Cà Phê Võ Thuật: Bàn tay chữ Nhất

Cách đây vài năm, thầy từng nói với tôi về “bàn tay chữ Nhất” – bàn tay với đường chỉ tay thẳng nối hai đường tâm – trí đạo.

Cà Phê Võ Thuật : Giấc mơ huyền đai – Bạch Mã Sơn

Cà Phê Võ Thuật: Không Cà Phê, cũng chẳng phải Võ thuật

Theo thầy, người có bàn tay chữ Nhất, vì tâm trí tập trung lại thành một nên thói quen ra đòn vừa rất tự nhiên, vừa rất khôn ngoan, không do dự. Người có bàn tay chữ Nhất này ra đòn thường mạnh hơn người khác, lựa chọn đòn đánh cũng nhanh hơn người khác. Đi quyền thì vững và khỏe khoắn, đánh đài thì lanh lẹ và tập trung cao độ.

Thầy vừa nói vừa hớp ngụm trà, nhìn xa xăm: “Trong đời thầy chưa thấy học trò nào có bàn tay đó cả”.

Tôi giấu vội bàn tay phải, bên dưới vạt áo, lẳng lặng đứng dậy và ra tiếp tục tập cùng vài người bạn.

10464179_534684563303675_2701140890014728877_n

Vâng, tôi có bàn tay đó, bàn tay chữ Nhất mà thầy đã nói. Nhiều người cũng nhìn bàn tay này của tôi và khen rằng tôi lớn lên sẽ làm nên chuyện. Tôi không biết “nên chuyện” đó là chuyện gì, nhưng trước mắt là tôi đấm đá không ra hồn.

Kể từ ngày đó, tôi hì hục lao vào đấm đá. Tôi cày nát các hiệu sách để tìm tài liệu võ thuật. Tôi chộp lấy bất cứ cơ hội đấu giao lưu nào tôi có thể tham gia. Tôi đến lớp võ với bộ quần áo ướt mồ hôi vì chạy bộ, và rời khỏi đó với bộ quần áo lấm lem đất cát, và có khi là máu.

Và điều quan trọng nhất: tôi đối mặt với nỗi sợ bị thầy phát hiện. Tôi sợ sẽ có lúc thầy nhìn thấy bàn tay này của tôi, rồi nhìn vào sự tệ hại của tôi, và thấy thất vọng. Chính bản thân tôi cũng thất vọng về tôi mà.

Một năm, hai năm, tôi khá hơn nhiều, thậm chí có thể xem như thuộc hàng “đáng ngán” của phòng tập Muay. Bất ngờ, một hôm, thầy bảo tôi lại xòe bàn tay ra. Lúc đó, tôi đã có thể kiêu hãnh xòe bàn tay chữ Nhất của mình ra. Thầy cười và khen tôi rất khá.

Tôi kể chuyện này lại với Nó (tôi xin tạm gọi như thế) – bạn tập của tôi, và cũng là con trai thầy. Tôi kể luôn cả nỗi sợ của mình suốt thời gian qua. Và dĩ nhiên, tôi cũng không hề giấu sự kiêu hãnh của mình. Tôi là một võ sĩ, bản chất của tôi đã chỉ ra điều đó qua đường chỉ tay. Tôi sinh ra để làm võ sĩ, để chiến đấu và trở nên nổi trội. Thậm chí, trong thời gian đó, đã không ít lần hạ gục Nó trên võ đài.

Và ngay khi tôi thấy tự hào nhất, Nó nói, như một gáo nước tạt vào mặt: “Ba tao biết mày tay chữ Nhất lâu rồi.”

“Ơ, sao mày biết.”

“Ba tao nói.” Mạnh nhoẻn miệng cười.

Gã ngồi xuống cùng tôi bên bậc thềm vắng. Hôm đó thầy tôi lên Sài Gòn có việc, lớp nghỉ, còn mỗi tôi và Nó dợt với nhau.

“Ba tao cố tình nói vậy để khích tướng mày thôi. Ổng thấy bàn tay mày lâu rồi. Với ổng thì cái bàn tay chữ Nhất cũng na ná vết sẹo thôi, không có ý nghĩa gì hơn.”

