Cuộc đấu “võ mồm” giữa võ sư Flores và Cung Lê vẫn chưa dừng lại. Và làng võ lại tiếp tục xôn xao trước những thông tin về trận đấu này.
- Flores nhượng bộ, chấp nhận thi đấu có bảo hộ với Cung Lê
- Vì sao Flores luôn muốn thi đấu theo “luật rừng”?
Võ sư Châu Minh Hay – một môn đồ của môn võ Vovinam – Việt Võ Đạo, võ sư đã có rất nhiều bài viết hay, sâu sắc về võ thuật và võ đạo. Những câu chuyện, triết lý về Võ thuật được võ sư cảm nhận và viết ra đăng tải trên trang Blog cá nhân nhận được sự ủng hộ và quan tâm của nhiều tín đồ đam mê Võ thuật. VoThuat.vn xin giới thiệu bài viết của võ sư Châu Minh Hay nói lên góc nhìn của ông về trận đấu này.
Trong mấy tuần qua, giới võ thuật trong nước đang xôn xao và mong đợi một trận đấu hứa hẹn nhiều hấp dẫn giữa 2 đấu thủ khá quen thuộc với giới hâm mộ võ thuật của Việt Nam: nhà vô địch gốc Việt môn MMA, võ sĩ Cung Lê và Chuẩn võ sư phái Vịnh Xuân Nam Anh- Flores.
Trong thể thao nói chung và võ thuật nói riêng, ngoài sự tôi luyện, khả năng chuyên môn thì các yếu tố bất ngờ đều có thể xảy ra. Hay nói cách khác là tất cả còn ở phía trước. Khi nào cánh cửa đấu trường khép lại thì mới thực sự có kết quả cuối cùng.
Tuy nhiên dưới góc nhìn và suy luận cá nhân của một người yêu võ thuật thì không chỉ Chuẩn võ sư người Chile của môn phái Vịnh Xuân Nam Anh, mà tất cả các võ sư của các võ phái truyền thống khác cũng cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định “chạm trán” thực sự với các chiến binh MMA. Những “con gấu” lấy sàn đấu làm nhà, lấy chiến thắng làm sự nghiệp.
Bởi MMA là một trong số ít các môn võ mang tính thực chiến 100%. Họ, những người chọn sàn đài làm sự nghiệp và họ đã không mất quá nhiều thời gian vào các chiêu, thức, quyền, thảo nặng tính bảo tồn truyền thống và biểu diễn hơn là thực chiến.
Cùng một thời điểm bước vào ngưỡng cửa võ thuật và cùng có thời gian luyện tập như nhau, các võ sĩ của môn võ truyền thống trong khi còn gò tới gọt lui bộ tấn hàng chục lối, cái căn bản của võ thuật truyền thống thì võ sĩ MMA đã có thể tung những cú đấm sấm sét lên người đối phương, và những cái lách người, hụp đầu tránh đòn một cách chuyên nghiệp rồi!
Trong khi các võ sĩ truyền thống còn lay hoay với các ràng buộc mang tính giáo điều của môn phái thì các võ sĩ MMA đã có những trận đấu đổ máu trên sàn đài.
Là một môn võ thực chiến hoàn toàn nên cách luyện tập kiểu “con sói đơn độc” rất khắc nghiệt đã hun đúc họ trở thành một võ sĩ chuyên nghiệp thực thụ, bởi họ đã xác định đó là sự nghiệp rồi.
Một số ý kiến cho rằng, các võ sĩ của các môn võ truyền thống nếu sử dụng những đòn hiểm có thể hạ gục đối phương mạnh và chuyên nghiệp như MMA.
“Đòn hiểm”? Đó chỉ là khái niệm của người không biết võ!
Trong võ thuật không có đòn nào là đòn hiểm và cũng không có đòn nào không hiểm!
Hiểm ở đây được hiểu là gây nguy hiểm tới tính mạng tức thì hay tổn thương lâu dài có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt của con người.
Trên thực tế thì cơ thể con người có khá nhiều điểm yếu, nếu vô tình hay cố ý tác động vào những chỗ yếu đó đều có thể gây tử vong tức thì hay gây tổn thương cấp kỳ và cũng có thể để lại di chứng lâu dài.
Hãy nói xem, một đòn đấm thẳng (thôi sơn) hay gọi là “cú directe”, ai mới bước vào tập võ đều học đòn đấm này, nhưng nếu đấm trúng vào cổ, yết hầu, hay giữa huyệt Ấn đường, Thái dương, Nhân trung, Trung quản… thì kết quả ra sao?
Một cú đá rất cơ bản nhưng đá trúng vào các yếu điểm như hạ bộ hay động mạch chủ dưới quai hàm thì sẽ ra sao? Có ai bảo đòn đá đó là đòn hiểm không? Chắc chắn là không, mà đó là những chỗ hiểm yếu trên cơ thể!
Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả các đòn đánh vào các vùng hiểm yếu của đối phương cũng không đơn giản tí nào!
Do vậy, yếu tố đem lại chiến thắng cho một võ sĩ là: ngoài kỹ thuật đòn thế thì tốc độ, thể lực thì còn tính đến sức chịu đựng cùng với kinh nghiệm chiến đấu nữa.
Một đòn rất đơn giản nhưng được võ sĩ tập cả trăm, cả nghìn lần trong một ngày thì tốc độ và cường độ sẽ làm nên chiến thắng đấy.
Anh Thư (T.H) – Theo Võ sư Châu Minh Hay