Vothuat.vn – Khoảng giữa thập niên 60 của thế kỷ trước. Đầu đèo Phượng Hoàng thuộc quận Khánh Dương xưa, nay là huyện M’Drack tỉnh Daklak. Người ta thấy xuất hiện một ngôi nhà nhỏ đơn sơ mọc lên thụt sâu bên đường quốc lộ, giữa vùng rừng núi hoang vu.
Thời đó, nạn săn bắn chưa phổ biến. Do vậy thú dữ, nhất là hổ vẫn thường xuyên đe dọa các khu làng ven rừng núi.
Thường thì dân làng có lập một đội thợ săn để tìm diệt ác thú giữ yên cho dân. Các tay thợ săn này tuy không giỏi võ nghệ, nhưng rất gan dạ và nắm được những bí quyết để chiến đấu với thú dữ, đặc biệt là hổ. Vũ khí của họ chủ yếu là cây mác, ngọn giáo, lưỡi sáng choang. Nó trở thành vật bất ly thân khi đi rừng.
Phường săn ở đâu cũng nhận định rằng, yếu điểm của hổ là sợ vật nhọn chông đứng. Do vậy khi đối diện với hổ dữ thì yếu tố bình tĩnh là điều cần thiết, và ngọn mác luôn dựng đứng để phòng hổ phóng tới từ trên chụp xuống.
Khoảng giữa thập niên 60 của thế kỷ trước. Đầu đèo Phượng Hoàng thuộc quận Khánh Dương xưa, nay là huyện M’Drack tỉnh Daklak. Người ta thấy xuất hiện một ngôi nhà nhỏ đơn sơ mọc lên nằm thụt sâu bên trong đường quốc lộ, giữa vùng rừng núi hoang vu. Người dám trụ một mình ở đây phải là một tay không vừa.
Đó là một người đàn ông tầm thước rắn rỏi, khá trầm tính. Cạnh nhà ông là một cái miếu thờ “Ông Hổ”.
Trong một lần tình cờ ghé đây, tôi đã được nghe ông kể về cái duyên cớ mà ông chọn nơi này để ở.
Cha ông là một người nổi tiếng về ngón Võ Hổ ở đất Tây Sơn – Bình Định. Năm đó ông còn nhỏ và theo gia đình rời quê lên vùng này làm đồn điền cho người Pháp.
Khi trưởng thành, ông gia nhập nhóm thợ săn chuyên săn hổ về bán da và nấu cao.
Dân gian thuở đó lưu truyền câu đồng giao “cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận” để nói lên rằng vùng núi Khánh Hoà rất nhiều cọp. Các làng mạc thường xuyên bị cọp về quấy nhiễu, bắt đi gia súc, và cũng đã có mấy người thiệt mạng dưới tay hổ dữ! Đặc biệt có một con hổ cái vô cùng quỷ quyệt và hung dữ. Nhóm thợ săn của ông bàn kế hoạch hạ sát cho bằng được con hổ này để trừ họa cho dân.
Một hôm, lần theo vết máu mà hổ tha mồi đi, thì nhóm thợ săn phát hiện ra hang hổ. Nhóm người lập tức lên phương án đặt bẫy và mật phục trước cửa hang chờ đợi.
Con hổ cái từ trong hang đi ra. Nhưng với tính ranh ma quỷ quyệt, có vẻ nó cảm thấy điều gì đó bất an, nên dừng lại rất lâu trước cửa hang mà không chịu bước ra ngoài.
Cuối cùng nó thận trọng bước ra và đảo quanh cửa hang. Đúng lúc này người trưởng nhóm phát hiệu lệnh để cả nhóm dồn con hổ chạy về hướng đặt bẫy. Tuy nhiên con hổ đã không chạy mà quay lại tấn công họ.
Mũi giáo của người trưởng nhóm phóng tới, con hổ tránh được và lao sang tấn công ông. Khoảng cách rất gần và hẹp nên ông chỉ còn cách cuộn người lăn ngược lại hướng vồ của hổ để tránh. Tuy nhiên cũng không tránh khỏi, vai ông dính một cú vả làm bóc một mảng da ló xương!
Vồ hụt, con hổ điên tiết nhanh chóng quay lại, nó nhắm vào ông lao tới lần nữa. Với kinh nghiệm bản thân và những thế võ đối phó tình huống hổ vồ. Ông ngã người về phía sau và nhanh như cắt dựng đứng ngọn mác lên đúng thời điểm hổ thực hiện cú chụp từ trên xuống. Ngọn mác của ông xuyên thấu phần thân trên con hổ. Hơn 2 tạ thịt của chúa sơn lâm đổ ập phía trước đầu ông. Con hổ cái giãy giụa một chút rồi nằm im.
Nhóm thợ săn đã lần vào hang, họ bắt gặp 3 chú hổ con còn rất nhỏ. Trong đó một con được ông mang về nuôi. Và câu chuyện bắt đầu từ đây khiến cuộc sống của ông chuyển sang hướng rẽ khác.
Dân làng ở đây không bằng lòng để ông nuôi con hổ, vì họ cho rằng hổ cha sẽ tìm đến. Họ buộc ông chọn một trong hai giải pháp: một là thả hổ con vào rừng, hai là mang con hổ đi đến nơi nào đó thật xa để tránh liên lụy cho dân nơi này. Và ông đã quyết định ra đi cùng với con hổ đang lớn lên từng ngày.
