Võ thuật cổ truyền Việt Nam bao gồm rất nhiều môn phái, có những môn phái xuất phát từ những phái võ gốc từ Trung Hoa, có những môn phái hình thành từ sự tích hợp, dung hoà của cả võ thuật Việt Nam bản địa với võ thuật Trung Hoa, tuy nhiên vẫn có không ít những môn võ thuật còn giữ nguyên bản sắc thuần Việt, hầu như ít chịu ảnh hưởng hoặc không hề chịu ảnh hưởng, lai tạp từ các yếu tố bên ngoài, mà Võ thuật Nhất Nam là một trong những môn võ thuật như thế.
Võ thuật Nhất Nam mang đậm tính chất văn hoá dân gian, làng xã, nó tồn tại và ẩn mình trong các làng quê, dòng họ, ở đó người ta học võ không phải để tham gia thi cử và tiến thân mà học võ để rèn luyện cơ thể, để tham dự lễ hội văn hoá dân gian, để giữ đạo lý và truyền thống, để làm việc nghĩa và chống cường bạo, để bảo vệ quê hương và cao hơn nữa là để gia nhập vào nghĩa quân giải phóng đất nước khi cần thiết. Là môn võ thuật có nguồn gốc và lịch sử lâu đời, võ thuật Nhất Nam xuất phát trước hết từ đặc điểm của người Việt là tầm vóc nhỏ bé và cách sống nặng về tình mà trong thời gian dài của lịch sử lại phải thường xuyên đối đầu với người phương Bắc thể lực to khoẻ và quyết chí cao do đó khó có thể đương lực ngang bằng theo lối đối đòn và trả miếng bằng sức mạnh cơ bắp. Muốn thắng phải tìm ra thế mạnh riêng. Xuất phát từ thể chất không cứng, mạnh, võ sinh ta không thể tập theo lối cương cường mà tập trung vào luyện công và môn công để khắc chế võ Tầu, cụ thể là tập nhiều về tránh né sao cho thật thuần thục để các đòn đánh của đối phương đều không thể đến được đích rồi chọn cơ hội tấn công vào đúng điểm hở, điểm yếu của đối phương mà dứt điểm.
Tâm pháp của võ thuật Nhất Nam là: “học đạt cái tinh để chế cái nhiều, cái tĩnh để chế cái động, cái đột để phá cái ì, cái cong để chống cái cứng, cái thẳng để chống cái vòng…” tất cả đều phải đạt độ quyền biến, tới mức thần quyền”. Phương châm của võ thuật Nhất Nam là né tránh, đánh nhanh, điểm đặt đòn chính xác, đúng chỗ hiểm, có hiệu quả cao. Do đó phải luyện tập thân pháp cực kỳ mau lẹ để luôn tránh được đòn của đối phương, còn về tấn pháp tập trung vào các thế tấn thật cơ động, biến ảo cao. Để đánh điểm huyệt đối phương và chữa chạy cho mình hữu hiệu nhất võ thuật Nhất Nam nghiên cứu kỹ hệ thống các huyệt đạo trên cơ thể con người và những bài thuốc lấy từ cây cỏ và những con thú sẵn có ở địa phương.
Các võ sinh Nhất Nam được tập tinh thông quyền cước và nhiều loại vũ khí. Quyền của Nhất Nam có 32 bài cơ bản, lại thêm 42 bài bổ trợ. Xuất phát của quyền theo quan niệm: “Biến tạo của trời đất có tất cả, từ cao đến thấp, chim muông, hoa lá, vạn vật, côn trùng… theo chúng kiến tạo, thêm cái hay để bảo tồn một giống hay nhiều giống. Trên đến chí cương, dưới đến chí âm, khắc nhu, khắc cương, đấy là đạo của quyền”. Điều đó có nghĩa là: Nhất Nam với mọi vật phỏng theo muôn vật, nghiền ngẫm để rút ra cái hay, cái đẹp, cái cứng, cái dẻo, cái biến hóa của muôn vật mà chế thành quyền. Bài quyền là một chuỗi động tác, có thế công, thế thủ nhưng không chỉ là thế, là dũng mà phải là cái biến, cái khoáng đạt, tùy lúc.
Võ Nhất Nam bên cạnh những bài quyền chiến đấu, còn có những bài quyền dưỡng sinh chữa bệnh và những bài quyền nhập định nhằm tu dưỡng nhân cánh con người. Trong quyền, Nhất Nam tập đá nhiều, nhưng những đòn yểm trợ bằng tay vẫn được chủ yếu sử dụng và đạt hiệu quả cao, trong đó nổi bật lên 2 thế: tay xà và tay trảo. Tay xà là một thế mô phỏng động tác quăng, quật, luồn, cuộn của các loài trăn vốn rất phổ biến ở vùng Thanh-Nghệ, nó có độ nẩy, độ xiết, độ mở và độ uốn lượn rất linh hoạt. Tay trảo là thế đánh của bàn tay co các ngón có hình dạng như vuốt hổ, báo, vuốt chim ưng, bàn tay có thể đánh, đập, vồ, vả, cấu, xé, túm bắt như móng vuốt mãnh thú, hoặc phóng các ngón chĩa thẳng thành mũi xỉa vào các huyệt của đối phương, thể hiện lối võ lấy yếu thắng mạnh, lấy nhẹ đánh nặng. Đặc biệt các bài Ma quyền, Ảo quyền, Hoa quyền đã kết tinh những kỳ bí của võ Nhất Nam.
