Võ Thuật Thiếu Lâm Tự

3cc0b3a24eaa4a7285f688a234e0b867

I- NGUỒN GỐC :

Theo truyền thuyết, vào thời thượng cổ tại Ấn Độ, phần đông, dân bản xứ và các tu sĩ rất hâm mộ luyện tập môn võ tay, được gọi là “Cửu Long”. Mãi đến thời Phật lịch, trên đường du hành truyền bá Phật pháp, các thiền sư Ấn Độ, ngoài đức tin và đạo hạnh, còn cần đến một bản lãnh võ công, để tự vệ và vượt qua những chướng ngại nơi rừng núi, sông biển, đầy gian hiểm, với thú dữ, cường sơn đạo tặc.  Từ đó, hình ảnh võ thuật được xuất hiện nơi chốn thiền môn (Theo tài liệu giảng huấn của Thiện Tâm Thiền Sư, Sáng Tổ Võ Lâm Đạo Việt Nam 1930).

Vào năm 520, Bồ Đề Đạt Ma, Tổ Sư thứ 28 của Thiền Tông Ấn Độ, đến Trung Hoa, rồi dừng chân nơi cổ tự Thiếu Lâm, núi Tung Sơn, huyện Đăng Phong, tỉnh Hồ Nam. Sau chín (9) năm “Diện Bích Tham Thiền”, nơi đây, ngài đã khai sáng cho Trung Hoa hai nền quốc kỹ tuyệt học, và hình ảnh kỳ tài của ngài được suy tôn bất diệt, như một sáng tổ của thiền tông Trung Hoa và võ thuật Thiếu Lâm Tự.

Chính nhờ vào phép tham thiền “Diện Bích”, một kỹ thuật “Quán Tâm Trong Tĩnh Lặng” hay “Mặc Chiếu”, Tổ Sư đã giác ngộ, cảm nhận được cái sức mạnh siêu linh của tâm hồn, nằm tiềm tàng trong cơ thể con người.  Cái sức mạnh siêu linh, vĩ đại nầy, nếu người ta biết cách khổ luyện, để tập trung thức tỉnh nó, nó sẽ trở thành một lợi khí dũng mạnh, bén nhạy nhất, và hữu dụng vô cùng tận, trong võ thuật thượng thừa.

Do đó, Bồ Đề Đạt Ma đã sáng tác ra môn “Tẩy Tủy”, một đại pháp môn nội dẫn, được áp dụng vào võ học siêu đẳng.  Về sau, người ta gọi là “Nội Công Tâm Pháp”, một phương pháp tu luyện để phát huy nội lực, qua ba giai đoạn chính yếu: Điều Thân, Điều Tức, và Điều Tâm.

Cũng như, qua hình ảnh mệt mỏi của các môn đồ, không đủ sức chịu đựng, trong những buổi tập thiền định, đầy gió lạnh của mùa đông băng tuyết, Đạt Ma sáng chế ra môn “Dịch Cân “, một pháp môn ngoại dẫn được áp dụng vào võ học trung đẳng, gồm có mười hai (12) phép tập luyện thân thể, nhằm phát huy sức mạnh gân thịt, và đả thông kinh mạch để đưa khí huyết sung mãn, từ ngoài vào bên trong các tạng phủ. Do đó, môn “Dịch Cân” ngoài hiệu quả cường tráng thân thể, nó còn giúp tiêu trừ các chứng bệnh bên trong cơ thể.

 Ngoài ra, Bồ Đề Đạt Ma còn truyền dạy cho tất cả môn đồ các cấp về “Thập Bát LA Hán Môn”, gồm có mười tám (18) động tác căn bản về quyền cước, để khỏe mạnh tay chân và tự vệ.  Sau đây, tác giả Quảng Từ Lão Ni đã đề cập đến Bồ Đề Đạt Ma, trong pho sách “Võ Thuật Tùng Thư “ như sau :

“ . . . Vào một sáng tinh sương, mùa đông lạnh lẽo, toàn ngôi chùa Thiếu Lâm Tự chìm đắm trong sương mù âm u của núi rừng Tung Sơn. Từ trong tịnh thất, Đạt Ma bừng tỉnh cơn thiền, trong tiếng động mạnh của cánh cửa sổ, bị gió thổi đập mạnh vào tường.  Ngài bước nhanh qua thiền viện, thiền đường vắng lạnh trong không khí yên tĩnh siêu nhiên. Gần ba chục (30) môn đồ ngồi bất động, như ba chục pho tượng nhập định, trong tư  thế “Kiết già phụ tọa”.

Tổ sư quan sát toàn diện khung cảnh, mỗi người tuy phảng phất vẻ tịnh tu, nhưng gương mặt hôm nay sao biểu lộ cố gắng cùng cực, không có được sự bất động vô tâm, như bao ngày trước .  Từng cơn gió lướt qua,  nhiều người phải nghiến chặt răng, tay bắt ấn quyết liệt, trong cử chỉ kềm chế tối đa.  Trời rét lạnh như băng giá, máu dồn lên đầu, gương mặt các môn đồ đều đỏ lên, khắc khổ.

