bận tâm đến việc thu tiền của học trò. Thầy cho rằng, nếu mình đặt nặng chuyện kinh tế vào thể thao thì nó sẽ mất đi tính trung thực, trong sạch và thẳng thắn.

Không tiền bạc, học sinh mới có thể đến với mình một cách tâm huyết và thoải mái. Ngay cả nghề tay trái là múa lân xương rồng, khi múa từ thiện cho bệnh viện hoặc nhà chùa hoặc khu dân cư, thầy Hoàng cũng không lấy một đồng tiền túi. “Ở khu dân cư cho các cháu thì múa miễn phí. Về sau bác Chi hội Phụ nữ gửi một túi gồm một múi bưởi, 1/4 bánh dẻo. Nhưng như thế là vui rồi”, thầy Hoàng mỉm cười chia sẻ.

Cuộc sống của thầy Kim Hoàng và gia đình vẫn diễn ra như thế. Dù sức khỏe bị ảnh hưởng nặng nề, gia cảnh cơ cực nhiều khó khăn nhưng võ sư này vẫn dành trọn tình cảm cho nghiệp võ sư. Mắt không còn sáng nhưng “người hiệp sỹ mù” vẫn nhớ từng giọng nói, biết từng thói quen, hiểu từng khả năng của học trò. Và cũng vì vậy mà các môn sinh coi ông như một người cha, một người cha giàu nghị lực sống với tình yêu cháy bỏng cho Silat.

Vợ chồng đều giỏi võvo-su-kim-hoang-2

Cô Hà Tố Lan, vợ của thầy Kim Hoàng cũng là một võ sư trong quá khứ. Nếu như cô Lan chuyên về mảng biểu diễn võ thuật thì thầy Hoàng tập trung vào tự vệ cận chiến. Cả hai biết và nên duyên cũng từ sân võ. Hai người yêu nhau, hiểu nhau rồi đi dậy cùng nhau. Vì vậy, khi thầy Hoàng không còn nhìn được nữa, cô Lan không chỉ trở thành người cáng đáng gia đình mà còn là đôi mắt, tâm hồn cho thầy Hoàng truyền dạy Silat cho các môn sinh. 

Theo BongdaPlus

Có thể bạn quan tâm: Võ tự do tại TDT Games 2016 – thỏa niềm đam mê võ thuật sinh viên

[jwplayer player=”1″ mediaid=”108116″]