Ông đến đây dựng lều và bắt đầu khai hoang canh tác hoa màu cùng với chú hổ con.
Rồi trong một lần gùi nông sản lên chợ trao đổi thực phẩm, thì ông gặp người phụ nữ làng bên. Sau nhiều lần gặp nhau, hai người bén duyên và bà đồng ý về sống cùng ông.
Nói về chú hổ con, nó lớn nhanh như thổi, và đó cũng là nỗi vất vả của vợ chồng ông. Vì hàng ngày ngoài việc nương rẫy thì còn phải giăng bẫy đánh bắt mồi làm thức ăn cho nó. Tuy vậy, đó cũng là niềm vui hàng ngày với vợ chồng ông. Nó luôn quanh quẩn trong phạm vi hàng rào mà không đi đâu xa. Có lẽ còn quá nhỏ để nó có ấn tượng về rừng. Người và thú cứ thế quyện bên nhau chơi đùa như thể đó chỉ là một con mèo to.
Với vốn liếng Võ Hổ của thân phụ ông truyền lại, ông khai thác thêm về những động tác thiên bẩm của chú hổ con đang lớn, trong những lần đùa giỡn. Từ đó ông rút ra nhiều thế đánh của hổ.
Cho đến một ngày. Bản chất hoang dã của con hổ trỗi dậy. Một hôm ông ra rẫy về, không thấy hổ đâu. Chạng vạng tối, hổ mò về cùng với hơn phân nữa con nai nó ngoạm ở miệng bê bết máu.
Ông vừa mừng vừa lo. Hơn ai hết, ông biết con hổ đã bắt đầu trỗi dậy bản năng hoang dã của nó. Săn bắt mồi cũng đồng nghĩa với mùi máu và thịt sống.
Thế rồi con hổ ngày càng ra ngoài nhiều hơn và gầm rống nhiều hơn. Nó bắt đầu có thái độ lạ khi gầm gừ cả với ông. Đó cũng là thời gian vợ chồng ông luôn có nguồn thu nhập kha khá bằng thịt thú rừng mà hổ mang về.
Một hôm, nhân lúc đùa giỡn và tập luyện thường ngày, ông vô tình tung một cú đá vào hạ bộ của hổ trong tư thế nó lao tới vồ ông đang nằm. Hổ trúng đòn gầm lên một tiếng rất to và lao đi mất hút. Một ngày, hai ngày rồi ba ngày…ông mỏi mắt đợi. Cả tháng trời không thấy. Ông buồn bã nghĩ rằng nó đã vào rừng.
Rồi bỗng một hôm. Sáng tinh mơ, ông mở cửa nhìn thấy một con nai to nguyên vẹn, bị vết cắn trên cổ máu còn rỉ ra. Ông reo lên và gọi vợ ra xem.
Tháng lại ngày qua, cứ vài hôm hổ lại tha về cho ông con mồi rồi lặng lẽ bỏ đi. Ông quyết tâm rình xem hổ về lúc nào.
Một lần, hổ vừa về đến sân, nó đánh hơi biết ông đang ở đâu đây, nên vội vàng bỏ con mồi và quay đi, phóng nhanh vào màn đêm mất hút. Từ đó, nó ít về hơn. Nhưng không lần nào nó về mà không có “quà” cho ông.
Rồi chiến tranh nổ ra khốc liệt, một đơn vị quân đội Đại Hàn đến đóng quân ở vùng này. Một hôm, tiểu đội phục kích đã nổ súng giết nó, khi nó vừa về đến đầu con đường mòn dẫn vào nhà, cùng với con nai mà nó bắt được đem về cho ông.
Sáng ra hay tin, ông đã đến chỗ những người lính Đại Hàn, ngậm ngùi xin đem xác hổ về chôn.
Khi hiểu ra sự việc, đơn vị quân đội Đại Hàn tỏ ý lấy làm tiếc. Sau đó họ đã chở xác hổ về nhà cho ông.
Thời gian sau, đêm đêm ông nghe tiếng hổ gầm, và thấp thoáng trong đêm hoặc những lúc tinh mơ mờ ảo của sương mai, ông thấy bóng dáng hổ về.
Ông đem chuyện này kể lại cho những người lính Hàn Quốc. Họ cảm thông và theo nguyện vọng của ông, đơn vị này xây cho ông một cái miếu nhỏ để ông thờ con hổ.
Một số quân nhân của đơn vị này biết chuyện đã đến thọ giáo môn Võ Hổ của ông.
Nhiều năm sau người ta vẫn còn thấy miếu thờ hổ vẫn vẹn nguyên bên ngôi nhà đơn độc nằm giữa núi rừng hoang vu bên cạnh quốc lộ 26 nối liền 2 tỉnh Khánh Hoà và Daklak đoạn vừa qua khỏi đèo Phụng Hoàng.
Tên ông đã trở thành một địa danh trên cung đường này. Gần nhà ông là một cây cầu và được giới xe đò gọi là cầu Ba Danh.
Trong đời sống văn hoá của một số nước Á đông, trong đó có Việt Nam, thì hổ là biểu tượng của quyền uy, vinh quang, sức mạnh, lòng nhiệt huyết, quả cảm và cả sự ranh ma nữa. Không biết từ bao giờ, hình ảnh loài hổ – một trong năm loài động vật (Long – Xà – Báo – Hổ – Hạc) đã xuất hiện và có ảnh hưởng ngày cáng lớn trong nền võ thuật Á Đông.
Châu Minh Hay