Giải đấu võ thuật Coco Championship (Đà Nẵng) trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng võ thuật thời gian quan không chỉ vì có sự xuất hiện của “cố vấn” Johnny Trí Nguyễn – người liên tục vi phạm về việc tổ chức các giải đấu võ thuật trong 4 năm qua mà còn bởi một hệ thống luật đấu đậm tính bạo lực.
Clip: K-Tiger biểu diễn Taekwondo đẹp không “góc chết” ở Đà Nẵng
Đà Nẵng sẽ tổ chức thi đấu MMA?
LUẬT KAD CHUEK?
Trên trang web truyển võ sĩ của giải, phần Điều lệ thi đấu được ghi rõ “Võ sĩ quấn bảo hộ tay theo kiểu Muay Thái cổ điển”. Dựa theo mô tả và clip minh họa, đây là kiểu quấn “Kard Chuek”. Điều đáng nói rằng đây không phải là kiểu bảo hộ của Muay Thái hiện đại hay bất cứ một giải đấu nào khác.
Trên thực tế, Kard Chuek là kiểu bảo hộ của các võ sĩ Muay cổ. Kể từ năm 1929, do có quá nhiều võ sĩ tử vong vì độ tàn khốc cũng như kiểu bảo hộ này, chính quyền Thái Lan đã ban hành lệnh buộc tất cả các trận đấu phải dùng găng đấm box (lúc bấy giờ là găng mufflers được các võ sĩ Boxing Philippines đem vào Thái Lan giới thiệu, sau này Muay Thái và Boxing phát triển 2 dòng găng riêng).
Đến năm 2013, Kard Chuek hiện diện trở lại lần đầu tiên tại Thai Fight, một giải đấu mang tính chất quảng bá Muay Thái ra phạm vi thế giới. Một số trận đấu đặc biệt giữa các võ sĩ có trình độ cao đã được cho phép sử dụng Kard Chuek nhưng không giống hình thức cũ mà được đệm gạc rất nhiều để giảm sát thương. Bản thân các võ sĩ cũng phải trải qua một thời gian dài thi đấu ở nhiều hệ thống giải chuyên nghiệp khác nhau để chứng minh được rằng họ đủ trình độ để giữ mình an toàn trong luật đánh Kard Chuek. Dẫu vậy, rất nhiều trận đấu Kad Chuek vẫn kết thúc với những chiếc găng quấn vải đầy máu.
Cho đến nay, chỉ có rất ít võ sĩ chuyên nghiệp Thái Lan được thi đấu theo luật Kard Chuek như Saenchai, Saiyok… Có thể thấy, đây là luật đấu hoàn toàn không phù hợp với Việt Nam, nơi Muay Thái chưa phát triển theo hướng chuyên nghiệp.
BỘ LUẬT “LAI” MMA NHƯNG RẤT THIẾU KHOA HỌC
Một điều đáng nói khác đó là bộ luật thi đấu “lai” theo võ tổng hợp MMA. Theo bộ luật do trang web Tuyển võ sĩ của giải Coco Championship đưa ra, có rất nhiều điều khoản luật cấm chỉ có thể được thực hiện khi võ sĩ sử dụng găng và thi đấu theo kiểu MMA như “Móc họng, móc mũi”, “Nắm, bẻ ngón tay, ngón chân”, “Cào, cấu, ngắt nhéo” hay “Đánh với lòng bàn tay mở”. Điều này khiến người ta dễ dàng nhận ra điểm vô lý và thiếu khoa học trong luật đấu mà Coco Championship đưa ra, đó là điều khoản “không tấn công khi đối phương ở dưới đất hoặc trong lúc đang đứng lên”. Đây là điều luật duy nhất chứng minh giải đấu này không phải một giải MMA, nhưng nếu đã không phải luật MMA, vì sao lại phải mạo hiểm sức khỏe của các võ sĩ để buộc họ sử dụng găng hở ngón Kard Chuek, hoặc nếu đánh luật sử dụng găng bình thường như các giải Muay Thái hoặc Kickboxing, tại sao những điều luật chỉ có ở găng hở ngón như “cấm bẻ ngón” hay “cấm đánh bằng lòng bàn tay mở”. Trong khi đó, những điều luật cơ bản và đáng bị cấm như chỏ cắm 12 – 6 (bị cấm trong luật Muay Thái nghiệp dư) lại không hề được đề cập.
Sự bất hợp lý, thiếu logic kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” giữa 2 hệ thống luật MMA và Muay Thái này chỉ đơn giản là sự yếu kém trong khâu quản lý của BTC giải hay xa hơn nữa là một phần trong kế hoạch “lách luật” để đưa MMA vào Việt Nam theo con đường qua mặt cơ quan quản lý thể thao như Johnny Trí Nguyễn đã từng làm? Việc sử dụng hệ thống luật chưa từng xuất hiện tại Việt Nam, chưa từng được bất cứ bộ môn, hay tổ chức quản lý thể thao nào đứng ra kiểm tra độ an toàn và phụ hợp của nó liệu có dấy lên một tiền lệ xấu cho làng thể thao Việt Nam, khi sự an toàn của võ sĩ bị bỏ mặc, vai trò quản lý của các cấp chính quyền bị xem thường và môi trường thể thao – võ thuật Việt Nam xuất hiện những giải thậm chí còn không có tên luật đấu?
Trao đổi với VoThuat.VN, Phó GS-TS Lê Bửu, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT bức xúc: “Tôi không thể tin là một giải đấu bạo lực và dã man như thế này lại được tổ chức tại Việt Nam. Gần đây đã có vài tổ chức cố tình lách luật để tổ chức các giải đấu võ thuật bạo lực chỉ vì lợi ích kinh tế đã để lại những tiền lệ rất xấu cho thể thao Việt Nam. Vấn đề ở đây là vai trò quản lý, giám sát của ngành thể dục thể thao ở đâu khi mà họ ngang nhiên tổ chức thi đấu dù biết là TC TDTT đã cấm không cho tổ chức thi đấu MMA? Và dù họ lách luật bảo đấy không phải là MMA thì một thể thức thi đấu bạo lực, tàn bạo và đi ngược lại thuần phong mỹ tục của Việt Nam, chưa từng được cơ quan nào thẩm định và cho áp dụng tập luyện – thi đấu tại Việt Nam thì cũng nên xử lý một cách thích đáng. Với tư cách là một công dân và người từng quản lý ngành, tôi sẽ đích thân trao đổi với các lãnh đạo của Tổng cục để làm rõ vai trò quản lý của các đơn vị quản lý thể thao các cấp, nhất quyết không để những sai phạm nghiêm trọng như thế tái diễn trong tương lai”.
Về trách nhiệm của cơ quan quản lý? Ai là người cấp phép cho giải đấu này, và liệu Sở VH-TT Đà Nẵng đã biết đến viêc giải đấu bạo lực này đã được tiến hành tổ chức? VoThuat.VN sẽ tiếp tục đưa tin trong những bài viết tiếp theo.
VoThuat.VN