Cà phê Võ thuật (Kì 19) – Phong trào võ thuật

Phong trào võ thuật – tại sao không?

Cà phê Võ thuật (Kì 18) – Nếu Lý Tiểu Long sống lại…
Cà phê Võ thuật (kì 17) – Suy nghĩ bên lề chuyện chiếc đai

Tôi có một người bạn – cũng không hợp cạ cho lắm. Giữa hai đứa tôi có nhiều mâu thuẫn, và nếu cả hai đều không có thói quen ngồi uống nước mía sau mỗi buổi tập để ngắm… lớp aerobic bên kia sân thì có lẽ hai đứa tôi đã chẳng có cơ hội gọi nhau là bạn.

Tôi – trợ giảng cho lớp Taekwondo phong trào.

Gã – từng sống ở đây nhưng lên Sài Gòn học vài năm, có tập Boxing “trên ấy” rồi lại về cái tỉnh lẻ này. Và đặc biệt: gã ghét cay ghét đắng võ thuật phong trào.

Trong mắt gã, chỉ có những phòng tập hiện đại, trang bị đẩy đủ đèn đuốc bao cát, hàng tá thứ công cụ hỗ trợ… mới thực sự là nơi để tập võ. Những gì tôi có lại là một khoảng sân mà nhà văn hóa cho mượn, hai chục tấm thảm, vài cái đích đá, giáp mũ Taekwondo và… hết.

Được luyện tập ở các võ đường danh tiếng và hiện đại là niềm mơ ước của nhiều võ sĩ.

Tôi cũng từng băn khoăn về điều này. Ai mà chẳng có lòng tham chứ! Tôi vẫn tham một phòng tập như những dojo Karate hiện đại tôi từng thấy ở các thành phố lớn, các phòng tập hiện đại đầy đủ thiết bị như đội Taekwon K-Tiger Hàn Quốc. Thậm chí tôi chấp nhận trở về lại làm một học viên bình thường, miễn sao CLB của tôi có những HLV đẳng cấp như những lò võ danh tiếng.

Thế nhưng, những gì tôi mong ước đó là điều không thể. Những đứa học trò tỉnh lẻ mà tôi yêu mến này không đủ khả năng cho điều đó. Và tôi cũng vậy.

Thế nhưng rồi từ từ tôi cũng quên đi nỗi giằn vặt đó, không phải vì một điều gì đó khiến tôi giác ngộ, mà là vì… tôi không còn con đường nào khác. Tôi vẫn dạy một lớp phong trào lèo bèo, vẫn là một HLV phong trào.

Vừa rồi tôi có vinh dự được gặp một kiện tướng – không phải bộ môn Taekwondo, nhưng vẫn là người tôi mến mộ, tôi mến mộ tất cả những người Việt có thể mang huy chương quốc tế về lại quê hương. Chưa có buổi cà phê nào làm tôi hạnh phúc hơn thế.

Chúng tôi lặng im nghe anh kể về những khó khăn tập luyện, về niềm hạnh phúc trên đấu trường quốc tế. Thế nhưng, khi tôi bắt chuyện và nói rằng tôi ước được tập luyện ở đội tuyển quốc gia như anh, anh bất ngờ trả lời:

“9/10 người ở tuyển quốc gia cũng từ các sân tập phong trào, các sân xi măng như vầy, cũng cầm những cái pad đá cũ rách như vầy thôi em. Anh nói thật đó! 1/10 còn lại là ai đó may mắn từ nhỏ được rèn luyện cùng các anh chị đội tuyển thôi. Phong trào làm cho võ thuật được nhiều người biết đến, luyện tập một môn võ, đồng ý rằng chất lượng không được chuyên như trên tuyển, nhưng muốn có “tuyển” là phải có phong trào”.

Một lớp Taekwondo phong trào ở tỉnh An Giang.
Một lớp Taekwondo phong trào ở tỉnh An Giang.

Anh bắt đầu nói nhiều về việc này, như “bắt trúng đài” vậy, dù trước đó anh rất khiêm tốn khi mọi người hỏi về quá trình anh đánh giải. Anh thường xuyên hỏi những câu hỏi mà trong số chúng tôi, tất cả đều chọn cách im lặng thay vì trả lời:

“Không có phong trào, các em ngày xưa có biết đến Taekwondo hay Karate mà theo tập như bây giờ không?”

“Không có phong trào, bạn bè cha mẹ các em không biết võ thuật là gì, có ích gì, em đi tập sẽ được ủng hộ, yêu mến, kính nể hay khinh ghét, kì thị?”

“Không có phong trào, không ai quan tâm tới võ thuật hết, ai thèm tổ chức giải cho các em đánh nữa?”

“Bây giờ giả sử cứ 100 đứa tập sẽ có 1 đứa cực giỏi. Vậy giữa phong trào mấy trăm ngàn người tập với một bộ môn tuy tập rất chuyên nhưng không nhiều người tập, bên nào sẽ có nhân tài nhiều hơn?”

“Và điều cuối cùng, không có phong trào, sẽ có bao nhiêu người muốn học võ mà không có điều kiện tiền bạc, không có chỗ tập luyện?”

…………

Tôi đem tất cả những điều đó nói với người bạn của tôi, và cũng nhận được sự im lặng tương tự. Cuối buổi cà phê, khi lớp aerobic bên kia bắt đầu tắt đèn ra về, gã quay sang tôi nói:

“Nhiều khi tao cũng mong tỉnh mình có lớp Boxing phong trào lắm mày à. Cả năm nay tao ngứa ngáy tay chân lắm. Có chỗ cho tao đấm là mừng rồi!”

Phong trào lại chính là nền tảng của những thế hệ chuyên môn cao hơn.
Phong trào lại chính là nền tảng của những thế hệ chuyên môn cao hơn.

Tôi cười, không nói gì. Tiền cà phê hôm ấy tôi trả. Và có lẽ cho dù tôi có trả thêm cả tháng cà phê nữa tôi cũng thấy vui lòng. Không có gì vui hơn khi tôi nhận ra chân lý mà lẽ ra tôi nên hiểu kể từ ngày đầu tiên tôi đồng ý về lớp Taekwondo phụ giảng cho chính người thầy dạy tôi ngày xưa. Những bước chân phong trào ở cái tỉnh lẻ nghèo nàn này.

Những bước chân lẽ ra… nên kiên định từ đầu.

Phong trào thì đã sao!

Hồ Võ