Cà Phê Võ Thuật: Khi dân võ đi làm từ thiện

DOG Brothers Vietnam (DBVN) được biết đến như một trong những cộng đồng võ thuật “underground” nổi tiếng và gây nhiều tranh cãi nhất từng có. Vậy mà một ngày, cũng có lúc người ta thấy những chàng trai ngổ ngáo của DBVN… vác nồi đi phát cháo từ thiện.

Bài học nhân văn từ Dog Brothers – CLB bạo lực nhất thế giới

Dog Brothers – hãy bước đi mỗi ngày như một chiến binh

DOG Brothers Vietnam xuất hiện từ khoảng năm 2014 – lấy ý tưởng từ Dog Brothers Martial Arts (DBMA), một trong những tổ chức và hình thức đối kháng vũ khí khắc nghiệt nhất hiện nay. Hiện DBVN vẫn đang trong quá trình hoàn thiện để gia nhập hệ thống chính thức của Dog Brothers Martial Arts. Dẫu vậy, với sự ủng hộ từ các “Dog” (danh hiệu DBMA dành cho những võ sĩ giỏi và uy tín nhất thế giới của mình), DBVN vẫn được phép tự do hoạt động và phát triển.

Lối chơi thuần túy của DBMA 

Và lối chơi của Việt Nam

https://www.youtube.com/watch?v=OI5-UopYtes

Sự tồn tại của DBVN đã dấy lên nhiều tranh cãi (và cả những cuộc “đụng độ” với những đội nhóm bất đồng quan điểm) trong suốt 3 năm qua. Đối kháng vũ khí luôn là một đề tài nhạy cảm, và tính chất nguy hiểm của nó khiến cho rất ít hình thức thi đấu có thể tồn tại được lâu và thành công (trừ một số ít bộ môn chuyên vũ khí đã tiến bộ lên tầm thể thao đối kháng như Kendo hay Fencing).

Sự thiếu môi trường đối kháng khiến các kỹ thuật và vũ khí không được thực nghiệm, bản thân người tập luyện dễ sinh ra tư tưởng sai lệch về độ nguy hiểm khi phải đối mặt với vũ khí thật ngoài đời, từ đó dẫn đến những hậu quả đáng tiếc như tự vệ không đúng cách. Với những suy nghĩ đó, bất chấp sự kỳ thị của cộng đồng, DBVN vẫn liên tục hoạt động, duy trì việc tập luyện, giao lưu thi đấu để gìn giữ môi trường đối kháng vũ khí lành mạnh nhưng vẫn thực tế cho các thành viên. Ngày nay, fanpage và group của DBVN trên mạng xã hội Facebook cũng là một trong những cộng đồng lớn và sôi nổi nhất về đề tài võ thuật. Từ các đội nhóm tập luyện ngoài đời thực cho đến môi trường giao lưu trên mạng, DBVN chào đón võ sinh từ mọi bộ môn với một tiêu chí duy nhất: Yêu thích thực chiến. Thậm chí, đã có nhiều người là VĐV võ thuật chuyên nghiệp ở các bộ môn cũng đã tham gia.

DBVN quy tụ những người yêu võ thuật thực chiến từ nhiều bộ môn.

“Người Việt mình nghe từ “con chó” thì hay nghĩ tới những thứ tiêu cực. Thực ra “con chó” trong văn hóa châu Âu lẫn châu Á đều là hình tượng đẹp, gắn liền với nhiều câu danh ngôn, thành ngữ và với cả với nhiều đức tính của người võ như sự trung thành, gan lỳ và quyết đoán. Trước DBVN chẳng có ai lấy tên con chó ra để đặt tên đội nhóm võ thuật cả, toàn những con rất “ngầu” như rồng cọp hổ báo. Bọn tôi không đeo đuổi cái tên “ngầu” mà đeo đuổi bản lĩnh thực sự” – Vũ Đình Tiến, một trong những nhân tố chủ chốt của DBVN nhận định về cái tên “chó” từng khiến làng võ dị nghị về DBVN.

