Võ thuật và những bài học lãnh đạo

Không nhất thiết phải có sức mạnh thể chất của võ thuật để trở thành một nhà lãnh đạo. Những điểm yếu và mạnh của bạn hoàn toàn có thể được khai thác để mang lại lợi ích cho người khác và cho tổ chức mà bạn đang dẫn dắt. Để làm được điều này, bạn hãy xem sự khác biệt giữa Judo và Karate.

5

Khi nghĩ về ý tưởng sử dụng võ thuật làm ví dụ cho các bài học về lãnh đạo, tôi đã rất băn khoăn khi tìm kiếm những ví dụ đại diện. Cuối cùng, tôi đã chọn JudoKarate – hai môn võ hết sức quen thuộc, nhưng lại đại diện cho hai thái cực tính chất trái ngược nhau. Judo nhấn mạnh đến việc khai thác sức mạnh của đối thủ, biến thành sức mạnh của bạn. Karate là phương thức tấn công khi chiến binh không còn binh khí gì trong tay trên chiến trường. Karate dựa vào chính sức mạnh của bạn để loại bỏ đối thủ.

Karate dựa vào nguyên lý tấn công về phía trước, Judo lại dựa vào sức mạnh của đối thủ của bạn khi bạn lùi về đằng sau. Những nhà lãnh đạo kiểu Karate sẽ đấm thẳng vào khó khăn. Những lãnh đạo kiểu Judo sẽ để cho khó khăn đến với họ.

Mọi lãnh đạo đều cần phải biết lúc nào cần lãnh đạo với sức mạnh, và lúc nào cần sử dụng điểm yếu để đạt được lợi ích lớn nhất. Không phải tất cả vấn đề đều có thể được giải quyết chỉ với một phương thức này hay phương thức khác. Là một nhà lãnh đạo, bạn cần phải xác định xem mỗi phương thức sẽ thích ứng với nhu cầu và tính cách của bạn như thế nào.

Hợp tác

Hợp tác là rất quan trọng đối với bất kì một tổ chức nào. Tại một nơi có tinh thần hợp tác, khi một nhà có chuyện, các nhà hàng xóm sẽ ngay lập tức đến giúp đỡ. Các nhà lãnh đạo cần phải làm cho nhân viên của mình biết hợp tác, và điều này có thể đạt được thông qua nhiều cách.

Hợp tác kiểu Karate

Nếu bạn có năng khiếu hợp tác với người khác và đó là một trong những điểm mạnh nhất của bạn, bạn sẽ có thể có kỹ năng bán hàng tốt. Bạn tự tin và không ngần ngại yêu cầu người khác giúp đỡ bạn. Bạn suy nghĩ ngắn gọn, là một nhà ngoại giao bẩm sinh, người có thể nói về tầm nhìn và mục tiêu của tổ chức theo cách trực tiếp nhất. Bạn cho người nghe cảm giác dễ chịu khi nói chuyện với họ, và bạn tự tin khi có được cảm giác sẽ chiếm được lòng tin của mọi người.

Bạn là người đầu tiên ghi lại các mục tiêu của tổ chức lên giấy, người đầu tiên tổ chức một cuộc tranh luận, và là người đầu tiên đứng lên nhận trách nhiệm. Nếu bạn là một chiến binh trong Thế chiến thứ nhất, có thể bạn sẽ là người đầu tiên xông ra khỏi chiến hào, lao về phía trước và hô xung phong.

Hợp tác kiểu Judo

Bạn là người xây dựng sự đồng thuận một cách thầm lặng. Bạn hỏi ý kiến của người khác và giữ im lặng về ý kiến của mình. Bạn thu thập thông tin và trí tuệ và sắp xếp chúng lại với nhau một cách cẩn thận. Chỉ khi đó bạn mới nói lên ý kiến của mình, dựa nhiều vào các sự kiện hơn là một sức hút hướng về tầm nhìn.

Mọi người tin tưởng bạn vì họ biết rằng bạn sẽ không dẫn họ đi vào một bẫy mìn, và bạn sẽ tiến về phía trước một cách thận trọng, đảm bảo rằng đoạn đường sẽ không có gì nguy hiểm phía trước. Trong hoàn cảnh này, bạn giống như một trung đội trưởng cùng đơn vị của mình ở trong rừng, một tay cầm bản đồ, một tay cầm radio, mắt luôn hướng về những bụi rậm nguy hiểm phía trước. Khi có một mạch nước ngầm từ dưới đất bất ngờ phun lên, bạn đã có sự chuẩn bị. Những người của bạn đã được triển khai để đương đầu với gần như bất kì sự đe dọa nào, vì bạn đã dành rất nhiều thời gian dạy họ cách phản ứng và chuẩn bị tư tưởng cho họ biết rằng không có gì là bất ngờ, chỉ có những điều không được nghĩ đến mà thôi.

