Giữa những làn sóng dư luận mang tên Francois Flores – võ sư Vịnh Xuân Canada vừa có chuyến về thăm Việt Nam và khiến làng võ sôi sục, hãy cùng VoThuat.VN chia sẻ một quan điểm khác, một góc nhìn thú vị khác từ những cuộc chiến đậm chất truyền thông này.
HOT: Võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt chính thức nhận lời thách đấu võ sư Vịnh Xuân Francois Flores?
Võ sư Vịnh Xuân Francois Flores: “Tôi đánh thua Tuấn “hạc” vì say cà phê”
Khi làng võ chia năm xẻ bảy với những luận điểm trái chiều, người chê Flores giao đấu bằng đòn “xấu”, người tung hô Võ sư Đoàn Bảo Châu như anh hùng, nhà báo Thế Thịnh – nguyên Trưởng Văn phòng báo Thanh niên tại Đà Nẵng đã có những dòng chia sẻ thú vị trên Facebook cá nhân và đề cập những góc nhìn khiến chúng ta “bừng tỉnh”.
“HỌC VÕ SAO KHÔNG BIẾT TIẾT CHẾ?”
Mở đầu những chia sẻ của mình, nhà báo Thế Thịnh viết:
“Mặc dù, trên trang cá nhân, anh Đoàn Bảo Châu đã thừa nhận những cái sai của mình khi nhận lời đấu với Pierre Francois Flores, người nhỏ hơn mình 11 tuổi và nặng hơn mình 29 kg nhưng tôi cũng xin nói lại, anh đã sai. Cái sai đó nhân lên gấp bội khi xẩy ra với một người thông tuệ như anh.
Các bạn đừng viện dẫn lý do này nọ để thanh minh cho anh Châu nữa.
Chiều nay, cái sai đó lại diễn ra với một người khác, võ sư Trần Lê Hoài Linh, người đã lục tuần, lớn hơn Pierre hai chục tuổi.
Học võ, trên hết là để tự tiết chế bản thân mình, không hiểu sao các anh lại không thể tiết chế được?
Các anh đấu không thể nói vì bản thân mình vì dù sao người ta vẫn coi đó là đại diện của võ thuật nước nhà”
AI NÊN ĐẤU VỚI AI?
Lại nói về những nhân vật tham gia thách đấu, Thế Thịnh cũng tỏ ra không đồng tình. Ông cho rằng:
“Hai cuộc đấu nói trên, xét về giao lưu võ học hay tỉ thí đều không đúng.
Nếu Pierre muốn giao lưu, hãy đến võ đường, đấu với võ sĩ, đệ tử hàng đầu (đại đệ tử) của tôi, cùng hoặc sem sém đồng cân đồng lạng. Sau đó chúng ta bàn luận về chiêu thức. Nếu Pierre muốn tỉ thí, hãy để võ sĩ hàng đầu của tôi tiếp chiêu. Thắng nó coi như thắng tôi.
Tôi không phải coi thường anh nhưng tôi nói thật, ở độ tuổi này rồi nếu tỉ thí tôi chưa chắc thắng mà có thể nói là thua cả đệ tử của tôi. Các tượng đài quyền anh là một ví dụ. Tuổi tác không tha ai bao giờ. Và nếu tỉ thí thì phải dùng hết chiêu thức, không hạn chế, ở một bãi đất, hoặc một võ đài đủ rộng để hai bên đủ đất thi triển.”
KHEN AI, CHÊ AI?
“Chúng ta bị ám ảnh về phim ảnh và truyện chưởng, thực ra thì cả nội công, tuổi già không đủ sinh lực và sinh khí như tuổi trẻ, huống chi là độ nhanh nhạy và sức chịu đòn. Kiếm hiệp là do Kim Dung phịa ra thôi. Võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt, người mà Pierre muốn tìm nhưng ông tránh mặt là có cái lý của ông, năm nay ông 49 tuổi, gọi là năm hạn và tuổi đó cũng gọi là già rồi. Tôi không bênh ông vì tôi cũng không tin màn “xẹt điện” của ông. Tuy nhiên, ông nên mời Pierre đấu với một đệ tử để “giao lưu” thì hay hơn.
