Võ thuật và thư pháp, một bên là võ một bên là văn, tưởng chừng là không có mối quan hệ nào tồn tại giữa chúng nhưng thực sự võ thuật và thư pháp có một mối quan hệ mật thiết giống như hai anh em vậy.
Võ thuật là một môn nghệ thuật, là nghệ thuật của sự kết hợp hài hòa giữa trí lực và thể lực, là sự hòa hợp giữa con người và tự nhiên. Ngôi sao võ thuật Lý Tiểu Long cho biết: Công Phu là một nghệ thuật tinh tế, chứ không đơn thuần chỉ là những động tác của cơ thể.
Lúc trước người ta thường được gọi là võ nghệ nhưng ngày nay đa phần đều gọi là võ thuật vì trên thực tế “võ” chính là một nghệ thuật. Nó có lịch sử khá lâu đời. Nó bao la, thâm thúy, có nguồn gốc sâu xa và được lưu truyền lâu dài, là một viên minh châu rực rỡ của dân tộc Trung Hoa.
Lúc đầu, để sinh tồn người Trung Hoa dùng vũ lực để săn bắn, sau đó phát triển dần dần thành võ thuật nghệ thuật như ngày nay. Bên cạnh đó để ghi chép lại những thứ cần thiết trong cuộc sống, họ bắt đầu giao lưu, sáng tạo ra văn tự, và cách viết văn tự. Theo đó nghệ thuật thư pháp cũng dần dần phát triển.
Nếu võ thuật là viên minh châu của phương Đông thì thư pháp lại là một nghệ thuật thuần túy của đất nước Trung Hoa. Thư pháp và võ thuật cùng lúc đã xây dựng được cả nghệ thuật không gian và nghệ thuật tạo hình. Giữa thư pháp và võ thuật có khá nhiều điểm chung, cả về nhu cầu tồn tại, dòng chảy trong quá trình phát triển, cả về những tiêu chí trong quá trình luyện tập, và chung một mục đích đó là chăm bẳm và nuôi dưỡng cái bản chất tốt đẹp trong mỗi con người.
Những quy tắc chung trong biểu hiện của cả võ thuật lẫn thư pháp đó chính là sự biến hóa khôn lường, ngang dọc đan chéo nhau, ảnh hưởng, tác động, kiền chế lẫn nhau, đồng thời thúc đẩy nhau phát triển để cấu thành một trụ cột văn hóa của dân tộc Trung Hoa.
Võ thuật gia vĩ đại Lý tiểu Long cho biết: Nguyên lí cốt lõi của võ thuật chính là “Đạo”. Và trên thực tế, “Đạo” cũng chính là nguyên lí cốt lõi của thư pháp. Cơ sở lý luận của võ thuật và thư pháp đều bắt đầu từ học thuyết Ngũ Hành về sự đối lập và thống nhất giữa âm- dương, động -tĩnh của Đạo gia.
Đặc biệt, Thái Cực quyền sử dụng tư tưởng lý luận của Đạo gia để hình thành một trạng thái mà toàn thân là một thể thống nhất trong đó âm dương tương sinh, động tĩnh đan xen nhau, hư thật hòa lẫn vào nhau, trong ngoài tương hợp, trên dưới tương thông, nhanh chậm nhường nhau, cứng mềm hỗ trợ nhau. Trong võ thuật và thư pháp các khái niệm hoàn toàn đối lập nhau như âm dương, động tĩnh, nặng nhẹ, nhanh chậm…..lại có sự hòa quyện, thống nhất với nhau một cách chặt chẽ.
Cả hai đều lấy quan niệm tự nhiên và con người là một chỉnh thể để hướng dẫn những người học thư pháp và võ thuật. Người Mỹ cho rằng Thái cực quyền là thuật tự vệ do Trung Quốc cổ đại truyền lại, là một trạng thái trầm tư, tĩnh lặng trong lúc cả cơ thể đều chuyển động. Và thư pháp cũng mang lại cho ngưới học một trạng thái như thế.
Những người tìm đến với thư pháp và võ thuật bao giờ cũng muốn cải thiện được thần thái và khí vận. Đối với con người quan trọng nhất là hai đặc điểm này, bởi họ cho rằng khi thần thái và khí vận bên trong con người có tươi tốt được thì mới có thể biểu lộ ra bên ngoài. Vun vén cái thần thái hay khí vận thì cũng từ cái gốc bên trong mà ra.
Còn tiếp …
Ngọc Hiếu