Võ thuật của dân tộc Miêu vô cùng cổ kính về kỹ kích trong các đại môn phái Trung Hoa.
Dân tộc Miêu – một dân tộc ít người ở miền Nam Trung Quốc , phân bố ở các tỉnh Quý Châu, Hồ Nam, Vân Nam, Tứ Xuyên, Quảng Tây, Quảng Đông, Hồ Bắc. Võ thuật của dân tộc Miêu vô cùng cổ kính về kỹ kích trong các đại môn phái Trung Hoa.
Phần 1: Dân tộc Miêu với lịch sử đẫm máu lâu đời Căn cứ vào các văn hiến còn ghi chép lại thì võ công của Miêu tộc và thủy tổ của Miêu gia là Xuy Vưu có quan hệ chặt chẽ từ trong lịch sử rất xa xưa. Võ thuật dân tộc Miêu hình thành và phát triển gắn liền với lịch sử đầy biến động của dân tộc này. |
Nhiều truyền thuyết nói đến sự hùng mạnh của Miêu tộc ở vào thời tiền sử của Trung Hoa, đưa đến chỗ xung đột không thể tránh khỏi giữa các thế lực lúc bấy giờ. Theo người Hoa thì HiênViên (Huan-yuan) sau khi thống lĩnh các thị tộc người Hoa (khoảng 2697 trước Công nguyên), liền tìm cách tiêu diệt luôn Xuy Vưu là tù trưởng của Miêu tộc để chiếm miền lưu vực Hoàng Hà mà vào khu vực Trung Nguyên của Trung Quốc. Sau khi toàn thắng, Hiên Viên lên ngôi xưng là Hoàng đế (Hoang-ti) mở đầu thời Ngũ đế, đồng thời với Họ Hồng Bàng của Việt sử nước ta.
Hẳn nhiên Hoàng đế chỉ là một nhân vật huyền thoại của người Trung Quốc, bởi cho đến nay các cuộc khảo sát vẫn không tìm ra được bằng chứng gì về triều đại này. Tuy nhiên huyền thoại này đã nói lên được sự xung đột giữa 2 dân tộc Hoa – Miêu đã xảy ra rất sớm, và từ đó cứ kéo dài mãi suốt lịch sử Trung Quốc.
Lịch sử dân tộc Miêu ghi nhận quá trình bị đánh đuổi thảm thương, đau đớn, nhưng cũng có thể coi đó như lịch sử anh hùng đấu tranh phản kháng. Từ đời Hạ, Thương trở đi (Nhà Hạ ước tính từ thế kỷ thứ 22 đến thế kỷ 11 trước Công nguyên) cho đến tận khi thành lập nước CHND Trung Hoa năm 1949, dân tộc Miêu giãy giụa không thoát nổi các ách chiến tranh “phạt, chinh, thảo, tiễu” của các bộ lạc, dân tộc mạnh hơn, kể cả giai cấp thống trị phong kiến.
Sự việc “đuổi Miêu đoạt trại” hay “đuổi Miêu đoạt cơ nghiệp” đời nào cũng xảy ra. Dân tộc Miêu thua trận lui từ Giang Bắc xuống Giang Nam, từ các đất ở sông lớn (Trường Giang), hồ lớn (hồ Động Đình, Thái Hồ) bị xua đuổi vào các núi cao, lũng sâu, cuối cùng phiêu bạt tan tác ra Tương, Kiếm, Điền, Quế, Xuyên, Ngạc, Việt (là tên gọi tắt của các tỉnh Hồ Nam, Quý Châu, Vân Nam, Quảng Tây, Tứ Xuyên, Hồ Bắc và Quảng Đông) sống chui rúc trong các rừng già, khe động để ẩn thân.
Đến giữa thế kỷ thứ 6, dân tộc Miêu đã thiết lập được một vương quốc tạm thời khá rộng ở phía tây Trung quốc kéo dài từ Hà Nam, qua Hồ Bắc, Hồ Nam xuống đến Quảng Tây, có thể lẫn lộn biên cương giữa các nước Đông Ngụy, Tây Ngụy, Bắc Chu hoặc Bắc Tề luôn thay đổi.
Họ được các thế lực tranh giành giữa Nam và Bắc triều mua chuộc, lôi kéo, nên một số danh sĩ được tiến cử vào các triều. Nhưng thời gian vui hưởng này không kéo dài được lâu vì đến khi Lý Uyên thiết lập nhà Đường (Tang: 618 – 907) sau khi dẹp nhà Tùy (Sui: 589 – 618), thì bắt đầu đánh dẹp và thu hồi đất đai đã mất vào tay các rợ (chỉ các dân tộc thiểu số), trong đó có người Miêu. Đổi lại, nhà Đường cho các vùng ấy được tự trị và phải đóng thuế cho triều đình.