Tổ sư chợt hiểu, vì không đủ nội lực phấn đấu, với khí hậu, tiết trời bất thường của  mùa đông, đầy sơn lâm chướng khí. Nên tất cả đều đang ở trong tình trạng khẩn trương, có thể dẫn đến nội thương, tổn hại nguyên khí, làm cản trở bước đường tu tập.

Tổ sư tự nghĩ : Ngài phải có trách nhiệm và  hành động. Sau đó, mỗi ngày trong chương trình tu học đều có giờ tập luyện “ Thập Bát La Hán Thủ” và “Dịch Cân”, do chính tổ sư giảng dạy. . .”

Thời kỳ sơ khởi của võ thuật Thiếu Lâm bắt nguồn từ đó.  Sau khi Bồ Đề Đạt Ma qua đời, các môn đồ Thiếu Lâm dựa vào mười tám (18) động tác căn bản của “Thập Bát La Hán Thủ” và mười hai (12) phép tập vận động của “Dịch Cân “ để khai triển thêm nhiều thế căn bản và đường quyền thế võ tự vệ.

Mãi đến triều đại nhà Nguyên (1260 – 1368), Giác Viễn Thiền Sư, tuổi năm mươi (50), trước khi gia nhập Thiếu Lâm Tự, nguyên là một thanh niên khỏe mạnh, giỏi võ nghệ, thuộc gia đình giàu có, là người đầu tiên góp công lớn,  trong việc khai triển “Thập Bát La Hán Thủ” của Đạt Ma trở thành “Thất Thập Nhị Quyền Công”, một hệ thống quyền cước với bảy mươi hai (72) thế căn bản, mang nặng đặc tính truyền thống Thiếu Lâm : “Cương làm chủ, nhưng trong Cương có Nhu, Cương Nhu tương hợp”.

Sau đó, Giác Viễn Thiền Sư còn xuống núi hành hiệp, và kết giao với nhiều danh sư để thử nghiệm ưu khuyết điểm của “Thất Thập Nhị Quyền Công”.

Một hôm, tại Cam Túc, Giác Viễn được kết giao với Lý Tẩu, võ sư tuổi ngoài sáu mươi được sự kính phục của người đương thời. Trong tình kết giao tâm đầu ý hiệp nầy, Lý Tẩu giới thiệu Giác Viễn với một người bạn thân là Bạch Ngọc Phong, tuổi năm mươi (50) ngoài kiến thức uyên bác, thông minh trí tuệ, còn có tài năng võ thuật  nổi danh vô địch ba (3) tỉnh Sơn Tây, Hồ Nam, và Hồ Bắc. Ba người bạn gặp gỡ, tâm đầu ý hiệp,  sau đó, cùng nhau  vào chùa Thiếu Lâm nghiên cứu võ học.

Sau cùng, ba người đã cùng nhau sáng chế thêm bộ “Linh Thú Ngủ Quyền”: như Long, Hổ, Báo, Xà, Hạc, với sự chỉ đạo của Bạch Ngọc Phong, trong tinh thần “Cường Thân Mẫn Trí “  nhằm trau dồi năm yếu tố căn bản “Kình, Cốt, Tinh, Khí, Thần “ : Kình tức là sức mạnh cơ bắp,  Cốt tức là sức mạnh gân xương, và Tinh, Khí, Thần là những yếu tố được nhận thức bằng ý niệm .  Tất cả đã tạo nên một nền tảng sơ khởi cho võ thuật Thiếu Lâm Tự được truyền bá rộng rãi từ xưa đến nay.

Thieu_lam_tu

II- KỶ  THUẬT  HUẤN  LUYỆN :

Võ thuật Thiếu Lâm Tự được người Trung Hoa xem là “Ngoại Gia Quyền”, vì được du nhập từ nước ngoài (Ấn Độ) vào, do Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma sáng chế, tại chốn thiền môn, nhằm để tăng cường sức khỏe thân tâm, và tự vệ.  Ngoài việc tập luyện võ thuật, môn sinh còn phải tuân hành mười điều tâm niệm sau đây :

         1- Phải chuyên cần tập luyện võ thuật.

         2- Chỉ được dùng đến võ thuật trong trường hợp phải tự vệ.

         3- Phải giữ lịch sự, và kính nhường với những bậc thầy và cao niên.

         4- Phải đối xử tử tế, và có lòng thành tín với các đồng bạn.

         5- Không nên tự ý khoe khoang võ thuật trước mặt mọi người, và không được nhận lời thách đấu của bất cứ ai.

         6- Không bao giờ gây chiến trước.

         7- Không làm việc tà dâm.

         8- Không nên dùng rượu và thịt.

         9- Không nên có những tánh : công kích, gian tham, và tự phụ.

       10- Chỉ dạy võ thuật cho nhũng người có đức tính tốt.

kun-fu-shaolin

Về kỹ thuật huấn luyện, tổng quát gồm có bốn (4) bộ môn căn bản : Quyền Cước, Binh Khí, Nội Ngoại Thần Công, và Huyệt Đạo Kinh Mạch.  Trước tiên, bộ môn quyền cước được xem là nền tảng sơ khởi, trong việc huấn luyện võ thuật.  Sau đó, môn sinh mới được lần lượt học tập đến các bộ môn khác như :

 Binh khí (Côn, Thương, Kích, Đao, Kiếm,…).

