Đã bao giờ bạn bị ấn tượng và phải giày vò suy nghĩ chỉ vì một câu nói chưa? Tôi thì có đấy!
Cà Phê Võ Thuật (Kì 22) – Môn võ mạnh nhất
Cà Phê Võ Thuật (Kì 21) – Võ và câu chuyện thợ mộc
Tôi tập võ với một thầy người nước ngoài. Thực tình thì thầy không phải võ sư chuyên nghiệp. Thầy theo cô vợ người Việt về xứ sở này để làm kinh doanh, cũng như dự định sống trọn đời ở đây. Nhớ bộ môn võ thuật cũ mà không có phòng tập ở Việt Nam (xin phép được giấu tên bộ môn vì cảm thấy…không cần thiết nêu ra), thầy thuyết phục vợ giành hẳn một tầng lầu, (à thực sự không phải là một tầng lầu, nhưng cái phòng số 3 ấy chiếm gần hết tầng lầu) mua thảm và đống đồ võ linh tinh về mở phòng tập.
Và nghiễm nhiên là thầy trở thành người dạy.
Thực tình thì thời kì đầu tôi không mấy hứng thú lắm – từng luyện tập qua vài môn võ, tôi dễ dàng nhận ra thầy không phải một võ sư thực thụ về mặt chuyên môn. Nhưng điều giữ chân tôi lại chính là cách thầy nhìn nhận về võ thuật, cũng như cách dùng võ trong cuộc sống.
Thầy in decal đánh số lên các cửa phòng. Room 1 là phòng làm việc của thầy và vợ. Room 2 là “thánh địa” mà thầy cấm bất cứ ai đi vào, vì đó là phòng ngủ. Room 3 là cái phòng lộn xộn, bốc mùi và ồn ào nhất – vì đó là phòng tập của tôi và chúng bạn.
Thực sự thì chúng tôi thích Room 4 hơn – vì đó là nhà bếp. Lí do thì có lẽ thì tôi không cần giải thích.
Ngoài việc dạy cho chúng tôi, thầy còn rèn võ cho đứa con trai 5 tuổi của thầy. Một đứa trẻ lai hết sức dễ thương và cũng khá hiếu động. Nó hay đánh chúng tôi trong mỗi giờ tập – dĩ nhiên là cái đập tay của đứa nhóc 5 tuổi chẳng hề hấn gì, và thầy cũng không thấy phiền khi chúng tôi đè nó ra thọc lét.
Thế nhưng, có lần thầy bảo chúng tôi ở lại ăn cơm. Vẫn như mọi khi, con trai thầy quay sang đấm vai tôi. Thầy trừng mắt.
“Room 3 only!” (Chỉ được làm vậy trong phòng 3)
Nó tiu nghỉu, ngó tôi rồi thôi đấm nữa.
Thỉnh thoảng nó cũng đấm tôi khi tôi đi ngang nhà đưa thầy mấy cái đĩa nhạc, và dĩ nhiên nếu nhìn thấy thì thầy sẽ lại la lên: “Room 3 only”
Và…thầy la luôn của chúng tôi mỗi khi chúng tôi xuống nhà lấy xe, đùa giỡn với nhau bằng vài thế võ.
“Hey guys, Room 3 only.” – Này, chỉ được làm vậy trong phòng 3.
Thời gian dài luyện võ cùng thầy, “kết bạn” với thầy (là người nước ngoài nên thầy rất mến những đứa học trò giỏi tiếng Anh như tôi), tôi dần nhận ra nếu không quen biết thầy với tư cách một võ sư từ đầu thì rất khó để biết điều đó. Bên ngoài phòng tập, thầy không hề nhắc đến võ thuật. Không hề vung tay múa chân. Cũng không hề khoe khoang. Có lần tôi xuống tạp hóa kế bên nhà thầy mua nước, cô hàng nước hỏi:
– Con làm gì bên nhà ông Tây đó?
– Dạ tập võ.
– Ủa ổng biết võ hả?
(Khi đó, thầy tôi đã chuyển về đấy ở 5 năm rồi đấy.)
Tôi hỏi thầy về điều đó, thầy bảo (tôi xin phép tạm dịch lại)
– Bây giờ, nếu em bực tức đến điên lên, đến mức muốn…giết, muốn đánh trọng thương một ai đó, nhưng em biết người đó rất giỏi võ, em sẽ làm gì?
– Em sẽ đánh lén.
– Người đó có đỡ được không?
– Chắc chắn không. Dù người đó có giỏi võ đến mấy cũng không đỡ được.
– Vậy nếu như đó là một người bình thường, hiền lành, thậm chí yếu đuối nữa. Nếu nó làm em bực tức đến điên lên, em có làm vậy không, hay chỉ đến và đấm thẳng vào mặt hắn?
– Con sẽ đủ tự tin đấm hắn.
– Thế đấy. Khi ai đó biết con giỏi võ, họ sẽ có cách tốt hơn để làm hại em. Nhưng nếu không, họ có thể tấn công con theo cách ít nguy hiểm hơn, và em chống đỡ được. Võ thuật có thể làm em an toàn hơn. Và việc giấu diếm nó cũng là cách làm em an toàn hơn nữa.
Tôi nhớ mãi những lời đó của thầy. Và có lẽ, cái thói quen nhắc nhở “Room 3 only” của thầy cũng là cách thầy hạn chế việc học trò mình đi “khoe võ” bằng thói động tay động chân.
Và…nó cũng phần nào nhắc nhở tôi rằng, tập võ không phải là tập làm…siêu nhân. Cả siêu nhân cũng có điểm yếu, võ thuật cũng có môi trường thích hợp, lúc nên dùng, lúc không nên để lộ ra.
Thôi thì trước mắt là “Room 3 only” vậy.
Hồ Võ