Đến năm 907, Trung Hoa khi đó lại bị loạn lạc với thời kỳ Ngũ đại (Lương, Đường, Tấn, Hán, Chu) và Thập quốc (907 – 960), nhà Hậu Chu cố đánh lấy vương quốc Miêu. Đến khi nhà Tống (Sung: 960-1279) tái thống nhất Trung quốc, lại điều binh giành lại các đất vùng Hồ Bắc và Hồ Nam. Trong các cuộc giao tranh toàn bộ vương triều của dân tộc Miêu bị tiêu diệt, và đây cũng là bước ngoặc lịch sử chấm dứt thời vàng son của bộ tộc Miêu.
Truyền kỳ còn được kể lại giữa người Miêu về những ngày bi thảm đó như sau: Hang Tchu là vua của Miêu tộc lúc bấy giờ, đã già và mệt mỏi vì chiến trận, giàn quân kháng cự quân Tống. Con gái duy nhất của Hang Tchu là Ngao Shing cũng cùng xông pha trận tuyến với cha. Nàng không những xinh đẹp mà còn học được phép lạ với lá cờ thần bí, khi phất lên là bão tố kéo đến phá tan quân Tống.
Tướng nhà Tống là Tỷ Thanh (Ty Ching) cầu hòa với điều kiện là Miêu tộc phải trao lá cờ phép cho họ. Triều thần người Miêu họp bàn và sợ rằng người Hoa bày quỷ kế, nên trao một lá cờ giả. Tỷ Thanh vội dâng lá cờ cho vua Tống, nhưng khi thử với lửa thì biết là không phải lá cờ thật.
Tỷ Thanh liền bị bỏ ngục và kết án tử hình nhưng nhờ triều thần can gián cho đoái công chuộc tội. Y liền quay lại đất Hồ giả làm môi giới để cầu hôn Ngao Shing cho thái tử nhà Tống. Vua Miêu chấp thuận nhưng Ngao Shing thì nhất định cự tuyệt, liền bị vua cha bạc đãi đến chết. Nàng qua đời thì cờ phép cũng trở nên vô hiệu cho nên Tỷ Thanh mới có thể tiêu diệt được triều thần Hang Tchu của người Miêu.
Sau đó người Miêu lại phải chạy trốn vào vùng Quế Châu và Tứ Xuyên; số khác lại tẩu tán xuống Quảng Đông và Quảng Tây, trở thành những bộ lạc thiểu số. Quan cai trị người Hoa lại còn chia rẽ họ bằng cách phân nhóm và buộc họ phải ăn mặc y phục có màu khác nhau, và từ đó mà ta biết đến nhóm Miêu Đen, Trắng, Hoa, Đỏ và Xanh. Mỗi nhóm lại cử lên một tộc trưởng, một chức vụ như là tiểu vương (kiatong). Tuy vậy họ vẫn luôn tìm cách liên kết với nhau khi cần chống lại kẻ thù chung là Hoa tộc.
Để tồn tại, dân tộc Miêu rất nhiều lần khởi nghĩa chống lại sự “phạt, chinh, thảo, tiễu” của triều đình. Vì yêu cầu chiến tranh nên nhân dân Miêu rất coi trọng võ thuật. Có nhiều thời kỳ, Miêu quyền – coi như hoạt động võ trang bắt buộc của toàn dân tộc Miêu. Xưa kia dân Miêu có câu tục ngữ “Nuôi con chẳng đọc sách, cày bừa bèn là chữ/ Nuôi con chẳng học võ, suốt đời bị khinh rẻ”. Vì vậy tập luyện Miêu quyền được người dân Miêu coi như một trong những việc lớn ở đời.
Dân tộc Miêu luyện võ lâu đời nên thành tập tục, bất kể già, trẻ, gái, trai khi đến tuổi trưởng thành đều có một số hiểu biết nhất định về giao đấu, phần lớn đều luyện tập và giữ trong mình một số chiêu thức thật cứng rắn, mang tính sát thủ. Trải qua bao đời, các võ sư người Miêu không ngừng cải thiện và phát triển võ thuật Miêu gia trở thành một lưu phái độc đáo của võ thuật Trung Hoa.
Theo kienthuc.net