Võ thuật Nhật trong binh thư cổ truyền (kì 2)

Người Nhật xưa với tầm vóc khiêm tốn của mình nhưng có thể ngang dọc khắp thiên hạ, đánh chiếm khắp châu Á… Và rất nhiều môn võ đạo đã trở nên phổ thông trên toàn thế giới như Karatedo, Judo…Vậy chắc rằng người nhật có một triết lý võ học sâu sắc từ xa xưa.

>>>Võ thuật Nhật trong binh thư cổ truyền (kì 1)<<<

340

Sau đây là phần áp dụng Thủy thư vào chiến đấu của võ thuật:

1. Tâm thân hợp nhất

Trong chiến đấu, tâm thân phải hợp lại thành một khối duy nhất, không do dự, sợ hải. Khi tấn công, phải dứt khoát với một quan niệm duy nhất – hạ gục đối thủ. Một người nhỏ con có thể đánh bại một kẻ bự con hơn hay hạ nhiều người cùng một lúc, nếu như người đó hiểu rõ thực lực giữa ta và địch. Không nên khinh thường đối thủ, cũng như không nên khiếp sợ địch thủ. Lúc chiến đấu, thần khí phải vững vàng, chiến đấu hết lòng, tận sức. Đòn thế khi được tung ra phải hợp nhất với tâm ý, phải nhanh và thẳng, không do dự, suy tư, nếu không đòn phát ra sẽ không hữu hiệu và kẻ bại lại chính là ta. Phải khổ luyện kỹ thuật, đòn thế, phải tập thiền định cho được nhất tâm, tập tới mức ta và địch là một. Có được như thế, thì địch muốn ra chiêu gì thì ta cũng biết cách để hóa giải và phản công.

2. Thân pháp bộ pháp

Thân pháp phải thư giãn, trầm tỉnh. Tập trung vào mục đích đánh trúng địch thủ. Mắt phải tinh, thần phải ổn, thả lỏng vai lưng, chân tấn vững vàng, tiến lui linh hoạt, đòn phát ra phải nhanh, mạnh và trúng đích. Bàn chân chuyên chở sức nặng của cơ thể và sức nặng của cơ thể dồn trên đôi bàn chân. Phải giữ cân bằng, đi ra đi, chạy ra chạy, nhảy ra nhảy, không thừa không thiếu. Phải tập tiến lùi, tránh né thật thuần thục, chỉ cần sai một bước chân là mất trọng tâm và sẽ lãnh đòn. Cần tập luyện sử dụng được cả hai bên phải và trái, tấn công cũng như phòng thủ, không nên chỉ tập chết một bên trái hoặc phải.

3. Năm phương vị để tấn công

Chỉ có năm phương vị duy nhất để tấn công. Đó là trên, dưới, giữa, trái và phải. Bất kể địch thủ đứng đối diện hay xoay lưng, hoặc đứng một bên cũng vậy. Các đòn tấn công hữu hiệu nhất là các đòn đi theo đường thẳng, nhưng cũng không nên bỏ qua các đòn tấn công theo hình vòng cung. Nên nhớ, khi địch thủ tấn công trực diện thì ta tránh sang bên, khi địch thủ tấn công bằng đòn cong thì ta nhập nội theo đường thẳng.

4. Nhìn thẳng địch thủ

Phải nhìn như thấu suốt tâm can của địch thủ, nhìn vào mắt, vai của địch thủ để phán đoán đòn thế của đối phương. Thần của ta phát ra từ hai con mắt. Thần mạnh có thể làm cho địch thủ phải khiếp sợ, khủng bố, làm địch thủ phải nao núng bằng tiếng hét và ánh mắt. Mắt nhìn bao quát tất cả sáu phương: trên, dưới, xa, gần, trái, phải, không bỏ qua một chi tiết, một cử động nhỏ. Địch thủ chỉ cần nhích động một tí là ta biết ngay và phản ứng kịp thời.

5. Không nghĩ không tưởng

Không phải chờ địch thủ mở màn trận đấu. Địch thủ muốn xuất chiêu, ta liền ra chiêu trước. Phải nhanh hơn, chuẩn xác hơn và hiệu quả hơn. Giữ tâm cho thanh thản, tay chân linh hoạt, tự động phát đòn. Cắt bỏ các ý nghĩ mình sẽ thua, sợ đau, địch mạnh, ta yếu, hay phải ra chiêu này, phải đánh thế kia. Tự tâm lưu xuất, vô chiêu thắng hữu chiêu, chỉ quan tâm một điều duy nhất – chiến thắng địch thủ. Không tấn công nữa vời, đòn này nối tiếp đòn kia, bám dính địch thủ như keo với sơn, chỉ dừng lại khi thực hiện được mục đích – địch thủ đã bị đánh gục.

Trần Tâm (sưu tầm)