Cha là sư phụ, anh em là đồng môn
Khi chúng tôi tìm đến võ đường Tiên Phong (thuộc ấp 4, xã Song Trầu, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) để tìm gặp và viết về chân dung của võ sư bạch đai Trần Ngọc Châu, trước mặt chúng tôi là một còn người đạo mạo và toát lên phong thái con nhà võ. Khi biết được mục đích của chúng tôi anh mỉm cười và nói: “Tôi không muốn lên báo vì… ngại lắm!”.
Nhưng sau một lúc ngồi tâm sự với chúng tôi về cuộc đời, và ý nguyện của sư phụ Trần A Sáng trong những ngày cuối đời, chúng tôi thấy trong đó nhiệt huyết và sự khát khao vẫn đang cuồn cuộn chảy trong huyết quản của một người cháy bỏng niềm đam mê võ thuật. Từ lúc nhỏ Trần Ngọc Châu và bốn người anh em khác được cha truyền dạy võ nghệ. Võ sư Châu cho biết: “Lúc đó, tôi học võ không phải là đam mê mà vì khi đó ở huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai) dân cư còn rất thưa thớt, điều kiện để vui chơi giải trí đâu có được như bây giờ nên học võ là thú vui hiếm hoi mà tôi và các em có được”.
Võ sư Châu cho biết thêm: “Cha tôi dạy võ cho anh em chúng tôi trước hết là để truyền thụ võ công của dòng họ, mặt khác là để các con có sức khỏe để phụ giúp khai phá vùng đất mới. Bởi vậy, ông rất khắt khe với anh em tôi trong quá trình luyện tập, từ lúc trời chưa sáng ông đã bắt chúng tôi ra tập luyện, ai còn ham ngủ thì bị ông cầm roi quất cho dậy mới thôi, đứng tấn mà không vững là bị gạt chân cốc đầu hoài đó chứ. Vì vậy nên chúng tôi rất sợ và răm rắp nghe theo lời ông. Sân bãi và dụng cụ tập luyện là những cây chuối, những hố đất tự đào và một bao tải nhồi đầy cát trong đó”.
Khoảng thời gian không tập luyện thì cha con cùng nhau làm công việc khai hoang, trồng trọt. Ngày này qua tháng khác, năm anh em được cha truyền thụ hết tuyệt kỹ võ phái Thiếu Lâm Trần Gia. Sau giờ học, anh em lại cùng nhau thi thố võ nghệ và giúp nhau cùng tiến bộ. Võ sư Châu nhớ lại: “Mặc dù lúc đó đời sống cơ cực, điều kiện tập luyện không được thuận lợi như bây giờ nhưng không khí luyện tập lúc nào cũng hào hứng sôi nổi, cộng thêm sự chỉ bảo nhiệt tình của cha nên anh em chúng tôi tiến bộ nhanh chóng. Bây giờ, nhớ lại những ngày được sự truyền dạy của cha mà tôi nhớ mãi, lúc đó cứ nghĩ là cha khó khăn quá nhưng đâu biết rằng sự khắt khe đó là tác nhân rèn giũa cho anh em chúng tôi trưởng thành và có được thành tựu như ngày nay”.
Dưới sự dìu dắt tận tình của cha cùng với những tháng ngày luyện tập cùng các em, niềm đam mê đối với võ thuật thấm vào trong anh lúc nào không hay. Từ đó anh ra sức rèn luyện võ nghệ, sợ học từ cha không đủ để thỏa niềm đam mê của mình nên anh rong ruổi khắp nơi tìm thầy học đạo.
“Mỗi môn phái đều có sở trường riêng, muốn giỏi hơn người khác phải tự hoàn thiện mình. Từ lúc nhận ra được cái hay cái tốt của việc luyện võ tôi đã xác định là đi theo con đường này đến cùng không làm thì thôi đã làm thì phải làm cho tới nơi tới chốn”, võ sư Châu chia sẻ.
Hành trình tầm sư học đạo
Sau khi đã học hết những tuyệt kỹ từ cha, võ sư Châu còn học được thêm những chiêu thức còn thiếu của võ phái Thiếu Lâm Trần Gia từ người ông bà con là cố võ sư Trần A Sáng mỗi khi ông có dịp từ Bình Thuận về thăm. Có thể nói đây là người thầy có ảnh hưởng nhất đến cuộc đời anh. “Từ cố võ sư Trần A Sáng, tôi mới lĩnh hội hết những tinh túy môn võ của gia tộc mình, những lần ngồi trước tổ đường nghe những lời kể của sư phụ về thời hoàn kim cùng những võ sĩ đã tạo được tiếng tăm cho võ phái của dòng họ là trong tôi dâng lên niềm tự hào. Vì thế, những ngày hè tôi thường khăn gói về Bình Thuận để theo học với võ sư Trần A Sáng, mong sao đạt đến trình độ của những người đi trước và ước mong có một ngày làm rạng danh võ phái của mình như ý nguyện của sư phụ lúc còn sinh thời”, võ sư Châu bùi ngùi chia sẻ.
