Ý nghĩa và tinh thần của Taekwondo

Taekwondo là một nghệ thuật chiến đấu không chỉ đơn thuần với mục đích tranh đoạt chiến thắng bằng mọi giá. Với một kỷ luật nghiêm khắc, Taekwondo còn có mục đích cao đẹp hơn, đó là hướng tới sự phát triển và kiện toàn mọi khả năng về tinh thần và thể chất của con người.

Kỹ thuật tự vệ của ITF Taekwondo
Những tình huống dở khóc dở cười trong Taekwondo

Người xưa thường định nghĩa Taekwondo là “Nghệ thuật chiến đấu của bậc quân tử”. Họ tuyệt đối xem môn võ thuật này như một phương thế để tự vệ. “Đừng khiêu chiến nhưng hãy tự vệ” – đó là tính cách của Taekwondo. Vì thế, tập luyện Taekwondo là rèn luyện cho bản thân một trạng thái tinh thần bình ổn, một đức tính tự chủ và một kỹ thuật hoàn hảo.

Ngay từ các môn võ tiền thân, Taekwondo đã tôn trọng các tôn chỉ chiến đấu của người Quân tử
Ngay từ các môn võ tiền thân, Taekwondo đã tôn trọng các tôn chỉ chiến đấu của người Quân tử

Taekwondo là nghệ thuật sử dụng triệt để các phần của thân thể dùng làm vũ khí để tự vệ và tấn công một cách hiệu quả nhất, đặc biệt là đôi tay và đôi chân.

Ngoài hiệu quả đáng kinh ngạc như một phương cách tự vệ, Taekwondo còn là một môn thể thao lý tưởng giúp cho thân thể được phát triển toàn diện một cách hài hòa. Do đó, Taekwondo là một tổng hợp của hai phương diện: tự vệ và thể thao.

Vào thời xa xưa, trên những chiến trường, dưới hình thức nguyên sơ, môn võ này được thể hiện một cách tàn bạo chỉ với mục đích duy nhất là giáng cho quân thù những đòn chí tử.

Ngày nay, Taekwondo được nhiều người biết đến như một môn võ thuật mang tính cách thể thao qua các lần tranh giải vô địch… Đành rằng không thể phủ nhận những lợi ích của các trận đấu đầy ngoạn mục này mang lại, nhưng nhìn dưới khía cạnh này thì không thể nào hiểu được ý nghĩa và tinh thần của Taekwondo.

Cũng có nhiều người đánh giá sai lầm về Taekwondo như là một môn luyện tập sức mạnh mà thôi. Quả thật đáng kinh ngạc khi thấy bằng những bàn tay không, đôi chân trần người ta có thể đập vỡ gỗ ván, gạch ngói,… một cách dễ dàng. Để đạt được kết quả đó không phải chỉ trong một sớm một chiều mà là cả một quá trình tập luyện gian khổ, đau đớn thân xác, đổ mồ hôi và có cả nước mắt,… nhưng cũng cần phải hiểu rằng sự tập luyện đó chưa phải là tất cả của Taekwondo.

Để đập vỡ những vật vô tri, bất động như gỗ ván, gạch ngói,… thì tương đối dễ dàng nếu bạn có đôi tay và đôi chân được tập luyện đủ mạnh mẽ và đủ cứng chắc,… nhưng để đối đầu với một địch thủ sống động, linh hoạt và quyền biến thì nếu chỉ có sức mạnh đơn thuần chưa đủ, cần phải có một kỹ thuật hoàn hảo, thích ứng.

Taekwondo với đặc tính là “Nghệ thuật chiến đấu không vũ khí” vì thế đôi tay và đôi chân cần thiết phải được khổ luyện trường kỳ để thể hiện tính cách đặc thù của nó là “Biến tay chân trở thành vũ khí”.

Những kỹ thuật của Taekwondo cũng cần phải được kết hợp một cách hài hòa trong việc luyện tập và thực hành. Như chiếc xe hơi và những bánh xe thế nào thì việc luyện tập được gắn liền với thực hành cũng như vậy, thiếu đi một yếu tố, chắc chắn không thể đạt đến mục đích của Taekwondo. Nhưng tất cả những điều đó vẫn chưa đủ, cần phải rèn luyện để có một tinh thần cương quyết, một ý chí kiên cường, niềm tự tin và một tâm hồn bình an, trong sáng.

Việc tập luyện Taekwondo sẽ trở nên vô nghĩa nếu như thiếu mất một trong những yếu tố trên.

Taekwondo, nghệ thuật chiến đấu của bậc quân tử đã được tập luyện tại đất nước Triều Tiên trải qua bao nghìn năm để đem đến kết quả viên mãn là cao thượng hóa con người.

“Kiện toàn”, “Nâng tâm hồn lên cao luôn mãi”: đó là nền tảng của Taekwondo. “Đừng bao giờ tấn công trước” – câu phương châm này định rõ giới hạn hành động của Taekwondo là: chỉ phản ứng và tự vệ. Điều này bao hàm ý nghĩa luôn có lòng vị tha, lòng độ lượng và ý thức sự bình đẳng. Môn sinh Taekwondo sẽ dần dần phát hiện nơi chính bản thân những khả năng vô hạn, vì Taekwondo sẽ giúp bạn hoàn thiện những tiềm năng trong chính thân thể và tâm hồn bạn. Taekwondo chỉ rõ con đường dẫn đến sự toàn thiện của con người.

“Đừng bao giờ tấn công trước” – ý nghĩa của phương châm này được thể hiện bởi nhiều cách thế chuẩn bị khác nhau. Trước tiên, cần phải nhanh chóng loại bỏ mọi tư tưởng tầm thường và nông nổi ra khỏi tâm trí, thanh luyện tinh thần để luôn luôn ở trong tư thế sẵn sàng hay có thể gọi là “tâm an, thần định”. Giai đoạn thứ hai mới học cách thế để tự vệ. Thanh luyện tinh thần và tự vệ, đó là đặc tính ôn hòa của Taekwondo.

960ECB4E-6614-46F1-BD2C-6B120055E00C_mw1024_s_n

Trong nền võ thuật Đông phương, có 3 trường phái đối đầu nhau: Trường phái thứ nhất quan niệm: “Tinh thần vượt trội trên thân xác và chế ngự thân xác”. Trường phái thứ hai quan niệm: “Thân thể chi phối tinh thần”. Trường phái thứ ba lại cho rằng: “Bảo toàn thân thể là hệ trọng”. Mỗi một trường phái đều chứa đựng một phần chân lý nhưng không hoàn hảo.

Taekwondo với tính cách là một môn võ thuật hướng tới sự phát triển hài hòa cả hai phương diện, thể chất cũng như tinh thần. Thân thể, trước tiên phải được tôi luyện cho đến mức tinh thục bằng cái giá của sự khổ luyện và kỷ luật sắt. Làm chủ được kỹ thuật là kết quả của một công việc hăng say và trường kỳ. Tinh thần theo đó đạt đến mức luôn phản ứng một cách trung thực, đặc biệt trong trường hợp tự vệ một cách chính đáng. Taekwondo muốn hoàn thành một sự tổng hợp hoàn hảo của thân thể và tinh thần bởi kỹ thuật. Để thử nghiệm sự tổng hợp này, chính là hội nhập cùng Taekwondo

Hoàng Siêu – Tham khảo từ “Le TAEKWONDO” của Lee Kwan Young, Nhà xuất bản Sodirep France