Suốt những ngày sau đó, tôi hụt hẫng, chán nản. Ồ vậy ra, tôi không phải là người có tố chất võ sĩ nổi trội. Và, cũng sau ngần ấy những tháng ngày kiêu hãnh, tôi trở lại lãnh những cú knock out quen thuộc mà nửa năm trước, tôi vẫn thường dính phải.

Tôi xin nghỉ tập. Nghỉ hẳn. Ít lâu sau, có lẽ là trời thương, tôi nhận được một công việc ở Sài Gòn. Tôi dời đi, cũng không dám ghé nhà chào thầy một tiếng. Thực ra tôi cũng không muốn gặp người từng lừa dối mình. Tôi chỉ nhờ Nó chuyển lời. Mà có lẽ Nó cũng đã nói hết với thầy, và thầy cũng hiểu vì sao tôi bỏ lớp, bỏ võ.

Dời lên Sài Gòn được ít lâu thì Nó liên lạc với tôi. Nó dắt lính lên đánh giải.

Nó dắt thằng bé nào lạ hoắc – có lẽ là lính mới vào sau khi tôi đi. Nó cũng không chắc chuyện tôi và thầy, chỉ mời tôi đi cùng ra nhà thi đấu xem thằng học trò nhỏ đánh trận đầu tiên trong đời.

Tôi quay sang Nó: “Mày điên à. Thằng đó từng vô địch giải trẻ. Lính mày đánh nổi không?”

Nó lắc đầu: “Tao không chắc. Thua kinh nghiệm. Nhưng sức thì tao nghĩ là được. Mà thôi mày im đi. Xem rồi biết.”

Nó thắng – thắng trong cuộc cá cược với chính mình, học trò Nó chơi lăn xả cho đến phút cuối và thắng điểm. Nó đón thằng học trò 17 tuổi bước xuống võ đài với cái vỗ vai cười nói: “Thấy chưa, anh nói rồi, thằng này “gà” lắm, anh từng dạy nó mà. Mày dư sức “luộc” nó.”

Tôi chưng hửng.

“Sao mày nói với thằng nhỏ là thằng kia “gà”? Nó từng vô địch đấy!”

Nó nhìn tôi: “Tao mà nói thì sức mấy thằng nhóc của mình dám đánh. Nó đủ trình độ đánh hay không là một chuyện, nó có niềm tin vào nó hay không là chuyện khác. Niềm tin có thể ảo, nhưng sẽ mang lại sức mạnh thật. Như cái bàn tay chữ Nhất của mày thôi.”

Niềm tin có thể ảo, nhưng sức mạnh là thật.

Nó cà phê với tôi, qua loa vài câu chuyện đời thường rồi chở thằng học trò về tỉnh lẻ. Tôi ở lại với ngổn ngang suy nghĩ.

“Niềm tin có thể ảo, nhưng sẽ mang lại sức mạnh thật…”

Tôi còn nhớ như in vết sẹo đó, trong khoảnh khắc Nó chào tôi rồi quay đầu đi, tôi lại nhìn thấy vết sẹo ngày xưa tôi đấm Nó rách chân mày. Nó đã từng là đứa giỏi nhất lớp. Tôi đã từng đánh thắng nó, khi mà tôi vẫn còn tin vào thứ gọi là bàn tay chữ Nhất.

Tôi đã từng có niềm tin. Đã từng không có.

Có lẽ, giờ là lúc tôi quay lại.

P/s: Cuối bài viết này, tôi xin phép trích lại câu nói mà tôi yêu thích nhất từ thần tượng của mình: huyền thoại Boxing Muhammad Ali: “Tôi là người vĩ đại. Tôi biết điều đó kể cả trước khi tôi trở trở nên như thế. Tôi tin thế. Và tôi trở thành như thế.”

(Phỏng theo một câu chuyện đã cũ. Câu có thể ảo, nhưng chuyện là thật.)

Hồ Võ

Có thể bạn quan tâm: Phóng sự “Nguyễn Phú Hiển – Muay Thái đã thay đổi cuộc đời tôi.”

[jwplayer player=”1″ mediaid=”102988″]