1. Vị trí đất Tân Khánh, Bà Trà ngày nay
Thị trấn Tân Phước Khánh, tức vùng đất Tân Khánh xưa, có tổng diện tích: 1.114 ha, dân số: 11.575 người (theo điều tra dân số năm 2005), nằm ở phía Tây Nam của huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương; phía Bắc giáp xã Khánh Bình và Tân Vĩnh Hiệp, phía Nam giáp xã Bình Chuẩn, phía Đông giáp xã Thái Hòa, phía Tây giáp phường Phú Hòa và xã Bình Chuẩn. Thị trấn Tân Phước Khánh có 8 khu phố: Bình Hòa 1, Bình Hòa 2, Khánh Hòa, Khánh Thạnh, Khánh Lợi, Khánh Lộc, Khánh Long và Khánh Hội; trong đó khu phố Bình Hòa 1 và Bình Hòa 2 vốn là ấp Bình Hòa mới lập vào năm 1963.
Xã Bình Chuẩn, tức vùng đất Bà Trà xưa, có tổng diện tích 1.141 ha, dân số khoảng 8.000 người (theo điều tra dân số năm 2005), nằm ở phía Bắc huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương; phía Đông giáp xã Thái Hòa (huyện Tân Uyên), phía Tây giáp phường Phú Hòa (thị xã Thủ Dầu Một), phía Nam giáp 2 xã Thuận Giao và An Phú (huyện Thuận An), phía Bắc giáp thị trấn Tân Phước Khánh (huyện Tân Uyên). Xã Bình Chuẩn có 4 ấp: Bình Quới, Bình Phú, Bình Phước A, Bình Phước B.
2. Địa lý tự nhiên
Về hình thể tự nhiên, vùng đất Tân Phước Khánh và Bình Chuẩn có địa hình đất gò, thành phần chủ yếu là đất xám pha cát. Đất đai ở đây không thích hợp với việc sản xuất lương thực thực phẩm (cây lúa); chỉ thích hợp với các loại cây công nghiệp như: cao su, điều, đậu phộng, thuốc lá và các loại cây lương thực, thực phẩm ngắn ngày khác, như: khoai lang, bắp… Riêng ở phía Tây của thị trấn Tân Phước Khánh, trong lòng đất có cao lanh được coi là khoáng sản quý cung cấp nguyên liệu cho nghề sản xuất gốm sứ từ bao đời nay; còn ở phía Đông Bắc của thị trấn Tân Phước Khánh có mỏ đất sét màu, đá ong cũng là những nguyên liệu dùng cho xây dựng, sản xuất gạch ngói.
Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, Tân Phước Khánh và Bình Chuẩn cũng như vùng lân cận chịu ảnh hưởng của sự phân chia hai mùa rõ rệt: mùa khô và mùa mưa. Mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 5 dương lịch và kéo dài đến cuối tháng 10 dương lịch, mùa khô từ tháng 11 dương lịch đến hết tháng 4 dương lịch năm sau. Do địa hình phần lớn là đất gò, cho nên trong những tháng mùa khô đã gây không ít những khó khăn trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp ở những vùng đất cao.
Cho đến cuối thế kỷ XIII, vùng đất miền Đông Nam Bộ, trong đó bao gồm cả tỉnh Bình Dương ngày nay, về cơ bản vẫn là một vùng đất hoang dã, chưa được mở mang khai phá bao nhiêu và tiếp tục như thế cho đến các thế kỷ sau. Châu Đạt Quan, sứ thần của nhà Nguyên (Trung Quốc), đã ghi lại cảnh quan của vùng này mà ông đã nhìn tận mắt trong chuyến viếng thăm Vương quốc Chân Lạp vào thế kỷ XIII như sau : “Bắt đầu từ vùng Chân Bồ (tức vùng Vũng Tàu đến Gò Công ngày nay) khắp nơi rậm rạp các dãy rừng thấp xen kẽ với những dòng sông chảy dài hàng trăm dặm, các loại cây cổ thụ um tùm đan kết với các loại dây mây chằng chịt … Khắp nơi vang tiếng chim hót, tiếng thú kêu … Trên các dãy đồng hoang, hàng trăm ngàn trâu rừng tụ họp thành bầy, đàn đàn ...” [Châu Đạt Quan (1973) : 80]. Trong cuốn Phủ biên tạp lục viết vào cuối thế kỷ XVIII, Lê Quý Đôn vẫn ghi rằng : “Ở phủ Gia Định, đất Đồng Nai, từ các cửa biển Cần Giờ, Soài Rạp, cửa Tiểu, cửa Đại trở lên toàn là rừng rậm hoang vu, đồng cỏ rậm rộng hàng ngàn dặm ” [Lê Quý Đôn (1977) : 243]. Đó chính là khung cảnh thiên nhiên của vùng đất miền Đông Nam Bộ vào thế kỷ XVII, thời kỳ lớp dân cư người Việt bắt đầu có mặt trên vùng đất này.
