Cà phê võ thuật 13 – tội của người “thầy” và tội ăn cướp

Sẽ là một sự xúc phạm khi so sánh hai con người này: một đại diện cho sự cao quý, cống hiến, hi sinh và tạo dựng – một đại diện cho tội lỗi. Thế nhưng, câu chuyện sau đây sẽ khiến quý khán giả hiểu tại sao trong Cà phê võ thuật kì thứ 13 này, chúng tôi sẽ dành thời gian cho sự so sánh đó.

>>> Cà phê võ thuật kì 12 – 6 tiêu chuẩn của một người thầy dạy võ

Thầy của tôi được nhiều võ sư gọi đùa là “thầy của các thầy”. Ở tuổi 57, mỗi năm thầy tôi lại đeo đai đen cho một vài người học trò, tiễn một vài người lên Sài Gòn học – bất kể họ có còn tiếp tục tập Taekwondo hay không. Một số ít khác rời khỏi lớp – câu lạc bộ thành phố, mở câu lạc bộ ở các nhà văn hóa cấp phường – xã, trở thành những người thầy mới như chính thầy tôi vậy.

Thầy tôi luôn vui vẻ về việc đó. Thầy vẫn luôn tâm niệm phong trào võ thuật phải được phổ biến rộng khắp, điều đó đòi hỏi cần nhiều người thầy, nhiều người huấn luyện viên hơn nữa.

Vậy mà dạo này tôi ngó thấy thầy trầm tư hơn hẳn. Thỉnh thoảng, thầy vẫn hỏi bọn tôi về anh T.G – một người anh đai đen 4 đẳng trong lớp chúng tôi đã xin rời câu lạc bộ về phường mở lớp võ riêng.

Có một đợt, không biết vì bức xúc hay sao đó mà khi chúng tôi nhắc đến tên anh, thầy buột miệng:

– Thằng đó làm gì đủ tư cách làm thầy?

Nhận ra thái độ gắt gao của mình, thầy thở dài rồi quay đi.

Là người theo chân thầy từ hồi tôi còn bé xíu, tôi hiểu đó kiểu hành xử hết sức bất thường của thầy. Nhưng dĩ nhiên là tôi vẫn phải lựa lúc cà phê chiều để nói chuyện với thầy.

Hiểu ý tôi, thầy nói thẳng vào vấn đề:

– Nó đủ lông đủ cánh rồi, muốn ra ngoài dạy thì ai mà cản được.

– Thầy không muốn anh T.G đi dạy à?


Thầy không nói gì, chỉ có cái lắc đầu trả lời.

– Anh T.G đai đen bốn đẳng rồi, cũng giống như hồi thầy về nhà văn hóa thành phố này vậy thôi.

– Bốn đẳng là đủ à? – thầy trừng mắt quay sang.

Tôi lấy làm lạ. Thầy đã từng khuyến khích những người học trò khác với đai đen 3 đẳng về đơn vị phường xã giảng dạy Taekwondo, tôi không hiểu cách thầy phản ứng với việc anh T.G nhất quyết xin ra ngoài dạy.

– Chắc em nhớ mấy anh chị thầy từng gửi về các phường dạy. Tụi nó khác thằng T.G hoàn toàn.

– Khác chỗ nào vậy thầy?

– Tụi nó muốn người người biết Taekwondo, muốn trẻ con đứa nào cũng giỏi Taekwondo. Thằng T.G khác. Nó ra dạy riêng vì muốn ôm riêng 120 ngàn tiền học phí mỗi tháng thôi. – Thầy chua chát quay đi – Thầy dạy nó bao lâu, thầy hiểu mà. Thầy có bạc đãi nó bao giờ đâu mà nó vậy…

Thầy trầm ngâm quay đi.

– Mà cứ cho là nó đi dạy kiếm tiền đi, thầy cũng không nói. Nghề võ vốn khổ rồi, thầy cũng không muốn khắc nghiệt với học trò làm gì. Nhưng cái tính thích gây hấn với độc đoán của nó mà đi dạy thì nó sẽ đào tạo ra tụi học trò thế nào? Cái 4 đẳng Taekwondo của nó là một chuyện, chuyện của chuyên môn. Cái nhân cách người thầy mới là vấn đề lớn.

Tôi không nói gì. Cũng không biết nói gì.

– Em đi ăn cướp, em bị tù tội, một mình em chịu. Em có thể sẽ giết hại vài người, cũng chỉ có vài người đó chịu. Suy rộng ra chút thì cũng chỉ có gia đình em và gia đình em khổ. Nhưng làm thầy, cái sai nó ghê gớm lắm. Em có thể đào tạo ra một lần hai mươi, năm mươi đứa hiếu chiến, ngu dốt. Sau này, những đứa đó leo được tới vị trí thầy, tiếp tục lan truyền cái xấu. Tội của em khi đó, tội của một “thằng thầy” khi đó còn hơn tội một thằng ăn cướp bao nhiêu lần?

——————–

Câu chuyện này ám ảnh tôi kể từ đó về sau – đến những tháng ngày này, khi tôi đang bắt đầu giảng dạy những lứa học trò đầu tiên. Có một thứ gọi là nỗi sợ. Tôi sợ trở thành “thằng thầy” – trở thành kẻ gieo rắc những thế hệ võ thuật xấu xí. Một kẻ sẽ mang tội rất nhiều đối với cộng đồng, đối với võ thuật.

Hồ Võ