Trong giới yêu nghệ thuật, Trần Hậu Tuấn nổi tiếng là một nhà sưu tập tranh nghiêm túc và chịu đầu tư. Nhưng ít ai biết bên cạnh niềm đam mê sưu tập nghệ thuật, Trần Hậu Tuấn còn nhiều duyên nợ với một “món” nghệ thuật khác – võ phái Vĩnh Xuân.
Không gian của tranh và võ
Trên con đường Nguyễn Trọng Tuyển, một con phố nhỏ nằm gần sân bay Tân Sơn Nhất, căn nhà của “ông chủ” Trần Hậu Tuấn là nơi các đoàn du lịch trong và ngoài nước thường ghé vào ngó nghiêng trong khi đợi chuyến bay. Đó là cả một không gian rộng lớn dành cho tranh.
Tầng 1, tầng 2, tầng 3 tràn ngập tranh: tranh của Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân… Tranh được trưng bày ở mỗi phòng, theo từng chuyên đề, thể tài, chất liệu…
Bên cạnh đó, lại có hẳn một không gian dành cho việc luyện võ. Sau cánh cổng gỗ dầy, nặng trịch, thứ đầu tiên ta bắt gặp lại là những bao cát và mộc nhân dùng để tập võ. Một khoảnh sàn rộng ngay phòng khách tầng trệt nhẵn như li như lau, dường như là nơi rất nhiều người “mãi đũng quần” qua một thời gian dài… Đó là nơi để các học trò của võ sư Trần Hậu Tuấn làm quen với võ phái Vĩnh Xuân.
Phái võ Vĩnh Xuân và thủ pháp “lắng nghe bằng cơ thể”
Ở nước ta, trong những năm giữa thế kỉ XX, võ phái Vĩnh Xuân bắt đầu hiện diện với sự xuất hiện của võ sư Tế Công, một trong những bậc thầy của môn phái này ở Trung Quốc.
Trần Hậu Tuấn được xem là “hậu duệ” thứ 2 của ông tại Việt Nam. Anh được thầy Ngô Sĩ Quý nhận làm đệ tử. Võ sư Ngô Sĩ Quý (1922-1996) là người thọ giáo trực tiếp võ sư Tế Công, cùng với các võ sư Trần Thúc Tiễn (1911-1980 ), Trần Văn Phùng (1901-1987) …những người thuộc thế hệ đầu tiên ở nước ta theo học môn phái võ này.
Võ sư Ngô Sĩ Quý nguyên là một giáo viên dạy nhạc ở trường Thiếu sinh quân cũ, nhưng bị bệnh tim bẩm sinh, vì vậy, việc theo học và luyện võ của ông cũng có điểm khá đặc biệt là ông dùng võ để chữa bệnh. Bản thân môn võ Vĩnh Xuân cũng có những đặc trưng là dạy võ không dùng sức, không thiên về vận động cơ bắp mà là sự điều chỉnh vận động, hay nói cách khác, Vĩnh Xuân là một môn phái về nghệ thuật vận động.
Theo học võ phái này từ những ngày còn trẻ, với Trần Hậu Tuấn, cơ duyên ấy cũng may mắn giống như con đường đã đưa anh đến với công việc sưu tập tranh.
Năm 1981, Trần Hậu Tuấn rời Hà Nội, nơi anh đã có những năm tháng tuổi thơ gắn bó với thầy Ngô Sĩ Quý, theo gia đình vào Nam. Tại Sài Gòn, Trần Hậu Tuấn mở lớp luyện võ. Đúng hơn, anh tìm người cùng luyện võ. Dạy cho người khác cũng là một cách để chính mình thao luyện, bởi võ Vĩnh Xuân chỉ đắc dụng trong tình thế đối kháng.
Tốt nghiệp Đại học Thể dục – Thể thao, ra trường, anh làm huấn luyện viên bóng đá cho đội bóng Công an TP Hồ Chí Minh, kiêm luôn cả huấn luyện viên võ thuật. Thời gian đó, Trần Hậu Tuấn kể, đôi khi, có những người tò mò về một võ sư mở lớp dạy võ, luyện võ không lấy tiền, đã đến tận nhà anh mời phân tranh cao thấp.
Nhưng bây giờ, thì việc dạy võ, luyện võ miễn phí của anh đã thành chuyện bình thường và được anh mở rộng. Người đến học anh, dù là người Việt Nam hay người nước ngoài, cũng đều thọ giáo được tâm ý đầu tiên của võ phái Vĩnh Xuân là võ thuật không phải để… đánh nhau mà là để đạt đến sự cân bằng trong tâm lý và thể chất.
