“Chắc em về lại Underground chơi”. Tôi hỏi lý do, nó chỉ trả lời: “Em không biết, cảm giác em hợp với Underground hơn”. Câu chuyện hôm nay của Cà Phê Võ thuật bắt đầu từ một cuộc đối thoại như thế.
Cà Phê Võ Thuật: Chuyện tình Chungju
Cà Phê Võ Thuật: Chúng ta đang nuôi dưỡng thế hệ của những nạn nhân
Tôi biết chút Boxing, vớ vẩn thôi, đủ để hiểu những cú Jab – Straight – Hook – Overhand của tôi là đúng hay sai. Có một thời gian tôi xa rời những môi trường chơi võ nhộn nhịp để về lại quê nhà bé nhỏ của tôi, nơi chỉ có vài lớp Võ cổ truyền, Vovinam và Taekwondo. Máu ham đấm đá quay trở lại, nhưng tôi lại không muốn trói buộc mình với những lớp tập kiểu như vậy. Thế là tôi cùng bọn “đệ tử” trở thành “võ sĩ công viên” một thời gian dài.
Tôi biết được bao nhiêu thì chỉ lại cho bọn nó bấy nhiêu. Chúng tôi không có gì, không đồng phục, không đai đẳng và danh xưng thầy trò. Cặp găng chúng tôi tập với nhau cũng mua được nhờ tiền hùn lại của mấy đứa học sinh tỉnh lẻ – chẳng bao nhiêu nhưng đủ để gọi là “xa xỉ” với chúng tôi lúc bấy giờ. Chúng tôi không bị gò bó bởi những lời chào ra – vào lớp, giờ tập cũng không. Những buổi tập của chúng tôi ban đầu đều đến từ lời rủ rê trên Facebook. Đứa đi học, đứa đi làm, thời gian để chơi ổn định cũng xa xỉ nốt.
Ấy vậy mà chúng tôi đã chơi với nhau như thế. Đứa này rời, đứa khác vào, tôi cũng đến lúc rời quê nhà để đi làm ở Thành phố, nhóm chúng tôi vẫn tồn tại tới bây giờ, vẫn là bọn “võ sĩ công viên” – thực ra giờ đã khá hơn chút, tập trên những khoảng sân xung quanh nhà văn hóa.
Có một đợt, tôi bất giác gọi chúng tôi là “Underground”. Thực tế từ “Underground” này vốn dùng để chỉ những cộng đồng âm nhạc phi chính thống như rap và hip hop thời kỳ đầu, những người không chạy show, không ra album, vô cùng tự do và thoải mái. Tôi chưa từng nghe bất cứ môn thể thao nào dùng từ “Underground”, nhưng chúng tôi dùng từ đó, vì chúng tôi giống hệt như vậy. Chúng tôi là những đứa Underground thứ thiệt, không bị trói buộc bởi bất cứ thứ quy tắc hay luật lệ nào. Boxing của chúng tôi cũng không “thuần chủng”, cũng có đứa biết thêm đòn chân qua Taekwondo hay Karate rồi “gạ kèo” nhau đánh Kickboxing. Chúng tôi thoải mái mời anh em bạn bè xỏ găng giao lưu mà không cần sợ làm mất mặt người thầy hay môn võ của mình.
Tôi có lòng yêu mến đặc biệt với Underground, nơi lòng đam mê của tôi với võ được hình thành trở lại sau một thời gian dài từ bỏ. Tuy nhiên, tôi thấy chúng tôi không tiến xa được nữa. Những đứa tập chung bắt đầu đánh ngang hàng với tôi, và cả bọn dậm chân tại đó. Chúng tôi chẳng tiến xa được với cái kiểu chơi này.
Rồi cái tỉnh lẻ của chúng tôi có phòng tập Boxing đầu tiên, cũng vừa lúc tôi rời đi xa vì công việc. Tôi nhắn nhủ bọn nó: “Về đó tập đi. Anh không còn gì để dạy các em nữa. Về đó đi để được khá hơn”.
Chúng nó khá hơn thật. Mỗi lần tôi về, chúng nó “đập” tôi nặng tay hơn rất nhiều, và tôi vất vả hơn rất nhiều để giữ cho cái mũi của mình an toàn trước cú đấm của bọn nó. Tôi có đôi chút xấu hổ về trình độ mình, nhưng nhiều hơn là sự tự hào. Tôi đã dẫn dắt chúng nó vào võ, chúng nó bắt đầu yêu võ từ một tâm hồn bình thường và không hề có khái niệm can đảm khi đối đầu. Tôi đã đuổi chúng nó khỏi lối chơi Underground để đi tìm thứ gì đó đàng hoàng hơn.
Quay lại nơi tôi bắt đầu một chút, có một đứa học trò mà tôi rất cưng – nhờ cái tính nết đàng hoàng và độ lỳ lợm của nó khi xỏ găng. Nó tập với tôi từng cú đấm cơ bản cho tới những miếng trick (mánh) mà tôi học được từ những đàn anh ở Thành phố, những trick mà tôi cũng chỉ mới vừa biết. Khi về phòng tập mới, nó cũng là đứa vượt trội và được để mắt rất nhiều. Nó đã được vẽ đường để bước vào đội tuyển chính thức
Vậy mà có lúc nó nói với tôi về việc quay về lối chơi Underground. Nó chấn thương, nhưng áp lực của một đứa được đặt kỳ vọng vẫn ở đó. Có lúc nó buồn chuyện tình cảm, hay chuyện gia đình, muốn nghỉ hẳn ít hôm thì nó lại nghĩ đến việc bị “tuột” phản xạ. Đôi lúc nó thấy ngứa mắt với kiểu đấm đá của đứa này đứa kia ở lò khác nhưng không muốn mở lời giao lưu vì sợ ảnh hưởng tới thầy. Nói chung, mọi thứ chẳng còn như thời ở Underground.
Tôi không vui, cũng chẳng buồn. Nó là thứ cảm xúc gì rất khó hiểu, vừa lo, vừa ủng hộ. Trước hết, tôi vẫn luôn giữ vững một quan điểm to lớn, đó là tôn trọng tính cá nhân trọng quyết định mỗi người. Kể cả việc tôi bảo nó thôi chơi Underground, đó cũng là khuyên chứ không phải bắt ép. Tôi đã cố hết sức để chọn cho chúng nó một con đường tốt hơn, tiến bộ hơn những gì chúng tôi đã từng. Việc nó quay đầu lại là điều tôi không hề nghĩ đến trước đây.
Và tôi nhận ra Underground là một thứ gì đó hết sức thú vị, một lối chơi với sức hút ma mị không tả được. Nó có nhiều yếu kém, thiếu an toàn và chuyên nghiệp, nhưng lại thỏa lòng người võ – vốn là những người đầy đam mê và yêu thích tự do. Tôi cũng biết đến nhiều anh em có trình độ, có nơi chốn tập luyện đàng hoàng nhưng lâu lâu vẫn xỏ găng trên công viên hay góc sân nhà văn hóa với những người mới quen, những anh em lâu ngày không hẹn gặp, những người cho chúng ta cảm giác rất khác những người mà ta tập luyện hằng ngày.
Cà Phê Võ Thuật lần này có lẽ lại phải dừng ở một cái kết bỏ ngỏ. Tôi thích những cái kết mở. Nó vừa cho chúng ta sự tôn trọng với những ý kiến khác biệt, vừa cho chúng ta chọn một quan điểm cho riêng mình. Thực lòng, dù bây giờ đã làm một công việc đàng hoàng và chính thống trong võ thuật, cũng đôi lúc tôi nhớ Underground.
Hồ Võ