Sau khi đã lĩnh hội hết võ học những tinh hoa của võ phái Thiếu Lâm Trần Gia, võ sư Châu và ba người em Trần Ngọc Phi, Trần Ngọc Long, Trần Ngọc Giang đăng ký nhập môn võ phái Thiếu Lâm Long Phi của võ sư Đỗ Trọng Thiện ở xã La Ngà. Đến lúc này niềm đam mê võ thuật đã thấm vào máu lúc nào không hay, vì có chút năng khiếu cộng thêm niềm đam mê anh được võ sư Đỗ Trọng Thiện truyền thụ hết những tinh hoa của môn võ Thiếu Lâm Long Phi. Võ sư Châu tâm sự, trong hàng ngàn môn sinh của võ phái, anh là người đầu tiên được xuất sư và được liên đoàn Võ thuật Việt Nam cấp bằng Võ sư, khi đó thì anh mới 30 tuổi.
Mỗi khi nghe nói ở đâu có thầy hay là võ sư Châu tìm gặp để trau dồi thêm sở học của mình. Võ sư Châu chia sẻ: “Tôi có một người thầy ở La Ngà là võ sư Muay Thái, mới mất khoảng 2 tháng nay. Lúc trước nghe thằng bạn nói có ông chú là võ sư nên tôi đến tìm gặp. Sau khi gặp gỡ mình xin thầy chỉ dạy và cũng được thầy vui lòng đồng ý, nhưng vì công việc và cũng ở xa nên học được cũng không nhiều lắm, nhưng mỗi khi có dịp đi ngang La Ngà tôi đều ghé ngang để thụ giáo võ học của thầy. Ngoài võ phái Thiếu Lâm Trần Gia của dòng họ và Thiếu Lâm Phi Long của võ sư Đỗ Trọng Thiện tôi còn theo học các võ phái khác như Vovinam, Karatedo, Taekwondo, Muay Thái… Nhờ vậy tôi có điều kiện tiếp thu và học hỏi những tinh hoa của các võ phái khác để bổ khuyết cho võ phái mình”.
Sau thời gian bôn ba tầm sư học đạo khắp nơi võ sư Châu về lại quê nhà, đến khi huyện Thống Nhất tách ra thành huyện Trảng Bom và huyện Thống Nhất như ngày nay, võ sư Châu là võ sư dạy Thiếu Lâm Long Phi thuộc Chi hội Thiếu Lâm Long Phi huyện Thống Nhất. Nhưng vì kế sinh nhai anh phải tạm gác lại đam mê của mình để làm công việc kiểm sát an ninh cho một công ty. Vì nhớ nghề và cũng vì cái nghiệp đã trót mang, đến tháng 10/2013, võ sư Châu mở võ đường Tiên Phong. Mỗi khi làm xong công việc tại công ty, anh lại về võ đường để truyền dạy sở học của mình cho các đệ tử và cũng để thỏa niềm đam mê.
Võ sư Châu chia sẻ: “Tôi mở võ đường Tiên Phong không chỉ vì nhớ nghề mà còn muốn hoàn thành ý nguyện của sư phụ. Nay mình đã thực hiện được một nửa là truyền bá võ phái của gia tộc đến rộng rãi nhiều ngươi có nhu cầu học tập chứ không còn là khép kín trong nội bộ. Hai là đưa võ phái Thiếu Lâm Trần Gia gia nhập Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam, quãng thời gian còn lại của cuộc đời tôi sẽ cố gắng hết mình để không phụ lý nguyên của sư phụ Trần A Sáng trong những năm tháng cuối đời”.
Nhìn lại khoảng thời gian đã qua, võ sư Châu nói trong xúc động: “Giờ tôi đã có gia đình rồi nên không thể rày đây mai đó được nữa. Những đóng góp của tôi cho làng võ cổ truyền, được hội Võ thuật cổ truyền Việt Nam, hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Đồng Nai ghi nhận bằng những bằng khen và giải thưởng. Sự ghi nhận trên là niềm động viên lớn đối với cá nhân tôi để tôi tiếp tục đi tiếp con đường của mình”.
Người thầy tận tâm
Trong số các học trò của mình thì có đệ tử Trần Quốc Văn hiện đang là cán bộ thi hành án dân sự huyện Trảng Bom, đồng thời cũng là thành viên trong đội tuyển võ phái Thiếu Lâm Phi Long thuộc hội liên hiệp võ cổ truyền huyện Trảng Bom. Anh Trần Quốc Văn cho biết: “Thầy Trần Ngọc Châu là một người trầm tính, luôn theo sát quá trình luyện tập của học trò để uốn nắn và chỉ dạy từng đường quyền. Khi tôi còn theo học, thầy Châu được thầy tận tâm chỉ bảo, đến khi tôi mở võ đường thầy không những ủng hộ về tinh thần mà còn trực tiếp lên huyện Trảng Bom để giảng dạy một tháng để giúp đỡ”.
Theo nguoiduatin