“Chó”, từ một thứ biệt danh tưởng chừng rất tiêu cực nay lại thành cái tên quen thuộc của mọi thành viên DBVN, bấy nhiêu là đủ để hiểu rằng những người đã đi cùng con đường với DBVN yêu mến sự lựa chọn này đến mức nào. Cái tên ấy bao hàm một lối chơi “chất”, một tinh thần không ngại đi ngược với số đông để giữ gìn bản sắc, niềm tin và sự lựa chọn của mình: đối kháng vũ khí và võ thuật thực chiến.

Dù lấy ý tưởng từ thể thức đối kháng khắc nghiệt, lối tập luyện của DBVN vẫn dựa trên lý thuyết cơ bản từ các môn võ đặc thù cho mỗi tình huống tự vệ như Boxing, Jiujitsu, võ gậy Arnis…

Nhưng câu chuyện của “chó” không dừng lại ở đó.

Sau hơn 2 năm hoạt động như một đội nhóm “underground”, cuối cùng DBVN cũng ổn định được cơ sở hoạt động thường xuyên. Nhưng chỉ sau không đầy 3 tháng, khi chi phí đầu tư cho cơ sở vật chất phòng tập còn chưa được “hồi vốn” thì nguồn thu học phí phòng tập đã “bay sạch vào nồi cháo”.

DBVN luôn dành trọn lợi nhuận từ hoạt động võ thuật cho các sự kiện tự thiện. Các thành viên “đầu đàn” của DBVN thậm chí còn trích cả kinh phí riêng mỗi khi “thiếu cân gạo, lố cân đường”.

Từ khi DBVN còn là một tổ chức “underground” hoạt động bởi nhiều đội nhóm nhỏ chia rẽ trên toàn địa bàn TP.HCM, các hoạt động từ thiện đã bắt đầu được thực hiện, và cũng dựa trên kinh phí thu được từ các hoạt động võ thuật. Hôm nay (23/9), “đội từ thiện” DBVN lần đầu hoạt động kể từ khi thành lập được cơ sở tập luyện chính thức và phát hơn 100 phần cháo dinh dưỡng cho bệnh nhân bệnh viện Chợ Rẫy. Một cách hoàn toàn nghiêm túc, ban quản trị của DBVN (và cũng là những người đã gắn bó tên tuổi “chó” từ những ngày đầu) khẳng định sẽ dành trọn vẹn lợi nhuận từ phòng tập chung của cả nhóm vào các công việc thiện nguyện, cố gắng duy trì việc này hằng tháng và hướng đến những mục tiêu xa hơn (dự kiến của nhóm là một cơ sở bảo trợ trẻ em ở Bà Rịa Vũng Tàu).

Những chàng trai thường ngày chỉ gặp nhau trên phòng tập võ giờ đây bị “sư phụ” bắt chuẩn bị nồi cháo từ thiện.
Phát cháo từ thiện trước bệnh viện Chợ Rẫy.

“Ngay từ đầu, DBVN đã là sự phục vụ cộng đồng. Chúng tôi cố gắng bỏ qua mọi điều tiếng để chứng minh với cộng đồng điều chúng tôi cho rằng đúng, rằng võ thuật cần môi trường đối kháng chân thực. Chúng tôi muốn mọi người biết đến sự chân thực của võ thuật vì đó là điều tốt. Vậy thì các hành động từ thiện này cũng vậy, cũng là tấm lòng của chúng tôi với cộng đồng. Người võ dù “ghê gớm” hay bản lĩnh thế nào thì cũng là một phần của cộng đồng, phải sống hòa nhập và có ích cho cộng đồng” – Hà Thanh Huy, người sáng lập và quản lý DBVN từ những ngày đầu chia sẻ.

“Làm võ, chơi võ là vì cộng đồng”.

CPVT