Về võ binh khí, võ Nhất Nam coi binh khí là phương tiện “nối” cho tay thêm dài, thêm sắc, thêm cứng, thêm dẻo và linh hoạt, nên đã từ thế thức trong các bài quyền mà sáng tạo ra những bài võ binh khí như Ma kiếm, Hoa kiếm, Vũ Chân kiếm… Nhất Nam ưa sử dụng loại gậy tre đặc hoặc gỗ cứng, nặng các cỡ khác nhau, các bài Lôi côn, Thiết côn, Vân Vũ côn gồm nhiều thế đánh khác nhau, kết hợp nhuần nhuyễn giữa công và thủ. Hiện nay, về vũ khí có 9 bài côn, 9 bài kiếm, 7 bài rìu, 3 bài chạc ba, 5 bài thương, 1 bài song nguyệt, 2 bài đoản thiên mộc, 3 bài câu liêm cán ngắn (đánh kèm với lá mộc), 1 bài đánh bằng dây lưng, đặc biệt có cả bài đánh bằng dải lụa được gọi là Nhung thuật.
Binh khí của võ Nhất Nam cũng rất đặc sắc. Côn có tới 4 cỡ với độ dài bằng cánh tay, cao ngang mày, cao 1 đầu 1 gang tay và cao một đầu một với tay. Mộc bằng gỗ ken mây, bọc nhiều lớp da sống. Hai bên thân mộc còn lắp thêm 2 cái cánh phụ để khi đánh có thể xòe ra thành một lớn hoặc có thể gấp lại để che hai phía của thân mộc. Cây chạc ba như cây chạc ba đâm cá, có thể vừa đâm vừa ngoặc. Câu câu liêm là biến tướng của cây rựa đi rừng. Kiếm có sống và lưỡi, cong từ đoạn 2/3 ra mũi. Song nguyệt như cái liềm lưỡi sắt, hai đầu nhọn hoắt, một cặp nguyệt như bốn con dao vừa đâm vừa chém. Bài nhung thuật đánh bằng dải lụa dài 1- 3 mét, đầu buộc vật nặng, cứng dùng để điểm, trói đối phương và quấn, giật vũ khí đối phương, có thể dấu kín nên dễ đánh bất ngờ.
Từ đầu thập niên 80 cho đến đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, võ sư Ngô Xuân Bính đã tạo dựng được nền tảng cơ bản và phong trào tập luyện rộng của võ thuật Nhất Nam ở trong nước, sau đó ông đã tiếp tục con đường truyền bá võ thuật của mình ở nước ngoài. Sau gần 20 năm bôn ba tạo dựng, võ thuật Nhất Nam đã được truyền bá sang CHLB Nga và một số nước vùng Bantic (thuộc Liên xô cũ), một số nước trong các quốc gia trên đã có Liên đoàn Võ thuật Nhất Nam do người bản xứ – là những học trò do chính võ sư Ngô Xuân Bính trực tiếp truyền dạy – đứng ra tổ chức và lãnh đạo, một số nơi khác tuy rằng chưa có tổ chức chính thức nhưng cũng đã có mặt môn võ thuật Nhất Nam do sinh viên, học sinh trong nước đi du học mang theo (như Pháp và Úc). Võ thuật Nhất Nam đã được bạn bè quốc tế biết đến, đón nhận và trân trọng. Ở trong nước những môn sinh do ông trực tiếp truyền dạy cách đây hơn 20 năm, giờ đã nhiều người trưởng thành, thành danh trong cuộc sống và sự nghiệp cũng như trong võ thuật, hiện đang sát cánh cùng ông xây dựng Liên đoàn Võ thuật Nhất Nam Việt Nam nhằm khôi phục, bảo tồn và phát triển môn võ này như là một di sản văn hoá quý giá của dân tộc.
Ngày 19/05/2009 Bộ Văn Hoá – Thể Thao và Du lịch đã ra Quyết định số 1850/QĐ – BVHTTDL thành lập Ban Vận động thành lập Liên đoàn Võ thuật Nhất Nam Việt Nam nhằm mục đích tạo điều kiện cho võ thuật Nhất Nam có thể phát triển nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa ở trong nước để làm tiền đề mau chóng mang võ thuật Việt Nam giới thiệu ra thế giới. Mong rằng môn võ thuật này sẽ được thanh, thiếu niên Việt nam nhiệt tình tham gia học tập và rèn luyện để phát triển thể chất, cổ xuý văn hoá và lòng tự hào dân tộc. Mong rằng các nhà sử học, các nhà dân tộc học, các đồng chí lãnh đạo trong ngành Thể dục – Thể thao, Giáo dục, Y tế và các đồng chí Quản lý nhà nước có sự lưu tâm nghiên cứu, ủng hộ và giúp đỡ để môn võ thuật này có điều kiện ngày càng phát triển, vì đó cũng chính là cách mà chúng ta khôi phục, bảo tồn một trong những di sản văn hoá quý báu của tổ tiên, cha ông chúng ta một cách thiết thực nhất. Và có lẽ sự có mặt của những võ sĩ Nhất Nam và những màn trình diễn võ thuật đặc dị của võ sinh Nhất Nam trong những tiết mục của Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long sắp tới sẽ mang lại hiệu quả cao cho không khí lễ hội, tái hiện được sự hào hùng của lịch sử đấu tranh của dân tộc và sẽ để lại ấn tượng khó quên cho nhân dân và bạn bè, du khách quốc tế.
(Theo Tạp chí Thế giới Di sản)