Tình yêu mãnh liệt đối với võ Việt đã khiến nhiều võ sinh nước ngoài không quản ngại đường sá xa xôi, bay hàng nghìn km để về nơi phát tích môn phái.
Võ sĩ Nghệ An hạ đo ván đối thủ người Nga
1.000 giáo viên thể dục Bình Định tập huấn võ cổ truyền
Cha, con và võ Việt
Nước da trắng, đôi mắt to cùng nụ cười tươi tắn thường trực, cô gái người Pháp Morgan gây thiện cảm và sự chú ý của những người xung quanh ngay khi xuất hiện ở Đại hội quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần 1, đang diễn ra tại Hà Nội.
Kết thúc bài quyền “Lôi phong phiến”, Morgan chạy ra một góc khán đài, sụt sịt chực khóc. Có vẻ như cô không hài lòng với phần thi của mình. Khuôn mặt cô gái chỉ trở nên tươi tắn trở lại khi võ sư Trương Quang Kim, trưởng môn phái võ kinh Vạn An giải thích bài thi của cô được chấm 9,30 điểm chứ không phải 9,03.
“Tôi hồi hộp quá nên không thể hiện tốt như khi tập luyện”-Morgan nói bằng thứ tiếng Việt chưa sõi.
Đây là lần đầu tiên Morgan đến Việt Nam. Ngay khi được thông báo về Đại hội quốc tế võ cổ truyền, Morgan đã nằng nặc xin phép bố để được tham dự. Cô gái 19 tuổi đã hạnh phúc đến mất ngủ khi được bố đồng ý. Từ Pháp, Morgan bay sang Việt Nam và tới thẳng Huế, theo học võ sư Trương Quang Kim. Trong suốt hơn 2 tháng trước đại hội, Morgan vừa luyện võ, vừa tranh thủ học tiếng Việt. Con gái nhưng không hề “chân yếu, tay mềm”, Morgan thể hiện khả năng lĩnh hội rất nhanh, và cũng nhanh chóng làm quen với các bạn đồng môn.
Vạn An phái có gốc tích võ thuật cung đình Huế. Võ sư Trương Quang Kim cho biết đến ông là hậu duệ đời thứ 5, với ông tổ từng là đội trưởng Cấm vệ quân triều Nguyễn. Trải qua hàng trăm năm, Vạn An phái đã có cả nghìn võ sinh theo học. Tại Pháp, võ sư Trương Quang Kim cho biết số võ sinh khoảng 700 người, bố của Morgan là một trong số đó. Nhân duyên đã đưa bố cô gái gặp võ sư Kim tại Việt Nam hồi năm 1993. Cô gái theo học võ bắt đầu từ chính cha mình. “Tôi học võ với bố từ nhỏ. Khi luyện tập ông rất nghiêm”-Morgan nói.
Vạn nẻo đường tới võ Việt
Đại hội quốc tế võ thuật cổ truyền Việt Nam lần 1 diễn ra tại Hà Nội đã thu hút rất đông các võ sinh là người nước ngoài. Trăm môn phái với trăm vẻ khác nhau, nhưng điểm chung tất cả đều có tình yêu mãnh liệt với võ cổ truyền Việt Nam. Tại đây, rất dễ để gặp các võ sinh đến từ nhiều nước ở châu Âu và thậm chí cả châu Phi, vượt hàng chục nghìn km chỉ để về nơi phát tích môn phái của mình.
Võ sư Phillippe Clemente, người Thuỵ Sĩ cho biết, đã theo rèn Sơn Long quyền thuật 24 năm. Rắn rỏi và mạnh mẽ, Clemente cho biết, việc rèn luyện “công phu” mỗi ngày đã khiến anh luôn đầy năng lượng cho các hoạt động trong cuộc sống. Không như cô gái trẻ Morgan, Clement cho biết đã tới Việt Nam khoảng 15 bận. Anh đi đến nhiều nơi tại Việt Nam, từ Hà Nội tới Bình Định, Tp Hồ Chí Minh để thêm trải nghiệm về võ thuật cổ truyền Việt Nam. Clement hiện là Giám đốc kỹ thuật, Ban kỹ thuật quốc tế của Liên đoàn quốc tế Võ Việt Nam.
Cùng đi với Clement trong sáng 11/8 còn có người bạn Julien Drabo, đến từ Burkina Faso. Những người mới gặp Drabo có lẽ sẽ bị “đánh lừa” bởi vẻ ngoài có phần nhút nhát của anh. “Đụng” vào Drabo thì nguy, Clement cho biết ông bạn mình đã học võ thuật tới…30 năm. Đây là lần thứ 2 Clement đến Việt Nam. Lần đầu là năm 2014 khi anh tham dự một đại hội võ thuật cổ truyền ở Bình Định.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang, võ cổ truyền Việt Nam được hình thành và phát triển cùng với quá trình dựng nước, giữ nước. Trải qua năm tháng, nhiều bí kíp võ công đã bị mai một. Sự ra đời của Liên đoàn thế giới Võ cổ truyền Việt Nam (WFVV) vì vậy sẽ là cơ hội để quảng bá, tôn vinh những giá trị văn hoá tốt đẹp của võ thuật cổ truyền Việt Nam, với hồn khí, cốt cách của người Việt qua từng bài võ.
Đây là lần đầu tiên Morgan đến Việt Nam. Ngay khi được thông báo về Đại hội quốc tế võ cổ truyền, Morgan đã nằng nặc xin phép bố để được tham dự. Cô gái 19 tuổi đã hạnh phúc đến mất ngủ khi được bố đồng ý.
Theo Tiền Phong