Còn theo lời kể lại của các vị cao niên tại địa phương thì vùng đất Tân Phước Khánh và Bình Chuẩn ngày xưa, tức vùng đất Tân Khánh Bà Trà, là hai lõm dân cư chen lẫn giữa rừng già đầy thú hoang dã, nhiều nhất là cọp. Đến những năm giữa thế kỷ XX, người dân Tân Phước Khánh và Bình Chuẩn vẫn có nhiều người sống với nghề “quơ củi”, nghĩa là hàng ngày vào rừng từ sang sớm chặt củi đến trưa gánh ra chợ bán để làm kế sinh nhai… Rừng Tân Phước Khánh và Bình Chuẩn trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 – 1975), chiếm khoảng 3/5 diện tích tự nhiên với những loại danh mộc như sao, dầu, v.v… tạo thành một hành lang chiến lược nối dài từ chiến khu Đ tới rừng Cò Mi và chiến khu Thuận An Hòa. Từ khu rừng này, lực lược cách mạng Việt Nam (bao gồm cả lực lượng địa phương, huyện, tỉnh và quân khu) trú đóng tại đây có thể vận chuyển lương thực thực phẩm, vũ khí đạn dược và cơ động giữa các chiến khu với nhau để tấn công các mục tiêu của địch ở Sài Gòn – Gia Định cũng như các hệ thống đồn bót của địch ở các vùng ven hay ngay chính thị xã Biên Hòa và thị xã Thủ Dầu Một. Do cường độ chiến tranh ngày càng ác liệt trong những năm tháng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nườc, càng về sau rừng Tân Phước Khánh, Bình Chuẩn càng bị bom đạn, chất độc khai hoang và xe ủi của Mỹ tàn phá nghiêm trọng. Bên cạnh đó, sau ngày giải phóng, do việc khai thác rừng mở rộng diện tích gieo trồng và phát triển thành khu công nghiệp, đến nay rừng Tân Phước Khánh và Bình Chuẩn hầu như chỉ còn một diện tích rất nhỏ.
Về đường giao thông, ngoài những trục đường ngang dọc đi lại trong xã (hương lộ), Tân Phước Khánh và Bình Chuẩn có trục lộ quan trọng là liên tỉnh lộ số 8, nay là đường ĐT 746 nối liền từ Thủ Dầu Một – Tân Phước Khánh – Bình Chuẩn – Tân Uyên; đường liên tỉnh ĐT 743 nối liền Thủ Dầu Một – Biên Hòa, chạy ngang qua Bình Chuẩn, Tân Ba (Tân Uyên); có đường giao thông đi Tân Vĩnh Hiệp, Tân Long (Tân Uyên), đi Thuận Giao, An Thạnh (Thuận An), ra quốc lộ 13 (nay là đại lộ Bình Dương) xuống thành phố Hồ Chí Minh. Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng đến nay, chính quyền và nhân dân địa phương đã sữa chữa và nâng cấp hầu hết những con đường trong tỉnh Bình Dương nói chung và trong thị trấn Tân Phước Khánh, xã Bình Chuẩn nói riêng, nhằm phục vụ cho việc đi lại và phát triển kinh tế – xã hội.
Võ sư Hồ Tường (Tiến sĩ Văn hóa học)