Mai Tuấn (Tuấn hạc), người đã cho Pierre hít đất năm 2009, nay Pierre rất muốn gặp lại, theo tôi cũng nên gặp nhưng không nên tỉ thí như hồi đó. Hình như Tuấn hạc cũng muốn thế.
Pierre chu du để giao lưu võ học không có gì sai, cái sai của anh ta là nhận lời đấu (với bất kỳ lý do nào) với người nhẹ cân và nhiều tuổi hơn mình. Rồi báo chí nước ngoài sẽ lấy đó tôn vinh anh, bảng bề dày thành tích của anh dày thêm, có thể là ý đồ, có thể là ngoài ý muốn, nhưng ở một góc nhìn nào đó, tôi thấy anh ta vẫn sân si. (Cú đá cuối cùng của Pierre không phải tiểu nhân hay ác ý, các bạn luyện võ khắc biết, khi ra đòn thường ra liên hoàn, cú đá đó Pierre đã hãm lực rất nhiều rồi)”.
Nhà báo Thế Thịnh chia sẻ quan điểm về những nhân vật được nhắc đến trong những ngày gần đây và cũng không quên “chỉnh” lại suy nghĩ của chúng ta về một nhân vật đặc biệt khác: “Mọi người cũng tức cười, khi anh Đoàn Bảo Châu ngã, chị Hoàng Hương đến đỡ, ôm thì lấy đó ca ngợi hết lời. Ơ hay, vợ đứng đó, chồng ngã, không đỡ, không ôm thì quay người bỏ đi à? Đó là cái nhẽ tối thiểu ở đời thôi, đừng làm quá lên. Chướng.”
THẾ THỊNH LÀ AI? VÌ SAO LẠI “LUẬN” CHUYỆN VÕ?
Cuối những dòng bình luận, nhà báo Thế Thịnh cũng chia sẻ về niềm yêu thích võ thuật cá nhân:
“Vì sao mình theo dõi kỹ vụ này? Là vì mình rất mê võ thuật. Mình có học võ nhưng không bài bản gì, không có sư phụ.
Hồi nhỏ người trong nhà dạy võ gia truyền cho (ông ngoại mình là Lê Phàn, em ông là Lê Viên nổi danh một thời, sách vở còn chép lại. Đến cả Cọc Sào, Cọc Sính là hai tên cướp khét tiếng ở Lệ Thủy, Quảng Bình đưa thuyền buồn đi cướp của, nghe ngoại mình đứng trên bờ đằng hắng phát, khi về còn để trước nhà ông ngoại chum rượu. Ông bị Pháp bắt vô tù nhưng bọn nó một hai gọi ông là Thầy. Sau này ông làm Trưởng ty An ninh đầu tiên của Quảng Bình rồi hy sinh, nay có Nhà lưu niệm ở quê).
Vào bộ đội mình học võ nhưng với nhiều thầy, mỗi thầy một môn. Võ đặc công thì đòn hiểm, chỉ ra đòn bất ngờ, không đối mặt giao đấu. Hồi mới ở bộ đội về mình có mở lớp dạy (không giấy phép) cho thanh thiếu niên trong làng. Dạy võ lấy gạo. Hồi trẻ cũng manh động, hay ỷ ta đây có vài miếng. Oánh nhau chưa hề thua nhưng nhờ đánh úp, hỏi xong chưa, người đối diện chưa trả lời là bụp liền. Thường thì đối phương gục ngay phát đầu. Lúc còn sinh viên, có thằng kích bác (sao người như con mắm lại yêu được (bà xã mình bây giờ) cô đẹp thế), mình thách nó, con mắm à, ra sân bóng đá oánh nhau. Mình lúc đó sốt rét, gầy, chỉ 45kg, cao 1,65m; Nó cao gần mét tám, nặng 80kg, nhưng bụp phát nó gục liền. (Không biết nó trụ được cú ấy thì mình ra sao)… “
Y.N