Dù liên tục công kích và đòi kiểm chứng nội công của Nam Huỳnh Đạo, nhất quyết không chịu “buông tha” từ những lời thách đấu trên Facebook cho đến việc trực tiếp về Việt Nam… nhưng võ sư Vịnh Xuân Nam Anh Francois Flores không hẳn là người có thái độ “thù địch” với cả làng võ.
Lý Tiểu Long hết lời khen ngợi bộ môn Thái Lý Phật
Vịnh Xuân Nam Anh nói gì khi Nam Huỳnh Đạo từ chối tiếp Flores?
Ngược lại, Flores đã có nhiều cuộc giao lưu võ thuật thân tình với các võ phái khác nhau và kết tình hảo hữu, đặc biệt là với Hậu Hồng Thắng Thái Lý Phật Tp.HCM.
Theo anh B.C.Nhân, một trong những võ sư hiện tại của Thái Lý Phật, Flores từng vào Tp.HCM năm 2010, tức là một năm sau khi ông bị cao thủ Vịnh Xuân Tuấn “Hạc” đánh bại tại Hà Nội. Cùng với một người sư huynh tên Cyril, Flores đã đấu tập – giao lưu nhẹ nhàng với các võ sư – võ sinh Hậu Hồng Thắng Thái Lý Phật mà không để xảy ra bất cứ xích mích hay mâu thuẫn nào. Chỉ tiếc rằng, thời điểm đó các phương tiện ghi hình chưa được phát triển mạnh nên câu chuyện giữa Flores và Thái Lý Phật năm 2010 chỉ là kỷ niệm được khắc ghi bởi chính những người trong cuộc, cùng với video clip sau:
Không chỉ kết giao như bạn bè mà 4 năm sau đó, Flores tiếp tục gửi hai đệ tử là Ali Cote và Belal Veve về TP.HCM để tìm gặp các võ sư Thái Lý Phật để giao lưu. Trước khi về nước, hai môn sinh Vịnh Xuân Nam Anh còn gửi lại bình rượu thay lời cảm ơn và cũng là tiếp nối sự yêu mến của Francois Flores dành cho dòng võ Hậu Hồng Thắng Thái Lý Phật.
Trong lần trở lại này, giữa những ngày tháng lùm xùm từ Nam ra Bắc, Flores vẫn dành rất nhiều thời gian để tìm gặp và trò chuyện với những người bạn cũ Thái Lý Phật. Ông thường xuyên nhắc lại câu chuyện về Thái Lý Phật với các bạn bè, học trò, đề cao tinh thần cầu thị và sở thích giao lưu võ thuật trên tiêu chí tôn trọng, trung thực và chân thành của người Việt Nam.
Đây không phải là lần duy nhất Flores đại diện Vịnh Xuân Nam Anh kết giao với các môn võ khác. Thậm chí, trong một hoàn cảnh căng thẳng hơn, Flores cũng làm được điều tương tự. Một người bạn cũng từng giao thủ với Flores, tay đấm Sylvera Louis là võ sĩ vô địch quyền Anh hạng bán nặng năm 2014 của Canada. Louis từng đến võ đường Flores để thách đấu vì một xung đột với một huấn luyện viên cao cấp của Vịnh Xuân Nam Anh, Tuy nhiên vụ việc đã được giải quyết êm đẹp và hôm sau Flores có đến phòng tập của Louis nhằm giao lưu kỹ thuật một cách thân thiện. Có thể thấy, trái với những lời thách đấu dồn dập nhắm vào Nam Huỳnh Đạo, Flores là một võ sư – một người yêu võ có phần rất đáng mến và hảo hữu.
Trong trận đấu với võ sư Đoàn Bảo Châu, Louis là người luôn theo dõi từ đầu tới cuối trận. Trong lần đến Việt Nam, tay đấm Boxing này cũng đã có tham gia một vài trận giao hữu với VĐV Việt Nam. Louis đang giữ thành tích 8 trận thắng và 5 thua, đa số chiến thắng của Boxer này đều bằng KO. Louis vốn thi đấu ở hạng bán nặng nên thể hình vượt trội so với đại đa số tay đấm Việt Nam.
Lại nói về Thái Lý Phật, không phải tự nhiên mà đây là một trong những võ phải mà Flores phải đặc biệt quan tâm khi đến Việt Nam những lần đầu tiên. Chính huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long cũng từng công khai khen ngợi môn võ này, bất chấp việc phải “làm lơ” với Vịnh Xuân – môn võ mà Lý Tiểu Long chịu ơn nhiều nhất. Tuy có phần lớn thời gian sinh sống tại nước ngoài, Lý Tiểu Long vẫn đặc biệt quan tâm nghiên cứu võ thuật cổ điển Trung Hoa. Không ai biết chắc việc ông có từng tập Thái Lý Phật hay không, tuy nhiên huyền thoại họ Lý từng công khai khen ngợi Thái Lý Phật. Ông nói: “Nếu có một môn võ Trung Quốc có thể đối đầu với người Thái mà không sợ thất bại, đó chính là Thái Lý Phật”. Trên thực tế, vào thời điểm Lý Tiểu Long nói câu này (cuối thập niên 60), môi trường giao lưu võ thuật châu Á đã bắt đầu mở rộng nhờ sự phát triển của thương mại hàng hải, rất nhiều võ sư Thái Lý Phật đã đến đất Thái giao đấu và khẳng định thực lực. Khi Trung Quốc bắt đầu hình thành bộ môn “Tán thủ đả lôi đài” hay “Tán đả” – Sanda, tức là Tán thủ thể thao bây giờ, Thái Lý Phật là một trong những “thế lực” đầu tiên xưng bá trên sàn Tán đả trước khi Tán thủ xuất hiện sự đồng hóa kỹ thuật đến tận ngày hôm nay.
Y.N