Ngày càng nhiều phụ nữ thách thức quan niệm rằng cơ bắp chỉ dành cho nam giới khi chuyển sang tập thể hình. Thay vì theo đuổi chuẩn mực ngoại hình, họ hướng đến sức khỏe, niềm vui.
Đối với phụ nữ Hàn Quốc, nơi mà nhiều người phải vật lộn để phù hợp với các tiêu chuẩn sắc đẹp cứng nhắc, việc trở nên đẹp hơn và nữ tính hơn là nhiệm vụ cả đời. Họ coi tập thể dục, tham gia thể thao chủ yếu là phương pháp giữ dáng.
Nhưng ngày càng có nhiều phụ nữ thách thức nhận thức rằng cơ bắp chỉ dành cho nam giới khi chuyển sang tập luyện sức mạnh và các môn thể thao đồng đội. Thay vì mục tiêu giảm cân, họ mong muốn có sức khỏe, niềm vui và sự hài lòng của bản thân sau quá trình luyện tập.
Vào tối thứ 3, tại một phòng tập thể hình ở Gwanghwamun, trung tâm Seoul, không khó để bắt gặp bóng dáng các cô gái đang tập tạ, chạy bộ.
“Phần lớn phụ nữ vẫn đăng ký tập gym chủ yếu để giảm cân, nhưng ngày càng có nhiều phụ nữ đến phòng tập để nâng cao thể lực và giảm đau ở một số bộ phận cơ thể, chủ yếu ở độ tuổi 20-30”, Ted Park, huấn luyện viên cá nhân 29 tuổi nói.
Park cho biết phòng tập thể dục đã tăng khoảng 15% số thành viên nữ trong những tháng gần đây, ngay cả khi có đại dịch Covid-19.
Yang Min-young, 38 tuổi, bắt đầu tập thể dục để gầy đi. Tuy nhiên cô đã sớm nhận ra những lợi ích khác của việc rèn luyện sức mạnh. Hiện cô là một fan cuồng nhiệt của bộ môn CrossFit và jiujitsu, một môn võ tự vệ.
Yang, tác giả của cuốn sách có tựa đề Women Who Work Out, cho biết: “Sau khi tập luyện, tôi cảm thấy tràn đầy năng lượng và muốn khám phá chính mình. Tôi muốn tập trung vào khả năng của cơ thể, tôn trọng bản thân hiện tại thay vì nỗ lực để giảm béo hoặc trông như thế nào”.
Trong nỗ lực trao quyền cho phụ nữ thông qua thể thao, Yang đã thành lập CLB có tên “Gym Buddy”, nơi dành riêng cho nữ giới đam mê thể dục thể thao. Họ tổ chức các lớp học thử từ bóng rổ đến jiujitsu.
Không còn muốn gầy, nhỏ nhắn, dễ thương
Lee Yun-jin, 28 tuổi, giáo viên tiểu học, là thành viên của câu lạc bộ bóng chuyền địa phương. Cô cũng đang học chơi tennis và tham gia các lớp học pilates.
“Phụ nữ tham gia các lớp pilates, yoga dễ dàng được chấp nhận như một nỗ lực để giảm cân hoặc giữ gìn vóc dáng. Nhưng khi tôi nói với người khác rằng tôi chơi cả bóng chuyền, bóng rổ, bóng đá, họ rất ngạc nhiên”, Lee nói.
Cô gái 28 tuổi kể rằng cách đây 20 năm hầu hết sân chơi bóng đá, bóng rổ trong trường học chỉ có nam giới. Trong khi đó, các nữ sinh luôn ngồi trong lớp vào giờ ra chơi.
“Dường như điều đó đã củng cố suy nghĩ rằng thể thao chỉ dành cho đàn ông”.
Nhưng giờ đây, Lee đang chứng kiến những thay đổi trong lớp học, với ngày càng nhiều nữ sinh tham gia các hoạt động thể chất và câu lạc bộ thể thao hơn.