Lắng nghe

Nếu bạn không coi lắng nghe là một kỹ năng quan trọng, bạn sẽ không bao giờ trở thành một nhà lãnh đạo. Hãy nhớ: lắng nghe cung cấp những cảnh báo về vấn đề ở mọi cấp độ, và giúp nhà lãnh đạo hành động hiệu quả hơn trong việc xác định khả năng của các mục tiêu và nhiệm vụ. Nhưng bạn lắng nghe như thế nào cũng quan trọng như việc bạn nghe được điều gì.

Lắng nghe kiểu Karate

Những người nghe kiểu Karate sẽ nói: “Nói cho tôi biết. Tôi muốn biết” và họ chủ động kiếm tìm thông tin trước khi thông tin tìm đến họ. Những người dạng này sẽ tạo ra những người trong tổ chức đảm bảo rằng họ sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin. Tuy nhiên, họ cũng đi ra ngòai và tìm kiếm thêm thông tin để bảo đảm rằng họ có được đầy đủ thông tin, kể cả những việc đã bị một “bộ lọc” ngăn lại vì cho rằng nhà lãnh đạo của họ không muốn nghe.

Lắng nghe kiểu Judo

Những nhà lãnh đạo lắng nghe kiểu Judo sẽ đi xung quanh, thu nhận những lá thư, email mà các thành viên trong tổ chức trao đổi với nhau để đánh giá tình hình và nhân viên trong tổ chức. Nếu bạn không phải là một người lắng nghe giỏi, bạn cần phải xây dựng một tổ chức cung cấp thông tin cho mình.

Làm thế nào? Hãy bắt đầu bằng việc xây dựng những “trạm” thông tin trong tổ chức của bạn, đặc biệt tại các điểm khi tổ chức của bạn phải giao tiếp với bên ngòai. Nếu bạn đang điều hành một doanh nghiệp, bạn phải có các trạm tại từng điểm liên hệ khách hàng.

Sau khi mọi trạm thông tin đều đã hoạt động tốt, hãy lôi cuốn mọi thành viên trong công ty tham gia. Thường thì sẽ có người không nói với bạn, nhà lãnh đạo, rằng đang có chuyện rắc rối, nhưng anh ta sẽ nói với đồng nghiệp của mình. Người đồng nghiệp đó phải được khuyến khích để nói lại thông tin cho bạn vì nhiệm vụ chung và mục tiêu chung của cả công ty.

Đặt người khác lên trên bản thân

Những nhà lãnh đạo hiệu quả luôn đòi hỏi bản thân sự vị tha, đặt nhu cầu của tổ chức lên trên nhu cầu của bản thân. Những lãnh đạo tập trung vào đặc quyền đặc lợi thường không tồn tại được lâu dài, trong khi những lãnh đạo nhìn thấy nhu cầu của tổ chức sẽ trải qua được cả trong cơn hoạn nạn.

Vị tha kiểu Karate

Những lãnh đạo kiểu Karate sẽ là người chủ của bữa tiệc, người sẽ bưng khay đồ ăn tới mời từng vị khách mới. Ông ta sẽ chủ động giới thiệu những người lạ với nhau, vì nếu họ đã đến dự tiệc của ông thì họ sẽ đều là bạn của nhau.

Vị tha kiểu Judo

Những nhà lãnh đạo kiểu Judo sẽ hỏi: “Tôi có giúp gì được không? Tôi có thể làm gì để bạn thấy dễ chịu hơn?” Điều đó có nghĩa là nếu đội của bạn làm việc qua đêm, bạn sẽ rời khỏi văn phòng lúc ba giờ sáng để mang về những chiếc bánh pizza. Bạn là “chất keo” gắn kết mọi người lại với nhau.

Do vậy, hãy nhớ rằng, không phải ai cũng có những kỹ năng lãnh đạo giống nhau hay thậm chí là những kỹ năng cơ bản phải có trong cùng một hoàn cảnh. Nhưng sự khác biệt đó không quan trọng. Nếu bạn đã được lựa chọn để dẫn đầu, bạn phải xác định được làm thế nào vượt qua được các điểm yếu trong các công cụ lãnh đạo của bạn và chuyển chúng thành điểm mạnh.

Võ thuật không phải là một công cụ đa năng để ta có thể áp dụng nó vào mọi khía cạnh đời sống. Tuy nhiên, đại diện cho những nguyên lý cao siêu của võ thuật là những điểm tương đồng trong phép ứng xử mà ta có thể nhìn thấy, cảm nhận hằng ngày.

Phạm Vũ