Môn Nội Ngoại Thần Công gồm các bí quyết tập luyện công phu như : Khí Công nội dẫn và ngoại dẫn, ngoại công như ngạnh công và nhuyễn công gồm có: các phương pháp công phu luyện về sức mạnh các ngón tay (chỉ công) như Nhất Chỉ Thiền, Long Trảo Công, Ngọa Hổ Công, luyện lực ở cạnh và lòng bàn tay (Chưởng Công) : Thiết Sa Chưởng, Thôi Sơn Chưởng, Trúc Diệp Chưởng, luyện về khinh công và phi hành, luyện về Thiết Quyền và Thiết Tý, luyện về Thiết Cước và Thiên Cân Trụy,  luyện về những Công Phu Đặc Dị Mình Đồng Da Sắt.

Môn Huyệt Đạo và Kinh Mạch gồm các phương pháp điểm và giải huyệt bí truyền áp dụng vào chiến đấu đả thương, và cứu tử hoàn sinh.

Tất cả đều được truyền dạy lần lượt từ dễ đến khó, từ cấp bậc thấp lên dần cấp bậc cao hơn.

Về bộ môn quyền cước, khởi đầu từ cách tập đứng các thế tấn căn bản, đến di chuyển từ bước một (Bộ Tấn Pháp), đến tập các đòn thế căn bản đánh đỡ về tay (Thủ Pháp), và các thế đá căn bản hướng tới trước, phía sau, một bên phải hoặc trái (Cước Pháp).  Dần dần, tập luyện các bài quyền, áp dụng từ đơn luyện đến song luyện.

 Môn Cầm Nã Thủ Pháp là môn học cận chiến, dùng các phương pháp để bắt bẻ, khóa tay chân, hoặc vật ngã đối phương. Càng học lên cấp bậc cao, kỹ thuật huấn luyện càng chứa nhiều đòn thế phức tạp, đòi hỏi người môn sinh phải có lòng kiên nhẫn và khó nhọc.

 Tóm lại, võ thuật Thiếu Lâm Tự mang những đặc tính căn bản như : Công, Thủ. Phản, Biến, Nhu, Cương , Khí, Lực.

 Về hình thức, quyền pháp di chuyển thường theo một đường thẳng : tới lui, lên xuống, trước sau, trái phải.  Di chuyển căn bản theo bốn phương, tám hướng, với thân hình biến chuyển, có lúc vững chắc như núi Thái Sơn, có lúc mềm dẻo linh động, nhanh nhẹn dũng mạnh như cuồng phong vũ bão.

Tất cả đều được phối hợp trong các tư thế: đi, đứng, nằm, ngồi, chạy, nhảy, lăn, nhào. Các đòn thế công hay thủ phải được rõ ràng, dứt khoát, thực dụng, sức mạnh là yếu tố chính yếu, tính uyển chuyển là phụ thuộc.

Trong các động tác không được rườm rà, không khoa trương huê dạng, để tránh phí sức lực. Các thế tấn công thường nhắm vào các nhược điểm trên cơ thể của đối thủ.

Về sự huấn luyện “Linh Thú Ngủ Quyền” được quan niệm : Đặc tính và bộ pháp chiến đấu của năm loài thú như Long, Hổ, Báo, Xà, Hạc,  lần lượt được tượng trưng cho sự  huấn luyện về tinh thần,  bộ xương, sức mạnh, hơi thở, và gân thịt.

Năm yếu tố nầy cần được phối hợp lại thành một đồng nhất thể.  Cũng như, sự kết hợp cần phải có giữa cứng và mềm (Cương Nhu), trong và ngoài (Nội Ngoại), thể chất và tinh thần (Thân Tâm).

Do đó, việc huấn luyện  “Linh Thú Ngũ Quyền” đòi hỏi một sự cố gắng và kiên nhẫn cao độ, nhằm đạt đến sự ích lợi tối đa, cho cơ thể của người tập luyện có những đặc tính chính yếu sau đây :

-Thân Pháp phải được vững chắc và linh động. -Tâm Pháp phải giữ được bình tĩnh.  -Khí Pháp phải điều hòa hơi thở. -Nhãn Pháp phải được tinh tường, trong sáng, để quan sát rõ ràng cuộc chiến. -Quyền Cước Pháp phóng ra khéo léo, dũng mãnh và nhanh nhẹn. -Đấu Pháp phải biết dùng đến mưu trí trong mỗi tình thế, và nhận định đúng thời điểm, để áp dụng phù hợp các đòn thế : Công, Thủ, Phản, Biến, Nhu, Cương, Khí, Lực.

Tất cả là những yếu tố cần thiết trong việc huấn luyện, để giúp cho môn sinh Thiếu Lâm đạt được tính chất “Cường Thân Mẫn Trí” và luôn luôn giữ được thế thượng phong, thủ thắng trong trận đấu.

-Giáo Sư VŨ ĐỨC