Cà phê võ thuật (Kì 3) – Khi con người chiến đấu giống con người

Cà phê võ thuật (kì 2) – Võ thuật và người không học võ

Cà phê võ thuật kì 3 xin phép giới thiệu đến quý độc giả một cuộc trò chuyện thú vị với một con người thú vị về một vấn đề cũng hết sức thú vị…

“Cái thời mà con người chiến đấu giống cọp báo, giống con rồng con hạc đã qua rồi. Đây là thời đại mà con người chiến đấu giống con người.”

Câu chuyện ngày hôm nay đến từ một nhân vật thú vị của làng Brazilian Jiujitsu Việt Nam
Câu chuyện ngày hôm nay đến từ một nhân vật thú vị của làng Brazilian Jiujitsu Việt Nam

Tôi đến thăm phòng tập của anh, sau một thời gian dài quen biết chào hỏi trên mạng, và đó là nhận định đầu tiên của anh ấy khi bắt đầu cuộc trò chuyện. Hẳn là quý độc giả cũng đã nghe nhiều về những câu chuyện, những giả thuyết về sự hình thành của võ thuật Thiếu Lâm – môn võ mô phỏng động tác chiến đấu của các loài động vật.
Đó là những gì mà các bạn đã được nghe rất nhiều lần, và vì thế, trong bài viết này, tôi sẽ không nhắc lại.
Nhưng tôi sẽ nhắc lại câu nói trên: “Đây là thời đại mà con người chiến đấu giống con người.”
– Tại sao vậy? Em thấy võ thuật Thiếu Lâm rất hiệu quả mà.
– Có hiệu quả không nếu như em lấy cây búa đi quét nhà và cầm chổi để rửa chén?
Tôi im miệng. Anh ấy tiếp tục:
– Em có móng vuốt không?
– Dạ không.
– Vậy sao em có thể vả như hổ, cào cấu như mèo?
– Em thấy nhiều võ sư có thể luyện trảo thủ rất tốt…
– Trong bao nhiêu năm? Tại sao em phải tốn hàng chục năm để rèn luyện thứ mà những loài vật bẩm sinh đã có,
– Vì nó có thể làm vũ khí
– Cơ thể con người không có vũ khí sao?
Tôi im miệng lần nữa. Anh ấy mỉm cười bỏ qua chủ đề “võ người, võ thú” và bắt đầu dạy tôi những bài tập sinh tồn đầu tiên của Brazilian Jiujitsu – một trong những môn võ thuộc hệ grappling (khóa siết) nổi tiếng nhất thế giới. Vài tiếng đồng hồ sau đó tôi quay cuồng với những đòn khóa tay, những cú siết cổ, nhưng điều đặc biệt lưu lại trong tôi là câu nói của anh cuối buổi tập:
– Em nghĩ em có thể siết cổ một con cọp bằng cách siết một con người không?
– Không.
– Em có thể bẻ tay một con người bằng cách của một con mèo không?
– Dạ….không.

Các thế võ mô phỏng động tác từ loại vật từ lâu đã là đặc trưng của nhiều bộ môn võ thuật cổ điển, trong đó có Thiếu Lâm

Anh ấy nhướn chân mày và cười. Tôi bắt đầu nhận ra một điều gì đó mâu thuẫn trong suy nghĩ – suy nghĩ của một người sinh ra và lớn lên trong gia đình truyền thống Thiếu Lâm Bắc Phái. Tôi tìm cách chống chế:
– Đó là trong bộ môn BJJ, phụ thuộc vào đặc điểm cơ thể con người thôi. Còn các môn khác…
– Ý em là các môn võ khác không cần dựa trên đặc điểm sinh học con người?
Nói rồi anh vươn tay thực hiện một đòn đấm Jab.
– Đòn này có giống con thú nào không?
– Dạ không.
– Ừ, nhưng nó thuộc về Boxing, một trong những bộ môn nổi tiếng nhất thế giới, đòn đấm này chiếm 60% thời lượng trên sàn đấu. Nó là đòn đấm gọn nhất, nhanh nhất, cần thiết nhất. Và…nó thuộc về con người. Tạo bởi con người. Dùng bởi con người.

Jab – cú đấm quen thuộc trong quyền Anh, và cũng là cú đấm hoàn toàn thuộc về đặc điểm con người.

Tôi về nhà, đem những gì tôi trải nghiệm kể lại với cha mình. Kết quả không như phim, tôi lãnh nhận hai tiếng đồng hồ nghe mắng té tát vì “không có niềm tin vào võ thuật truyền thống, võ thuật ngoài bạo lực còn có các ý nghĩa văn hóa, lịch sử, tạo hình, thẩm mĩ, nghệ thuật, dưỡng sinh….”
Tôi đem những lời đó, cũng nỗi ấm ức trong tôi kể với anh. Anh trả lời:
– Thì ba của em nói đúng mà.
Lại một lần nữa tôi chưng hửng. Rốt cục thì người anh quái gở này đang nghĩ gì và muốn truyền đạt gì?
– Võ thuật cũng giống như một cái viện bảo tàng vậy, nó lưu giữ và bảo tồn nhiều thứ thuộc về lịch sử. Nó đáng quý, đáng tôn trọng, đáng gìn giữ. Nhưng em đang cần gì, dùng gì, làm gì?
– Chiến đấu giống con người?
– Những gì anh nói chỉ là lời khuyên. Lựa chọn là của em.
Tôi không trả lời anh. Nhưng khi đặt tay viết những dòng này đưa đến khán giả, tôi đã có câu trả lời cho chính mình.

“Đây là thời kì con người chiến đấu giống con người”.

Chân thành cảm ơn anh Vũ Đình Tiến, hiện đang luyện tập và giảng dạy Brazilian Jiujitsu tại quận 11, TP HCM.

Chân thành cảm ơn anh Vũ Đình Tiến, hiện đang luyện tập và giảng dạy Brazilian Jiujitsu tại Sói BJJ Tatoo quận 11, TP HCM – nhân vật trong câu chuyện thú vị của Cà phê võ thuật hôm nay.


Hồ Võ