Nếu bạn có cùng lúc cả hai niềm đam mê du lịch và võ thuật, thành phố Chungju yên bình giữa miền trung du Hàn Quốc chính là một trong những điểm đến đầu tiên mà bạn cần cân nhắc.
Một vòng tham quan Viện bảo tàng võ thuật thế giới Chungju
4 tựa phim duy nhất tại Viện bảo tàng Võ thuật Thế giới
“Có những người luyện võ vì ham vẻ bề ngoài. Có những người luyện võ vì khả năng thực chiến. Ở đây, bạn sẽ tìm thấy một điều khác từ võ thuật: Sự bình yên”. Đó là điều đầu tiên bạn được nghe thấy, cảm thấy tại Chungju, thành phố đang được xem như quê nhà thứ hai của Taekkyeon – môn võ thuật có hơn 5000 năm tuổi của người Hàn Quốc.
Nếu có dịp đi ngang đường Hoam-dong, trục đường chính ở phía nam thành phố, bạn khó có thể nhận ra khuôn viên tòa nhà Học viện Taekkyeon Thế giới tọa lạc ở số 568 vì vẻ ngoài quá đỗi bình thường của nó. Tuy vậy, nếu bạn có thể hỏi đường bất cứ ai tại thành phố Chungju – từ tài xế taxi cho đến người buôn bán ở vùng ven, bạn đều có thể tìm được câu trả lời chính xác. Đối với người dân Chungju, Học viện Taekkyeon không chỉ là niềm tự hào mà còn là biểu tượng của văn hóa và du lịch. Với kiến trúc giản dị và trang nhã, tòa nhà này được ví như nơi giữ linh hồn môn võ Hàn Quốc duy nhất được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Được xây dựng trong năm 1997 và bắt đầu tổ chức nhiều hoạt động cấp quốc gia kể từ một năm sau đó, Học viện Taekkyeon Chungju ngày nay được xem như “tổ đường” của bộ môn này, là cơ quan của Hiệp hội Taekkyeon Thế giới và cũng là nơi Chưởng môn đương nhiệm sinh sống, giảng dạy.
Trên thực tế, bộ môn Taekkyeon bắt đầu được hình thành cách đây hơn 5.000 và xuất hiện rộng khắp trên toàn lãnh thổ Hàn Quốc nên rất khó xác định đâu mới là nơi khởi phát thực sự.. Tuy nhiên, sau nhiều sự kiện lịch sử, những di sản kỹ thuật của bộ môn này cũng bị tổn hại và thất lạc bởi chiến tranh. Mãi đến đầu thế kỷ 20, Taekkyeon được các bậc võ sư tại Chungju khôi phục lại. Nhiều tài liệu sử học cũng cho thấy Chungju là một trong những vùng đất giàu truyền thống lịch sử và trải qua nhiều cuộc chiến tranh trung đại nhất lịch sử Hàn Quốc, là nơi các môn võ cổ như Ssireum, Taekkyeon, Subakhi… phát triển mạnh nhất thời phong kiến. Vậy nên, Chungju và học viện Taekkyeon tại đây cũng đồng thời được xem như quê nhà của Taekkyeon hiện đại. Ngày nay, Học viện Taekkyeon Chungju còn tham gia nhiều hoạt động quốc tế như cử đoàn tham gia các kỳ Liên hoan Võ thuật Thế giới, tiếp nhận các đoàn võ sinh từ nhiều nước đến Hàn Quốc học tâp, trao đổi văn hóa thông qua võ thuật…
Là một trong những quốc gia tiên phong trong việc gìn giữ và phát triển di sản văn hóa, Hàn Quốc đã cho thấy sự thành công trong việc xây dựng Học viện Taekkyeon Chungju cũng như quần thể kiến trúc xung quanh thành một địa điểm du lịch và trải nghiệm thực thụ. Trong suy nghĩ đơn thuần, một địa điểm như thế này là chỉ nơi để tập luyện võ thuật. Tuy nhiên, tại Chungju nói chung và Học viện Taekkyeon nói riêng, cầu nối giữa các yếu tố như võ thuật – văn hóa – cộng đồng và trải nghiệm cá nhân của mỗi người được hình thành rõ ràng hơn bất cứ đâu. Nó được xây dựng bởi sự đa dạng trong các hoạt động văn hóa, giáo dục,xây dựng cảnh quan và thậm chí từng chi tiết nhỏ nhặt, từng trải nghiệm thú vị xung quanh việc rèn luyện võ thuật.
Nếu bạn chỉ muốn tìm một môn võ để chiến đấu đơn thuần, đừng đến với Taekkyeon, và cũng đừng đến với Chungju. Đó sẽ là một sự uổng phí cực kỳ lớn. Đối với Taekkyeon – điều quan trọng nhất là sự trải nghiệm. Đó không chỉ là hành trình trải nghiệm kỹ thuật cá nhân mà còn là hành trình trải nghiệm của tâm hồn, hành trình hòa hợp với thiên nhiên và với sự yên bình.
“Vẫn chưa đủ đâu. Cách đây hàng trăm năm, người Hàn vẫn thường sum vầy mỗi chiều tối bên đống lửa, người già nướng thịt uống rượu, thanh niên chia nhau ra đấu tập Taekkyeon, cứ như thế ngày ngày tháng tháng võ thuật trở thành một phần của đời sống thường nhật. Đó mới là điều quan trọng nhất của văn hóa võ thuật mà ta cần phải cố tái hiện lại được trong cuộc sống hiện đại này” – đó là điều mà những võ sư cao đẳng của Học viện vẫn thường xuyên nhắc nhở học trò và chia sẻ cùng khách du lịch.
Hồ Võ