Nghề Võ – đằng sau những tấm huy chương là nước mắt bội bạc

Khi từ giã sự nghiệp người may mắn được đi học, giữ lại làm Huấn luyện viên, người không may phải làm lại từ đầu, sống lay lắt bằng đủ nghề để mưu sinh khi dâng hiến cả những tháng năm tuổi trẻ cho đam mê và khát vọng.

> Cà phê võ thuật (kì 17): Suy nghĩ bên lề chuyện chiếc đai

Sport

Khi viết nên những dòng này tôi vẫn luôn khắc hoải về một câu hỏi, những việc mình đang làm có được định danh là một nghề. Đó chính là nghề võ – Nghề vận động viên (VĐV).

Tôi tạm gọi đó là nghề vì nó là một nghề của bao cảm xúc thăng hoa, vui vẻ, hạnh phúc, giằng xé và đau đớn.

Đối với những người thất bại trong đời vận động viên, họ cảm thấy mặn chát và bạc bẽo, nó ví như một quả chanh bị vắt kiệt nước và thải ra một đống bã. Nghề của tôi đầy những tháng ngày dầm mưa dãi nắng,với những giọt mồ hôi lăn dài trên gò má và những vết loang lổ đen xạm của những cô gái xuân thì khi tuổi đời chưa tròn 20.

Style: "Portrait B&W - high key"

Chúng tôi thường nói với  nhau rằng, nghề VĐV là nghề của đam mê và nhiệt huyết, thấm đẫm nước mắt và những nỗi đau về thể xác, những đôi chân bầm tím vì các đòn tấn công, cũng như sự đau đớn khi gặp phải chấn thương phải nằm viện điều trị và chờ tháng ngày dài đằng đẵng để mổ, vì với môn Võ chấn thương là người bạn đồng hành và không thể tránh khỏi trong đời VĐV.

Nghề của tôi có những mặt trái sau những giây phút thăng hoa của niềm vui chiến thắng, cũng là sự sắp xếp tính toán và “xin cho” của các huấn luyện viên, có những vận động viên từng đã phải bỏ cuộc cũng chỉ vì thầy của mình đã trót hứa “thả” trận đấu đó, mọi thứ thật tức tưởi và khó chấp nhận, vì vận động viên lúc ấy là quân cờ và công cụ để huấn luyện viên của mình đạt được mục đích cá nhân.

o-MAN-AND-WOMAN-BOXING-facebook

Đó là một góc tiêu cực khiến cho nghề của chúng tôi thêm phần đen tối, mất đi tính trung thực và cao thượng trong thể thao. Chúng tôi – những người làm nghề dù muốn dù không phải sống với nó và chấp nhận nó như lẽ tất yếu của cuộc chơi.

Có những vất vả để đến với chiến thắng mà chỉ những người đang sống cùng đam mê mới thấu hiểu, những lần ép cân để đánh hạng thấp hơn. Để ép cân, chúng tôi phải nhịn ăn hoặc ăn rất ít. Đôi chân bủn rủn, đôi mắt thâm quầng và hoa lên vì đói, lồng ngực phập phồng vì thở dốc.

Những ngày hè phải mặc áo mưa ra đường, chạy như thể bị ma đuổi, người bình thường nghĩ rằng chúng tôi điên khi trời nắng oi ả, lại mặc đồ mưa chạy như những kẻ tâm thần. Có những lúc cảm giác như ngã quỵ không thể đứng vững, có những VĐV thậm chí trước lúc cân và kiểm tra sức khỏe còn bị ngất lịm và bất tỉnh cần đến sự can thiệp của bác sỹ,

Thậm chí, có những VĐV lười biếng ép cân muốn ép thần tốc để xuống cân uống thuốc lợi tiểu và trong một đêm cân nặng đã sút nhưng không đứng dậy nổi vì mất quá nhiều nước buộc phải nhập viện. Hậu trường của những tháng ngày tập huấn, tập ngày tập đêm làm cho chúng tôi hao tổn về thể xác và kiệt quệ về tinh thần.

Thế nhưng, cứ nghĩ tới ngày mình sẽ được chạm tay vào tấm huy chương quý giá, mọi mệt mỏi tan biến và chúng tôi lại mơ về một giấc mơ vàng.

Tôi cũng đã từng thành công trong nghề của mình, và cũng nếm trải biết bao nhiêu gian truân trắc trở để đến được với thể thao thành tích cao, tôi vẫn còn mang nặng một nỗi niềm canh cánh trong lòng.

iStock_000016811504Medium

Đã bao nhiêu thế hệ Vận động viên đàn anh đàn chị, và thế hệ sau này, thi đấu cống hiến cho vinh quang cho đất nước, đồi lại khi từ giã sự nghiệp người may mắn được đi học, giữ lại làm huấn luyện viên, người không may phải làm lại từ đầu, sống lay lắt bằng đủ nghề để mưu sinh khi dâng hiến cả những tháng năm tuổi trẻ cho đam mê và khát vọng.

Đối với họ để có được những tấm huy chương họ phải đánh đổi bằng những giọt nước mắt, mồ hôi và không ít lần phải đổ máu để đổi lại ngày chia tay họ nhận được một con số 0 tròn trĩnh

Cuộc đời là vậy nghề của chúng tôi là nghề “bạc” chỉ được vẻ hào nhoáng bên ngoài bao người tung hô rồi đi vào lãng quên và biến mất như bóng đen vật vờ trong cuộc đời

Khi tôi chấp bút viết lên nghề của những người theo thể thao, tôi đồng cảm sẻ chia và thấu hiểu sâu sắc rằng, đam mê và nhiệt huyết chỉ là mạch nguồn sống, còn thực tế cơm, áo, gạo tiền, khiến cho chúng tôi phải bước đi, như câu hát vang mãi trong tim chúng ta mỗi khi bước lên bục vinh quang, đó chính là niềm tin chiến thắng vào một ngày mai tươi sáng.

Theo Cafebiz