Sự cân bằng ấy, đối với mỗi người bình thường là rất quan trọng, đối với người bệnh hoặc những người bị khuyết tật, còn quan trọng hơn rất nhiều lần. Tại trường dạy trẻ em khuyết tật Nguyễn Đình Chiểu ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trong 10 năm các em theo thầy Tuấn học những bài học đầu tiên của môn võ Vĩnh Xuân đã tạo ra trong tâm hồn và thể chất của các em sợi dây neo giữ các em với niềm tin yêu cuộc sống.
Vừa được học võ miễn phí, được thầy hỗ trợ cả vật chất lần những kĩ năng, điều kiện để có thể biến những gì được học áp dụng cho nghề massage, đã có nhiều em trở thành những người làm nghề massage giỏi, làm việc ngay tại trường.
Còn đối với Trần Hậu Tuấn, dạy võ cho các em không chỉ là niềm vui, đáp ứng những tiếng gọi nhân bản trong tâm hồn anh mà còn cho phép anh đi sâu vào những thủ pháp “lắng nghe bằng cơ thể” – vốn là bài học căn bản và cũng là tinh tuý của môn phái võ mà anh theo đuổi.
Giao tiếp bằng xúc giác chứ không phải bằng mắt vì các em là những người mù bẩm sinh, nghe bằng toàn bộ cơ thể chứ không chi bằng tai – khuyết tật của các em lại trở thành lợi thế để các em theo học môn võ Vĩnh Xuân và giúp những người theo học Vĩnh Xuân trắc nghiệm, phát huy lí thuyết điều chỉnh vận động.
Lấy võ “nuôi” tranh
Vài năm nay, mỗi năm Trần Hậu Tuấn lại qua Nga, Pháp, Anh vài lần, tham gia giảng dạy Vĩnh Xuân tại các câu lạc bộ võ thuật mà anh và các học trò người nước ngoài của anh đã lập ra. Thù lao dạy võ tại nước ngoài dành để chi phí cho niềm đam mê sưu tập tranh và cũng dành một phần để thực hiện mong muốn giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh không may ấy.
Trên bậc tam cấp của phòng khách ở không gian bảo tàng nghệ thuật mang tên Trần Hậu Tuấn với “cơ man là tranh”, mỗi buổi chiều thứ hai, thứ tư, thứ sáu, chủ nhật lại đầy những đôi dép. Có những đôi dép lê mòn vẹt của những cậu bé mù bán vé số, bán thuốc lá lẻ, có những đôi giày cỡ… Tây mới đi vừa.
Người đến xem tranh, đến để chiêm ngưỡng bảo tàng nghệ thuật tư nhân thuộc loại hàng đầu Việt Nam hiện nay; người đến để học võ, đến để nhâm nhi một ấm trà với gia chủ, đàm đạo về hội hoạ, về sự đời! Nhìn các em nhỏ ngồi bệt ở không gian phòng khách, vui vẻ ngoáy chân, duỗi tay khởi động để bước vào bài tập ngay bên cạnh những điêu khắc của Lê Công Thành, trên tường la liệt tranh của Bùi Xuân Phái, Trần Lưu Hậu… mới thấy không gian này là của nỗi đam mê và sự chia sẻ, của tình người…
Trần Hậu Tuấn cho biết, tạm thời, “lò võ” của anh vẫn nằm chung với bảo tàng nghệ thuật, nhưng trong thời gian tới, anh sẽ chuẩn bị khai trương một trường dạy võ riêng – trường võ quốc tế Vĩnh Xuân. Đó sẽ là nơi mà những bài học về nghệ thuật điều chỉnh vận động nhằm đạt tới sự cân bằng trong tâm hồn và thể chất của mỗi con người cũng như trong toàn bộ cõi nhân gian.
Sự cân bằng tối cần thiết cho hành trình đời sống sẽ được truyền đạt bởi những huấn luyện viên chuyên nghiệp, những người được đào tạo bài bản, cả đời chuyên tâm với võ phái Vĩnh Xuân, trong đó có cả những người khuyết tật đã nhờ võ Vĩnh Xuân mà mở ra cho mình một vùng ánh sáng tâm linh và vượt qua nghịch cảnh.
Nguồn: Lê Mỹ (VNN)