Để mời được Alain Figlarz tới Việt Nam hợp tác trong dự án mới, đạo diễn Lương Đình Dũng đã phải tốn nhiều thời gian thuyết phục và kinh phí chi trả cho ê-kíp tới từ Hollywood.
Alain Figlarz là đạo diễn hành động sinh năm 1962. Tham gia diễn xuất và chỉ đạo hành động cho hơn 100 bộ phim hành động tại Hollywood, Alain Figlarz được đánh giá là một đạo diễn, một nhà chỉ đạo và điều phối các phân cảnh hành động với nhiều kinh nghiệm. Trong vai trò là đạo diễn hành động, ông phải đảm bảo những cảnh quay xuất hiện một cách chân thực, sống động đem đến những phút giây kịch tính cho người xem nhưng đồng thời phải đảm bảo tính an toàn cho diễn viên và toàn bộ ê-kíp làm phim.
Nhiều bộ phim hành động có sự góp mặt của ông có thể kể đến như Unleashed (2005), Lucy (2014), Taken 2 (2012), Taken 3 (2014)… Trong đó, phải kể đến Taken 2, Taken 3 – chuỗi phim của nam diễn viên chính Liam Nesson nhận đươc sự quan tâm, yêu thích của khán giả và công chúng với nội dung gay cấn, những phân đoạn hành động khốc liệt nhưng chân thực.
Là người có niềm đam mê phim ảnh sâu sắc, đặc biệt là phim hành động, Lương Đình Dũng đã nghiền ngẫm hàng trăm bộ phim Hollywood và ấn tượng với những gì Alain Figlarz đã làm được. Khi quyết định thực hiện bộ phim hành động 578 về đề tài ấu dâm, đạo diễn sinh năm 1973 đã nghĩ đến việc mời chuyên gia võ thuật Taken sang Việt Nam.
“Thú thực tôi rất thích chuỗi phim hành động Taken và những phim do Alain Figlarz chỉ đạo võ thuật, nhân vật trong phim thể hiện những đòn thế trung thực và có tính thực chiến cao, nó đúng với phong cách các nhân vật trong phim 578, vì thế tôi đề xuất mời Alain Figlarz” – Lương Đình Dũng chia sẻ.
Từ mong muốn đến thực hiện với Lương Đình Dũng là một điều không dễ dàng. Các chuyên gia làm phim Hollywood không chỉ có thù lao rất cao mà còn rất khắt khe trong việc nhận lời hợp tác, nhất là từ những nước nền điện ảnh chưa mấy phát triển, vì sợ ảnh hưởng tới uy tín cá nhân. Lương Đình Dũng mời Alain Figlarz vì anh muốn đảm bảo 578 là một bộ phim hành động đích thực. Khi đọc thông tin về Lương Đình Dũng và bộ phim Cha cõng con trên trang điện ảnh nổi tiếng Hollywood reporter và bị hấp dẫn bởi ý tưởng câu chuyện 578, Alain Figlarz đã bị thuyết phục nhanh chóng.
Nhà sản xuất phim hành động 578 chia sẻ: “Chúng tôi đã thảo luận mọi vấn đề xong xuôi với Alain Figlarz và đại diện của anh ấy. Theo kế hoạch, Alain Figlarz sẽ có 5 – 7 tuần cùng nhóm trợ lý huấn luyện các diễn viên hành động trước khi thực hiện cảnh quay. Alain chia sẻ rằng anh ấy rất hứng thú với việc hợp tác với ê-kíp 578. Anh ấy cũng hy vọng lần hợp tác này có thể thành công tốt đẹp và mong muốn sớm được tới Việt Nam”.
578 là bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của đạo diễn Lương Đình Dũng. Bộ phim là câu chuyện về cuộc sống của một người lái xe container và cô con gái bé nhỏ. Cuộc sống du mục của hai cha con trên những hành trình gắn liền với chiếc xe màu đỏ. Cabin xe được người cha trang trí bởi những đồ chơi rực rỡ sắc màu. Cuộc sống cứ như vậy diễn ra cho đến lúc cô bé xa cha đi học. Đến một ngày, người cha được nhà trường thông báo con gái anh đột nhiên bị câm. Người cha càng đau đớn khi biết nguyên nhân cô bé không thể nói được nữa là do bị xâm hại. Sau hành trình tìm kiếm kẻ xâm hại tưởng như bế tắc, người cha lại phải đối đầu với một thế lực đen tối đứng sau. Cuộc đấu trí, rượt đuổi và thanh trừng của người cha đơn độc và một cả một thế giới ngầm bắt đầu.
Chọn 578 – cái tên khiến nhiều người thắc mắc, đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết, “578” là chi tiết quan trọng trong bộ phim, cả về hình ảnh và đường dây cốt truyện, hơn nữa nó khá đặc biệt, dễ tạo ra ấn tượng và dễ nhớ đối với khán giả. Ngôn ngữ điện ảnh sẽ truyền tải câu chuyện của bộ phim 578 một cách chân thực, một câu chuyện nhân văn, mạnh mẽ mang tính thức tỉnh cộng đồng về nạn xâm hại trẻ em.
“Chúng ta phải nghe, phải đọc, phải chứng kiến quá nhiều những câu chuyện buồn. Tôi nghe tiếng khóc, tiếng kêu gào của những đứa trẻ và những giọt nước mắt đớn đau của những người cha mẹ. Tôi cũng tưởng tượng ra tiếng cười của những kẻ bệnh hoạn. Ấu dâm là một nỗi đau nhức nhối của xã hội. Những vết sẹo tinh thần, ám ảnh bao trùm suốt cuộc đời của các em, người thân và gia đình…” – Lương Đình Dũng nói về lý do làm phim của mình.
Các phim điện ảnh thường chuộng quay trong thành phố, kinh phí di động trong 10-20 tỷ đồng. Cha cõng con từng gây xôn xao khi tiết lộ kinh phí 18 tỷ cho một bộ phim không hề có mặt ngôi sao nào. Lần này, Lương Đình Dũng chịu chơi hơn khi định làm một tác phẩm với kinh phí khủng lên tới 60 tỷ đồng.
“Đây là một kịch bản do tôi viết và tôi tâm đắc, nó là một câu chuyện lớn, phức tạp. Sử dụng đến nhiều phương tiện ví dụ như phải cần đến gần 40 xe containe, cháy nổ, trực thăng và 600 diễn viên, hơn nữa phim này phải cần đến ekip chuyên nghiệp của cả Việt Nam, có sự phối hợp của các nhà làm phim Hàn Quốc và Mỹ” – Lương Đình Dũng giải thích.
Theo My Lan