Trong Đông y có cậu “Nhất châm, nhì cứu, ba uống thuốc” đã nói lên sự kỳ diệu của môn Châm cứu mà nhân dân ta đã sử dụng từ rất lâu.
Y võ dưỡng sinh có lợi cho sức khỏe như thế nào?
Châm là dùng kim xuyên qua da để vào huyệt gây tác dụng phòng và chữa bệnh.
1. Cứu là dùng sức nóng của cây Ngải cứu hơ trên huyệt gây tác dụng phòng và chữa bệnh. (Nếu không có Ngải cứu ta có thể dùng vài cây nhang chụm lại hoặc điếu thuốc đang nóng hơ trên huyệt).
2. Bấm huyệt là dùng ngón tay day ấn trên huyệt (còn gọi là chỉ châm) gây tác dụng phòng và chữa bệnh.
Có nhiều loại hình châm cứu như sau:
– Thể châm: Châm các huyệt trên cơ thể
– Diện châm: Châm các huyệt trên mặt
– Nhĩ châm: Châm các huyệt trên loa tai
– Túc châm: Châm các huyệt ở chân
– Thủ châm: Châm các huyệt ở tay, …
Mỗi loại hình châm cứu đều có hiệu quả nhất định trên một số bệnh lý nào đó. Tuy nhiên, “Thể châm” là hiệu quả nhất vì sử dụng được “Lục tổng huyệt” và “Bát hội huyệt” – là những huyệt đặc trị.
Theo Đông y, bệnh tật phát sinh là do sự mất cân bằng về âm dương trong cơ thể con người.
– Âm: Huyết, vật chất dinh dưỡng, tạng, kinh âm…
– Dương: Khí, năng lực hoạt động, phủ, kinh dương…
Đau là do kinh mạch không thông gây nên (thống tắc bất thông). Mà châm cứu hay bấm huyệt là làm cho âm dương được cân bằng, khí huyết được lưu thông nên có khả năng phòng và chữa bệnh rất tốt.
Để việc điều trị có hiệu quả người thầy thuốc phải nắm vững những điều cơ bản sau:
– Hư thì bổ: Hư là chính khí hư (sức đề kháng của cơ thể suy giảm) do bệnh lâu ngày, bệnh mạn tính nên phải dùng phép bồi bổ là chính.
– Thực thì tả: Thực là tà khí thực, tức bệnh mới mắc sức đề kháng của cơ thể còn tốt nên phải tả tà.
– Nhiệt thì châm: Tức những bệnh thuộc về nhiệt thì dùng phép châm mới đạt kết quả tốt.
– Hàn thì cứu: Tức những bệnh thuộc về hàn thì dùng phép cứu mới đạt kết quả tốt.
Ngoài ra, không châm cứu khi bệnh nhân ở trong các trường hợp sau:
– Vừa mới uống rượu, bia.
– Đang quá no, quá đói hoặc quá mệt.
– Quá sợ kim.
– Bệnh tiểu đường.
Thủ pháp bổ, tả: Có vận dụng được thủ pháp bổ, tả thì mới điều hòa được khí huyết, sơ thông được kinh lạc mới đạt được kết quả chữa bệnh khả quan. Có nhiều phương pháp bổ tả nhưng thường dùng nhất là:
– Nghinh tùy bổ tả: Châm kim thuận theo hướng kinh mạch là tùy, là bổ. Châm kim nghịch theo hướng kinh mạch là nghinh, là tả.
– Lâu hay mau: Sau khi châm đắc khí, lập tức rút kim ra ngay là bổ. Không rút kim ra ngay mà vẫn lưu và vê nhiều lần là tả.
– Tần số và thời gian: Sử dụng tần số và cường độ kích thích thấp, thời gian kích thích ngắn tức là bổ. Ngược lại là tả.
Phạm vi chữa bệnh bằng phương pháp châm cứu, bấm huyệt rất rộng rãi:
– Về thần kinh: Liệt nửa người, liệt dây VII ngoại biên (thường do nhiễm lạnh đột ngột), đau các dây thần kinh ngoại biên khác, máy mắt, sụp mi mắt, mỏi mắt, đau thần kinh tọa, và nhiều chứng đau nhức khác.
– Về xương khớp: Đau do thoái hóa cột sống cổ, cột sống lưng. khớp gối, giãn dây chằng.
– Về tuần hoàn: Huyết áp cao, huyết áp thấp, rối loạn thần kinh tim.
– Về tiêu hóa: Các bệnh về dạ dày, ruột.
– Về sinh dục: Các bệnh rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh, di mộng tinh.
– Về tiết niệu: Đái dầm, đái đêm, bí đái.
Hiện nay, người ta dùng điện châm để điều trị. Tức dùng dòng điện để tăng kích thích của kim vào huyệt khi mắc điện cực của máy điện châm vào kim châm cứu và điều chỉnh cường độ của dòng điện phù hợp với ngưỡng của bệnh nhân.
Điều trị bằng điện châm mang lại hiệu quả rất cao.
Theo: Lương y, Võ sư Nguyễn Tấn Xuân