Lee Barden – huyền thoại côn nhị khúc hiện đại qua đời ở tuổi 56

Lee Barden là một trong những người đầu tiên khai sáng dòng côn nhị khúc biểu diễn hiện đại, và là một trong những nhà hoạt động võ thuật nổi tiếng nhất nước Mỹ. Sau một thời gian chống chịu căn bệnh ung thư, ông qua đời vào ngày 3/3/2017 vừa qua tại Florida, Mỹ.

“Thánh côn” Lee Barden bất ngờ khen ngợi côn nhị khúc Việt

Diễn viên phim Bụi đời chợ Lớn qua đời ở tuổi 33

Năm 1973, ở tuổi 13, Lee Barden được truyền cảm hứng từ những thước phim của Lý Tiểu Long. Ông bỏ nhà đi tìm kiếm nơi tập luyện côn nhị khúc, phiêu bạt qua nhiều vùng đất từ Canada cho đến California, Anaheim. Thậm chí, ông thừa nhận rằng có những lúc ông đã sống như một gã ăn mày thực sự. Trở về nhà với hai bàn tay trắng ở tuổi 19, ông tiếp tục gia nhập Hải quân với ước mơ có điều kiện đi đến nhiều vùng đất xa hơn để tìm người giảng dạy côn nhị khúc. Những mảnh đất châu Âu, Trung Đông… lần lượt khép lại cánh cửa ước mơ của chàng thanh niên gan lỳ.

Võ sư Lee Barden. Ảnh chụp không lâu trước ngày mất.
Võ sư Lee Barden. Ảnh chụp không lâu trước ngày mất.

May mắn mỉm cười với ông khi “người thầy vĩ đại” mà ông tìm kiếm nhiều năm cuối cùng cũng xuất hiện. Ông dạy cho Barden những khái niệm đầu tiên của côn nhị khúc cũng như bài học để đời.

“Anh hãy cầm lấy cây côn này” – Lee Barden nhận lấy cây côn nhỏ dẹp với đường kính chỉ tầm 2,5cm, khác hẳn côn nhị khúc mà anh từng thấy trên phim Lý Tiểu Long.

“Nhưng nó nhỏ quá” – Barde ngại ngùng

“Nhỏ đối với ai?”

Lee Barden luôn tích cực tham gia các hoạt động đào tạo, truyền bá võ thuật nói chung và côn nhị khúc prochux nói riêng.
Lee Barden luôn tích cực tham gia các hoạt động đào tạo, truyền bá võ thuật nói chung và côn nhị khúc prochux nói riêng.

Câu hỏi vặn ngược lại ấy như một điều ám ảnh trọn vẹn sự nghiệp Lee Barden. Ông dần hiểu được rằng hình dáng to nặng với những sợi xích dài chỉ là một định kiến về côn nhị khúc, và đó không phải là quy cách duy nhất của một cây côn nhị khúc. Cùng với việc tập luyện nhiều môn võ thuật khác như Vịnh Xuân, Kenpo, Karate, Triệt quyền đạo, Kali… Lee Barden tiếp tục phát triển các kỹ thuật sử dụng côn nhị khúc dây ngắn (dòng côn sau này được ông gọi là “prochux”, đồng thời hoàn thiện dòng kỹ thuật biểu diễn côn nhị khúc Lissajous-do, một trong những hệ thống kỹ thuật có ảnh hưởng lớn nhất đối với côn nhị khúc hiện đại.

Một trong những điều ấn tượng nhất mà Lee Barden đã từng thực hiện trong cuộc đời mình đó là mạnh dạn thay đổi hình dáng côn nhị khúc theo xu hướng nhỏ ngắn hơn, khai thác tối đa tính linh hoạt mà không làm mất đi quá nhiều uy lực vốn có của loại vũ khí này. Trong nhiều năm, ông đã phải một mình chống đối lại định kiến của làng võ thời bấy giờ, những người luôn ủng hộ quan điểm sử dụng côn nhị khúc cổ điển. Ông cũng đồng thời được xem như một “Pioneer” (người khai sáng) làng côn nhị khúc hiện đại với công lao nhiều năm nỗ lực giảng dạy tại Florida cũng như tổ chức hàng trăm buổi huấn luyện, giới thiệu trên toàn nước Mỹ.

Nhiều môn sinh trên toàn nước Mỹ chia sẻ khoảnh khắc tập luyện cùng người thầy vĩ đại khi nghe tin ông qua đời.
Nhiều môn sinh trên toàn nước Mỹ chia sẻ khoảnh khắc tập luyện cùng người thầy vĩ đại khi nghe tin ông qua đời.

Tại Việt Nam, dòng côn prochux cùng các kỹ thuật cũng được nhiều người hâm mộ đón nhận và tập luyện. Lee Barden cũng từng dành nhiều thời gian để trò chuyện và khuyến khích những người tập prochux tại Việt Nam, những môn sinh hầu hết đến với prochux bằng lòng yêu mến thông qua các video giảng dạy trực tuyến và vẫn chưa từng có duyên được tập luyện cùng ông.

Dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước và thông báo với bạn bè “Tôi chỉ còn vài tháng ở lại với mọi người”,sự ra đi đột ngột của người tiên phong – người đàn anh huyền thoại của làng côn nhị khúc hiện đại vẫn là một cú sốc lớn, đặc biệt với những người đã từng có dịp được người thầy tận tình, nhiệt huyết này đích thân chỉ dạy.

Y.N