Dog Brothers được biết đến như một trong những tổ chức rèn luyện và giao đấu võ thuật thực tế nhất từng có. Và dĩ nhiên, sự thực tế đó đôi khi đi cùng với yếu tố bạo lực.
Dog Brothers – hãy bước đi mỗi ngày như một chiến binh
Chán võ thuật đối kháng, hãy thử xem Dog Brothers thi đấu
Nếu bạn nghĩ MMA là đỉnh cao của thể thao đối kháng đa dạng thì bạn đã lầm. Dog Brothers là một sự kết hợp giữa MMA và vũ khí, và thậm chí là cả team fight (đánh… hội đồng). Được hình thành và xây dựng bởi nhiều thành phần, từ những võ sư hàng đầu nước Mỹ như thế hệ học trò của huyền thoại Dan Inosanto, lính thủy đánh bộ, cựu quân nhân… Dog Brothers ngày nay không chỉ là tổ chức võ thuật đáng gờm mà còn được cộng đồng võ thuật nhiều quốc gia biết đến và tập luyện theo như Dog Brothers. Với tính liên tục, đa dạng và nhịp độ thi đấu cao, Dog Brothers rõ ràng không phải cách chơi phù hợp với “dân tay mơ”.
Tuy nhiên, có một điều thú vị rằng các trận đấu của Dog Brothers chính thống không bao giờ có người thắng cuộc. Ngay từ những năm tháng đầu tiên, võ sư Marc Denny (một trong ba người sáng lập Dog Brothers, hiện đang lãnh đạo các buổi tập lớn và hội ngộ giao đấu) đã đặt ra một điều luật thú vị: “Luôn báo dừng trận đấu bằng tín hiệu “Tie” (Hòa) chứ không phân định thắng – thua”. Trong suốt nhiều năm, đích thân Marc Denny đã làm trọng tài cho hàng trăm trận giao đấu của Dog Brothers, tiếng hô “Tie” của ông dần dần trở thành nét đặc trưng của Dog Brothers.
Tiếng hô ấy không phải một cách báo hiệu đơn thuần. Nó đại diện cho tinh thần và quan điểm ấn tượng của Dog Brothers về thực chiến. Marc Denny đã giải thích như sau:
Theo nhà tâm lý học Konrad Lorenz, có ba nguồn gốc cơ bản của các hành vi bạo lực trong giới sinh vật nói chung: quyền lãnh thổ, sự phân cấp thứ bậc và quyền sinh sản. Điều này đúng trong hầu hết các trường hợp, từ các loài vật như sư tử, chó rừng… cho đến loài người.
Loài người là một sinh vật mang tính cộng đồng (theo quan điểm Darwin), và điều đó đồng nghĩa với việc ý thức phân cấp thứ bậc trong xã hội loài người là rất rõ rệt. Các bộ môn thể thao đối kháng vốn cũng được tạo ra từ tiềm thức khao khát định đoạt thứ bậc của loài người, từ đó hình thành sự thắng thua, hình thành nhà vô địch và kẻ thất bại.
Sự hình thành của “trọng tài” trong thể thao đối kháng là một điểm tiến bộ của loài người trong quá trình thực thi bản năng phân cấp thứ bậc. Tuy nhiên, hãy nhìn lại những loài vật đã từng ngang hàng với tổ tiền loài người, hãy xem chúng phân cấp bậc như thế nào. Chúng không có “trọng tài” và dùng những dấu hiệu rõ ràng như sự tổn thương nặng nề hay thậm chí cái chết để định đoạt phần thắng. Và sự thật là nhiều bằng chứng khoa học đã cho thấy điều này vẫn còn tồn tại trong tiềm thức đối kháng của con người. Một khi ý thức phân cấp thứ bậc còn tồn tại, con người vẫn còn tồn tại động lực để sát thương đối thủ.
Tinh thần của chúng tôi (Dog Brothers) là chuẩn bị cho nhau khả năng đối kháng để bảo vệ bản thân và những điều thân thuộc, những điều đúng. Xin nhắc lại, là CHO NHAU. Triệt tiêu lẫn nhau là điều cấm kỵ trong cộng đồng tập luyện và giao đấu của Dog Brothers. Vì thế, dù các trận đấu được giám sát bởi trọng tài, chúng tôi vẫn đi đến một quyết định đặc biệt: Cấm đề cập đến yếu tố thắng – thua trong mỗi trận đấu mà chỉ tuyên bố “Hòa” (Tie), bất kể trận đấu đó diễn ra và kết thúc như thế nào. Đó là nỗ lực của chúng tôi để xóa bỏ hoàn toàn tiềm thức phân định đẳng cấp trong tập thể Dog Brothers, từ đó giúp các trận đấu diễn ra an toàn và lành mạnh hơn. Hình thức thi đấu của Dog Brothers vốn đã đủ bạo lực rồi!
Hồ Võ