Cà phê võ thuật (Kì 4) – Để bình thản trước những người như anh
Cà phê võ thuật kì 5 xin tạm dừng những câu chuyện, những trăn trở đời thường của võ thuật. Lần này, tôi mong muốn được mang đến quý độc giả một vấn đề nhức nhối và còn nhiều tranh cãi: Võ thuật và bạo lực.
Điều đầu tiên tôi xin phép được nói: Võ thuật là bạo lực. Võ thuật là sản phẩm của con người, và chúng ta là một chủng loài bạo lực. Đó là điều không thể chối cãi.
Điều thứ hai: có khoảng 80% độc giả đang rất muốn phản pháo, chỉ trích tôi về câu nói trên. 20% đang cố tìm kiếm một chân lí nào đó còn tiềm ẩn trong câu nói ấy.
À mà sự thật là cũng chẳng có gì tiềm ẩn để tìm kiếm cả.
Trước khi quý độc chuẩn bị kết tội tôi là một người viết về võ đang bôi nhọ chính những nét nhân văn của võ thuật, thì xin quý độc giả hãy đọc trọn vẹn những lời dưới đây:
Chúng ta có thể tranh cãi với một người khác. Chúng ta có thể tranh cãi với cả một tập thể, một liên đoàn nào đó. Nhưng chúng ta không thể tranh cãi với chính chúng ta – chính những gì trong máu, trong vật chất di truyền của chúng ta, của loài người.
Trong những tháng ngày băn khoăn về yếu tố bạo lực của con người và võ thuật, tôi tìm ra một thông tin quý giá: Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Psychopharmacology chỉ ra, khi con người thực hiện hành vi bạo lực, não bộ tiết ra hormone dopamine như một phần thưởng. Thậm chí hormone dopamine còn giúp não bộ con người có khả năng giả lập, tưởng tượng ra các tình huống bạo lực. Vì vậy, con người càng phát triển càng có xu hướng trở nên bạo lực, hung hãn hơn.
Một nghiên cứu khác vào năm 2008 cũng cho thấy bạo lực “là biểu hiện của sự tiến hóa giúp con người tồn tại được trên Trái Đất”. Trong nhiều nghiên cứu đáng tin cậy của giới khoa học, sự khao khát bạo lực là một trong mười cá tính rõ rệt nhất của loài người. Các bằng chứng sinh học này tồn tại ở mỗi ai trong chúng ta, có thể là tôi, hay cả những người sắp sửa “ném đá” bài viết này.
Thế nhưng, thông tin trên đặt ra cho tôi thêm nhiều câu hỏi, chứ không phải câu trả lời. Phải chăng bạo lực là điều không thể chối cãi ở chúng ta? Phải chăng đã đến lúc ta nên gạt bỏ mọi khái niệm võ đạo, nhân văn trong võ thuật để sống đúng với bản chất bạo lực của loài người – nơi mà võ thuật là công cụ đắc lực để thi hành bạo lực?
Tôi tìm kiếm những bằng chính sinh học ở những loài vật khác – những ví dụ không chịu ảnh hưởng bới nét đặc trưng của loài người: xã hội và văn hóa. Tôi mong mỏi tìm ra được cội nguồn của vấn đề nhức nhối mang tên Bạo lực trong Võ thuật. Tất cả những gì tôi tìm thấy ở đó vẫn là bạo lực đơn thuần. Những loài thú ăn thịt tồn tại tính bạo lực, để săn mồi, để tranh giành quyền sống. Những loài thú hiền lành vẫn tồn tại tính bạo lực, để tự vệ, để sinh tồn.
Và tôi đã tìm ra chân lí đứng giữa Võ Thuật và Bạo Lực từ video clip sau đây – à, dù đó là một video clip không hề nhắc đến võ thuật.
Thực lòng mà nói thì tôi khuyên các bạn không nên xem clip trên (nếu các bạn kịp nhìn thấy dòng này), vì những gì chúng ta cần tập trung đến là những điều tôi sắp tóm tắt dưới đây:
Video clip trên là buổi diễn thuyết của ông Petrus Johannes Mathias “Peter” van Uhm – tổng tư lệnh quân đội Hà Lan, nói về việc sử dụng bạo lực một cách có kiểm soát và hợp lý để bảo vệ hòa bình. Với chủ đề “Tội chọn khẩu súng” giữa một hội nghị nói về hòa bình, ông nhấn mạnh rằng hòa bình cần một bàn tay vững chắc xây dựng nên. Tỉ lệ giết người ở châu Âu hiện nay thấp hơn 30 lần so với thời Trung Cổ, cùng nhiều con số khác về sự sụt giảm tần suất chiến tranh, bạo động, tranh chấp vũ trang xuyên suốt lịch sử loài người cho đến nay. Lời giải thích bất ngờ, nhưng lại hợp lí nhất, đó là chính là sự gia tăng của vũ trang, của khả năng sử dụng bạo lực dưới sự kiểm soát đúng đắn.
Con số không biết nói dối – và những bằng chứng về xã hội một lần nữa giúp ta thoát khỏi vòng tranh luận không hồi kết: Rõ ràng một điều rằng cách sử dụng bạo lực lại là mấu chốt để gìn giữ hòa bình..
Nếu như giữa những quốc gia, những ví dụ ở tầm cỡ lớn lao thì sức mạnh quân sự là lời đảm bảo hòa bình, thì phải chăng giữa mỗi chúng ta, những con người nhỏ bé bình thường, võ thuật và khả năng tự vệ cũng là lời đảm bảo an toàn tương tự?
Vậy phải chăng Võ thuật là phương án sử dụng bạo lực vì hòa bình và an toàn? Là “nhà nước” để kiểm soát kho vũ khí mang tên bạo lực?
Và phải chăng Võ thuật – một dạng “bạo lực được kiểm soát” chính là điều không thể thiếu trong cuộc sống mỗi chúng ta – những con người không bao giờ có thể phủ nhận rằng chúng ta mong muốn được sống an toàn?
Những câu hỏi này, tôi xin nhường câu trả lời lại cho độc giả. Với tư cách một người viết – tất cả những gì tôi mong mỏi đó là dẫn dắt độc giả đến một cái nhìn gần hơn, thật hơn, có thể phũ phàng hơn về võ thuật, về bạo lực trong võ thuật.
Nhìn nhận một lần thật sự thẳng thắn, để rồi ta tiếp tục bước, tiếp tục rèn luyện, tin tưởng và tôn trọng võ thuật. Không nghi ngờ. Không một chút do dự nào nữa. Còn hơn là tiếp tục quẩn quanh giữa những câu hỏi: “Võ đạo ở đâu khi võ thuật là bạo lực, rèn luyện khả năng bạo lực và sử dụng bạo lực?”
Hồ Võ