“Đàn ông tham gia câu lạc bộ bóng đá cuối tuần để giải tỏa căng thẳng được coi là đương nhiên, còn điều đó không dành cho phụ nữ trưởng thành, đặc biệt là phụ nữ có con. Nhưng tôi hy vọng nhiều phụ nữ cũng có thể giải tỏa căng thẳng, cảm thấy vui vẻ và hồi sinh cuộc sống thông qua các môn thể thao đồng đội”, nữ giáo viên nói.
“Ở Hàn Quốc, tập thể dục dường như vẫn là một hành động nam tính. Nếu tôi tập thể dục để tăng cường cơ bắp, mọi người sẽ nói tại sao tôi lại phải làm như vậy khi bản thân là phụ nữ chứ không phải là đàn ông.
Nhưng cải thiện sức mạnh thể chất có nghĩa là chúng ta tự do và trở nên độc lập hơn. Đó là những quyền cơ bản của con người, không phân chia giới tính”.
Theo trang thương mại điện tử Gmarket, doanh số bán thiết bị tập thể dục được phụ nữ ưa thích đã tăng 36% trong năm nay.
Một cuộc khảo sát của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc về việc tham gia các môn thể thao hàng ngày cho thấy tỷ lệ phụ nữ nước này tập thể hình tăng lên trong vài năm qua – từ 7,4% năm 2017 lên 8,9% năm 2019. Đối với nam giới, tỷ lệ này là 16,5% vào năm 2017 và 19,1% vào năm 2019.
Tìm kiếm trên Instagram bằng tiếng Hàn, có khoảng 14,6 triệu bài đăng với nội dung “tập thể dục”, 9,8 triệu bài đăng kèm hashtag “phụ nữ tập thể dục” và 6,2 triệu bài đăng gắn hashtag “đàn ông tập thể dục”.
Kim Min-kyung, diễn viên hài nổi tiếng với thân hình ngoại cỡ, đang chiếm được cảm tình của nhiều phụ nữ khi tham gia chương trình Exercise Fat From Today.
Kim cho biết mục tiêu tập luyện của cô là khỏe mạnh chứ không chỉ giảm cân. Nữ diễn viên dễ dàng nâng mức tạ 300 kg trong một động tác ép chân, khiến huấn luyện viên và người xem phải kinh ngạc. Cô đã được đặt biệt danh là “Tướng quân” vì sức mạnh của mình.
Nhà phê bình văn hóa Hwang Jin-mee nói: “Khi xem diễn viên hài Kim Min-kyung nâng tạ nặng, tôi nghĩ rằng nhiều phụ nữ cảm thấy được giải phóng khỏi những tiêu chuẩn sắc đẹp áp bức rằng họ phải nhỏ nhắn, gầy gò và dễ thương.
Sức mạnh thể chất là điều mà cô ấy nên tự hào và nó cho thấy bất kỳ loại cơ thể nào cũng có thể được tôn vinh, miễn là nó khỏe mạnh. Đây có thể là một dấu hiệu cho thấy nhiều phụ nữ bắt đầu nhìn thấy và đón nhận các loại cơ thể đa dạng hơn”.
Yun Ji-yeong, phó giáo sư của Viện Cơ thể và Văn hóa tại Đại học Konkuk, cũng chỉ ra sự thay đổi trong nhận thức về cơ thể phụ nữ.
“Trước đây, quan niệm về cơ thể của phụ nữ do đàn ông nhìn nhận, lựa chọn và quyết định. Nhưng khi nữ quyền gia tăng, quan điểm đang thay đổi.
Chức năng cơ thể chứ không phải vẻ ngoài của cơ thể được đánh giá cao hơn. Phụ nữ muốn trở nên khỏe mạnh hơn, mở rộng phạm vi hoạt động và đón nhận nhiều thách thức khác”.
Theo Lê Vy (Zing News)