(VoThuat.vn) – “Trước khi đến Triều Tiên thì đây là một đất nước hoàn toàn xa lạ với tôi. Tôi chỉ được nhìn ảnh lãnh tụ Kim Nhật Thành bên ảnh lãnh tụ các nước XHCN”.
- Vệ sỹ của lãnh đạo Triều Tiên: “Mình đồng da sắt”, không sợ súng đạn
- Kinh ngạc dàn “vũ khí lạnh” của Đặc nhiệm Nga
Năm 1965, trong đoàn 200 học sinh ưu tuyển sang Triều Tiên tu nghiệp có anh chàng quê Phú Thọ Lê Ngọc Minh, sau này đã trở thành một võ sư có tiếng của Việt Nam, từng giữ cương vị phó chủ tịch Liên đoàn Vật châu Á, nguyên trưởng bộ môn võ thuật Ủy ban Thể dục thể thao Việt Nam.
Những ấn tượng đầu tiên
Ở tuổi 74, võ sư Lê Ngọc Minh vẫn còn nhớ như in ký ức của tuổi đôi mươi ở đất nước Cao Ly. Tất cả lưu học sinh Việt Nam tới Triều Tiên năm 1966 lúc bấy giờ đều được tập trung đến trường Đại học Tổng hợp Kim Nhật Thành để học dự bị một năm ngoại ngữ trước khi được học ở các trường đại học khác nhau. Đây là trường Đại học lớn nhất của Bình Nhưỡng, nhà cửa khang trang, khuôn viên rộng rãi, có sân vận động riêng, nhiều cây xanh rất đẹp.
Ông Minh vào sống ở ký túc xá của trường, mỗi phòng 3 sinh viên, trong đó có 2 người Việt Nam và 1 bạn Triều Tiên.
“Ngoài cơm, chúng tôi làm quen dần với các món ăn của bạn như rong biển nấu canh, cá biển, thịt lợn. Thời tiết ở Bình Nhưỡng rất lạnh, về mùa đông phải mặc quần áo măng tô dày, mũ lông che kín. Nhưng bù lại được nhìn cảnh tuyết rơi tuyệt đẹp, có lúc cả thành phố trắng xóa, lấp lánh dưới ánh mặt trời”, ông Minh kể.
Cuối năm 1967, sau khi vượt qua kỳ thi tiếng, anh sinh viên Minh sau đó được phân vào học Trường Đại học võ bị Bình Nhưỡng. “Năm đầu tiên, chúng tôi được giáo viên hướng dẫn tập các động tác bổ trợ nâng cao thể lực và các thế tấn. Các thầy giáo Triều Tiên rất nghiêm khắc, sinh viên mệt không chạy được thầy cho người dìu lên núi chứ không cho nghỉ, không cho đi bộ. Đặc biệt tập ngã là môn khó chịu nhất. Sinh viên không ngã, giáo viên có những động tác khiến mình bị ngã bất ngờ, hết tập lại ngâm nước lạnh hoặc nước nóng”, ông Minh bồi hồi nhớ lại.
Người thầy Triều Tiên và quyết định “định mệnh”
Vì không quen, ông Minh lúc bấy giờ từ đầu đến chân đau nhức, đêm mất ngủ, người gầy rộc, đã có lúc nghĩ đến chuyện bỏ cuộc.
Nhớ như in quyết định năm đó, ông Minh kể: “Trong một phút hoang mang yếu đuối tôi chợt nghĩ không thể theo học các môn võ được. Ý nghĩ bỏ học lớn dần và rồi tôi đi đến một quyết định vội vàng: Cáo bệnh xin về nước”.
Nghĩ vậy, ông Minh lên gặp ban giám hiệu nói không thể tiếp tục học được vì lý do sức khỏe. Ban Giám hiệu cho mời thầy Cho Jong Nam, người trực tiếp hướng dẫn ông Minh lên, đại diện Đại sứ quán và và ông Minh để trao đổi làm rõ. Khi Ban Giám hiệu hỏi, bất ngờ thầy Cho Jong Nam rút chiếc thẻ Đảng đặt lên bàn và nói: “Với tố chất thể thao của Lê Ngọc Minh và kinh nghiệm huấn luyện của tôi, nếu anh ta không đạt bằng đỏ, đai đen tôi xin trả lại thẻ cho Đảng”.
Lời nói của người thầy Triều Tiên đã khiến ông Minh như bừng tỉnh. “Sao một thầy giáo nước bạn lại dám mang cả sinh mạng chính trị của mình ra bảo đảm mà tôi lại yếu đuối đến thế”.
Bạn bè trong nước gửi thư động viên, nói công an đang rất cần người học võ ở Triều Tiên về dạy. Kể từ đó, ông Minh tĩnh tâm lại và quyết tâm theo đuổi con đường “rèn võ” trong một tâm thế mới.
Trở lại nhịp học tập, ông Minh chọn nghiên cứu và đi sâu vào một đòn trong võ Judo, môn võ phù hợp với tầm vóc trung bình của người Việt. Luận văn của ông được ban giám khảo cho điểm 10, ông được cấp bằng đỏ, lên đẳng võ sư đai đen. Ông đã xúc động ôm lấy thầy Cho Jong-nam, người đã thay đổi cả cuộc đời mình.
Trở về nước cuối năm 1972, ông Minh làm giáo viên Khoa Võ thuật, ĐH Thể dục thể thao Trung ương. Đến năm 1978, ông nhận nhiệm vụ trưởng bộ môn võ thuật của Tổng cục Thể dục thể thao. Năm 1980, ông Minh là thành viên dẫn đoàn thể thao Việt Nam dự Thế vận hội mùa hè lần thứ XXIII (năm 1980) ở Liên Xô trước đây.
Vào năm 1992, ông Minh có cơ hội trở lại Bình Nhưỡng với vai trò trưởng đoàn kiêm HLV trưởng đoàn các võ sĩ Taekwondo Việt Nam dự Giải Vô địch Taekwondo thế giới tại Bình Nhưỡng. Lần này trở lại, ông thấy Bình Nhưỡng vắng vẻ và cuộc sống người dân còn khó khăn.
Sau này, ông và nhóm lưu học sinh ở Việt Nam từng học tại Triều Tiên tổ chức quyên góp gạo gửi tặng người dân nước bạn. Những năm khổ luyện trên đất bạn đã góp phần hết sức quan để “làm nên” một võ sư Lê Ngọc Minh ngày hôm nay và ông Minh luôn biết ơn điều đó.
“Tôi được như ngày hôm nay, trở thành con người của ngày nay là nhờ Đảng và nhà nước Việt Nam cử đi học tập tại Triều Tiên và nhờ con người, đất nước, thầy giáo và các bạn học Triều Tiên những năm đó”, ông Minh nói.
Anh Thư (T.H)